Trong phiên cuối tuần, Dow Jones tiếp tục duy trì đà tăng để thiết lập đỉnh cao mới, S&P 500 cũng nhanh chóng hồi phục, với số điểm tăng nhỉnh hơn chút so với những gì đã mất trong phiên thứ Năm, qua đó cũng giúp chỉ số này thiết lập đỉnh mới.
Phố Wall tăng điểm trong phiên thứ Sáu bất chấp những rủi ro về căng thẳng địa chính trị khi Triều Tiên tiếp tục phóng tiên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản lần thứ 2 trong vòng 1 tháng và vụ khủng bố tại London (Anh). Đà tăng này của chứng khoán Mỹ nhờ vào sự phục hồi của Apple sau khi giảm trong 3 phiên trước kể từ khi Iphone 8, 8plus và Iphone X ra đời với mức giá khá cao, khiến giới đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng tới doanh thu của đại gia này trong quý tới. Ngoài ra, việc doanh số bán lẻ của Mỹ yếu hơn dự kiến làm giảm khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tuần này cũng giúp phố Wall tăng điểm.
Kết thúc phiên 15/9, chỉ số Dow Jones tăng 64,86 điểm (+0,29%), lên 22.268,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,61 điểm (+0,18%), lên 2.500,23 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 19,38 điểm (+0,30%), xuống 6.448,47 điểm.
Với những phiên tăng điểm ấn tượng, bất chấp căng thẳng địa chính trị, phố Wall đã lấy lại đà tăng sau tuần điều chỉnh trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, Dow Jones tăng 2,16%, chỉ số S&P 500 tăng 1,58% và chỉ số Nasdaq tăng 1,39%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ khi, nhất là chứng khoán Anh tiếp tục giảm hơn 1% khi đồng bảng Anh tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2016 sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney hôm 14/9 đưa ra những gợi ý rằng lãi suất của ngân hàng này có thể sẽ tăng vào tháng tới.
Kết thúc phiên 15/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 79,92 điểm (-1,10%), xuống 7.215,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 21,64 điểm (-0,17%), xuống 12.518,81 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 11,29 điểm (-0,22%), xuống 5.213,91 điểm.
Chứng khoán châu Âu trong tuần qua tiếp tục có sự trái chiều. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tiếp tục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm mạnh hơn nhiều khi mất 2,2%, trong khi chỉ số DAX của Đức có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,75% và chỉ số CAC 40 cũng đảo chiều tăng 1,96% sau khi giảm nhẹ tuần trước 0,19%.
Tương tự phố Wall, chứng khoán Nhật Bản sau phút lo lắng đầu phiên trước vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã nhanh chóng đảo chiều và bất ngờ có phiên tăng điểm tốt cuối tuần, qua đó có tuần tăng điểm tốt nhất kể từ tháng 11/2016.
Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều tăng điểm trong phiên cuối tuần, dù trước đó phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại giảm khá mạnh do giới đầu tư lo lắng về động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã mất dần.
Kết thúc phiên 15/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 102,06 điểm (+0,52%), lên 19.909,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 30,39 điểm (+0,11%), lên 27.807,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 17,76 điểm (-0,53%), xuống 3.353,67 điểm.
Với chuỗi tăng ấn tượng, chỉ số Nikkei 225 tuần qua đã tăng mạnh trở lại 3,29% sau khi giảm 2,12% tuần trước. Chứng khoán Hồng Kông cũng hồi trở lạ với mức tăng 0,5%, trong khi chứng khoán Trung Quốc có tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi mất 0,34%.
Bất chấp căng thẳng địa chính trị, giá vàng vẫn giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần khi một quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu kêu gọi ngân hàng mở rộng gói kích thích kinh tế, khiến đồng USD tăng mạnh. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế sau đó của Mỹ công bố kém khả quan đã khiến đồng USD giảm trở lại, giúp hãm bớt đà giảm của giá vàng. Ggiới đầu tư đang chờ đợi trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần này. Dù lạm phát đang mạnh hơn và thị trường lao động đang ở mức tốt, nhưng nhiều khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp này khi cơ quan này chuẩn bị thay các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Kết thúc phiên 15/9, giá vàng giao ngay giảm 9,8 USD/ounce (-0,74%), xuống 1.319,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 5,8 USD/ounce (-0,44%), xuống 1.323,5 USD/ounce.
Giá vàng chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp và là tuần giảm thứ 2 trong 10 tuần qua. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giao ngay giảm 1,99%, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,04%.
Với tuần điều chỉnh vừa qua, cả giới phân tích và các nhà đầu tư đều có cái nhìn thận trọng trở lại với xu hướng của giá vàng trong tuần này.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, chỉ có 14 chuyên gia thị trường trả lời (ít hơn 2 người so với tuần trước), trong đó có 7 người, chiếm 50% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, thấp hơn con số 63% của tuần trước. Có 6 người dự báo giảm, chiếm 43%, cao hơn nhiều so với con số 25% của tuần trước và 1 người dự báo đi ngang, chiếm 7%.
Trong khi đó, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, có 1.219 người tham gia (cao hơn nhiều so với con số 869 của tuần trước), trong đó có 483 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 40%, thấp hơn so với con số 58% của tuần trước; 606 người, chiếm 50% dự báo giá vàng sẽ giảm, cao hơn nhiều so với con số 32% của tuần trước; 130 lượt, chiếm tỷ lệ 11% giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, giá dầu thô lại tiếp tục tăng với dự báo nhu cầu dầu thô sẽ gia tăng khi các nhà máy lọc dầu của Mỹ sẽ hoạt động trở lại sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của 2 cơn bão lớn.
Cụ thể, OPEC dự báo, nhu cầu dầu sẽ cao hơn trong năm 2018 và sự chênh lệch cung cầu đã được thu hẹp, cho thấy sự hiểu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và một số nước sản xuất lớn
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng cho thấy, chênh lệch cung cầu trên thị trường dầu mỏ thế giới cũng đã được thu hẹp do nhu cầu gia tăng của Mỹ, châu Âu, trong khi OPEC cắt giảm sản lượng.
Thông tin trên giúp giá dầu Brent tăng lên mức cao nhất gần 5 tháng và có tuần tăng tốt nhất kể từ tháng 7.
Kết thúc phiên 15/9, giá dầu thô đứng yên tại mức 49,89 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,15 USD (+0,27%), lên 55,62 USD/thùng.
Giá dầu thô có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng mạnh hơn nhiều so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ tăng 5,08% và giá dầu thô Brent tăng 3,42%.