Không chỉ gửi công văn lên Bộ Tài chính, mới đây, trong cuộc làm việc trực tiếp với lãnh đạo Bộ Tài chính, UBND TP. HCM một lần nữa lại kiến nghị, cần quản lý chặt việc thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, trong bối cảnh tình trạng né thuế đang diễn ra khá nhức nhối.
Nhìn nhận về nguyên nhân sâu xa của tình trạng này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, xuất phát từ những bất cập trong quy định về thuế chuyển nhượng.
Cụ thể, quy định hiện hành đang phân biệt, cá nhân chuyển nhượng cổ phần trong các công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán, là chuyển nhượng chứng khoán, nên áp dụng quy định về thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán (với thuế suất là 0,1% doanh thu); còn tổ chức, cá nhân chuyển nhượng cổ phần trong các công ty cổ phần chưa phải công ty đại chúng áp dụng quy định về thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn (với thuế suất là 25% doanh thu).
Cách phân biệt như trên, theo đại diện VAFI là không hợp lý, không logic, nếu theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán. Bởi theo Luật Chứng khoán, chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Công ty đại chúng chỉ khác công ty không đại chúng là có từ 100 cổ đông trở lên và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên, còn về bản chất vẫn là công ty cổ phần. Do vậy, khi NĐT chuyển nhượng cổ phần, thực chất cũng là chuyển nhượng chứng khoán.
“Quy định hiện hành tính thuế chuyển nhượng vốn với thuế suất 25% cho từng giao dịch là quá cao, không hợp lý, bởi không tính được toàn bộ chi phí, trong đó có cả chi phí vật chất lẫn phi vật chất trong quá trình doanh nhân gây dựng và phát triển DN trước khi chuyển nhượng…”, ông Hải nhìn nhận, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới biểu hiện gian lận thuế chuyển nhượng vốn như hiện tại.
Đại diện VAFI kiến nghị, Bộ Tài chính cần điều chỉnh quy định về thuế chuyển nhượng vốn theo hướng, không phân biệt thành công ty đại chúng và công ty không đại chúng, bởi về bản chất, đây đều là hành vi chuyển nhượng cổ phần và thuế suất nên áp dụng là 0,1%/doanh thu.
Cùng quan điểm trên, giám đốc tài chính một CTCK cho rằng, rất khó xác định được DN là công ty đại chúng hay chưa, nếu họ chưa đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thực tế, rất có thể một tổ chức phát hành làm các thủ tục để biến công ty chưa đủ điều kiện công ty đại chúng thành công ty đại chúng, để hưởng lợi về thuế chuyển nhượng, sau đó chuyển lại thành công ty chưa đại chúng. Đồng thời, quy định này cũng gây khó cả người nộp thuế và cơ quan thuế trong quá trình thực hiện.
Những bất cập trên, theo các chuyên gia, nếu sớm được khắc phục, không chỉ góp phần giảm thiểu tình trạng gian lận thuế chuyển nhượng vốn, mà còn khuyến khích nhà đầu tư minh bạch trong hoạt động kê khai, nộp thuế khi chuyển nhượng vốn, qua đó tăng thu cho ngân sách.