Bất cập thuế chứng khoán, sao mãi không gỡ?

(ĐTCK) Trước thực trạng thuế đánh vào hoạt động đầu tư chứng khoán đang bộc lộ không ít bất cập, vướng mắc, các thành viên thị trường kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm tháo gỡ tình trạng này, góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển...
Bất cập thuế chứng khoán, sao mãi không gỡ?

Lỗ vẫn phải nộp thuế

Với cách đánh thuế như hiện tại, nhà đầu tư cá nhân đầu tư chứng khoán thua lỗ vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Bất cập này đã tồn tại lâu nay, nhưng hiện vẫn chưa có hướng tháo gỡ. Theo CTCK Sài Gòn (SSI), việc nhà đầu tư lỗ do giá chuyển nhượng chứng khoán thấp hơn giá mua và phát sinh phí chuyển nhượng, lãi vay khi mua chứng khoán nhưng vẫn phải chịu thuế thu nhập cá nhân gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường chứng khoán, cũng như định hướng đa dạng kênh đầu tư và khuyến khích đưa vốn nhàn rỗi vào hoạt động sản xuất -
kinh doanh...

Từ bất cập trên, SSI đề xuất, cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể để chi phí mua bán chứng khoán, lãi vay của nhà đầu tư được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế, đồng thời đơn giản hóa thủ tục quyết toán thuế vào cuối năm cho nhà đầu tư trong việc chứng minh chi phí kinh doanh chứng khoán, để đảm bảo đạo lý đánh thuế là khi nhà đầu tư có lãi mới phải nộp thuế, tránh tình trạng thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế như hiện nay.

Cũng liên quan đến tình trạng thuế thu nhập cá nhân đánh chưa đúng bản chất của giao dịch chứng khoán, theo CTCK MB (MBS), cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với giao dịch chứng khoán phái sinh hiện chưa thể hiện đúng bản chất của loại thuế này là tính trên khoản lợi nhuận phát sinh.

Do đó, đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi quy định này theo hướng tính thuế dựa trên giá trị lãi của lệnh đóng vị thế để đánh thuế đúng bản chất của giao dịch...

Một bất cập của cơ chế hiện hành dẫn đến tình trạng phí chồng phí. Theo Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), hiện nhà đầu tư phải trả phí chuyển quyền sở hữu chứng chỉ quỹ ETF tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) 2 lần. Lần 1 là khi nhà đầu tư hoán đổi rổ chứng khoán cơ cấu lấy chứng chỉ quỹ ETF sơ cấp, lần 2 là khi họ thực hiện hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF để lấy rổ chứng khoán cơ cấu, phí mỗi lần là 0,05%/giá trị hoán đổi.

Tương tự, nhà đầu tư cá nhân cũng phải chịu 2 lần thuế khi thực hiện hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy lô chứng chỉ quỹ ETF và hoán đổi lô chứng chỉ quỹ ETF lấy danh mục chứng khoán cơ cấu, với mức thuế 0,1%/tổng giá trị của chứng khoán cơ cấu, hoặc 0,1%/giá trị chứng chỉ quỹ.

Để khắc phục tình trạng này, ý kiến từ phía thị trường đề xuất mức phí chuyển quyền sở hữu và thuế đối với nhà đầu tư cá nhân chỉ nên áp một lần khi nhà đầu tư bán chứng chỉ quỹ ETF. Thậm chí, cần có cơ chế giảm thuế, phí chuyển quyền sở hữu cho các giao dịch của các nhà đầu tư, nhà tạo lập thị trường để khuyến khích đầu tư vào quỹ ETF.

Chẳng hạn, với nhà tạo lập thị trường, nên xem xét miễn phí toàn bộ đối với các giao dịch tạo lập thị trường cho quỹ ETF để khuyến khích sự tham gia của nhiều nhà tạo lập thị trường, từ đó tiếp sức cho các quỹ  ETF nội địa phát triển.

Đề xuát không đánh thuế VAT

Một bất cập khác của cơ chế thuế theo phản ánh của các CTCK là liên quan đến quy định về thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo SSI, Thông tư 219/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, quy định: Hoạt động kinh doanh chứng khoán không phải chịu thuế VAT.

Thế nhưng, dù các hoạt động như tư vấn tài chính, đại lý phát hành trái phiếu và giấy tờ có giá đều được coi là hoạt động kinh doanh chứng khoán của CTCK, nhưng hiện chưa được coi là đối tượng không phải chịu thuế VAT.

Do đó, đề nghị cơ quan quản lý sửa đổi quy định về thuế VAT theo hướng coi 2 hoạt động đại lý phát hành chứng khoán và giấy tờ có giá, tư vấn tài chính đều là hoạt động kinh doanh chứng khoán và không thuộc đối tượng chịu thuế VAT. Điều này đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp lý, góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển...

Cùng góc nhìn, MBS phản ánh, hiện hầu hết các nghiệp vụ chính của CTCK đều thuộc đối tượng không chịu thuế VAT. Tuy nhiên, nghiệp vụ tư vấn tài chính của CTCK đang thuộc đối tượng chịu thuế VAT ở mức 10%. Do đó, MBS đề xuất, tất cả các nghiệp vụ của CTCK đều không thuộc đối tượng chịu thuế VAT.

Các thành viên thị trường trông đợi những vướng mắc, bất cập trên cần được xem xét sửa đổi trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế tài nguyên và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (1 luật sửa 6 luật), mà Bộ Tài chính đang tiến hành, để tới đây trình Chính phủ, Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua.

Từ đó, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về thuế để thu hút các dòng vốn tham gia thị trường chứng khoán, tiếp sức cho thị trường phát triển tích cực và lành mạnh hơn.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ