Theo thống kê sơ bộ của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có gần 40 khu, cụm công nghiệp, trong đó có nhiều cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất đang xen lẫn trong khu dân cư. Nhiều khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp này thuộc đối tượng phải di dời, nhưng sau nhiều năm, vẫn bám trụ ở nội đô.
Cụ thể, năm 2010, UBND TP. Hà Nội đã ra Văn bản 2593/UBND-KH&ĐT đồng ý di dời các cơ sở sản xuất tại khu vực Cụm công nghiệp Phú Minh (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm). Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, cụm công nghiệp gây ô nhiễm này vẫn chưa chịu di dời.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ngoài sản xuất bao bì carton, bao bì nhựa, các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Phú Minh (do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Việt là đơn vị đứng ra cho các doanh nghiệp thuê mặt bằng sản xuất) còn sản xuất các sản phẩm như cơ khí, kim loại, sơn, bia, may mặc… Đây là những sản phẩm mà phế thải rất độc hại nếu như không được xử lý khi thải ra môi trường.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện tổ dân phố Phú Minh, Cổ Nhuế 2 cho biết, trước đây, người dân từng phản ánh rất nhiều, nhưng chưa giải quyết được. Chính quyền cứ phạt rồi lại đâu vào đấy, còn dân vẫn chịu trận.
“Thậm chí, khi bản thân tôi phản ánh nhiều còn có những đối tượng xã hội đến đe dọa thế nọ thế kia. Được biết, theo chủ trương của Thành phố, sau khi di dời cụm công nghiệp này sẽ xây dựng khu trung tâm thương mại, nhà ở cao tầng ở đây, nhưng đến nay vẫn chưa di dời được”, người này nói.
Tương tự, một người dân khác sống cạnh Cụm công nghiệp Phú Minh cũng cho biết, ở gần cụm công nghiệp này là nỗi cơ cực. Nhìn từ vụ cháy Nhà máy Rạng Đông, người dân sống quanh đây đang rất sợ. Nước thải, khói bụi, mùi hôi thối từ cụm công nghiệp rất ô nhiễm. Nước sinh hoạt ở đây chỉ để tắm rửa, còn ăn thì mua nước nơi khác mang đến.
“Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên các cấp chính quyền trong các cuộc họp dân phố, tiếp xúc cử tri, nhưng tiếng nói của người dân ít có giá trị. Đặc biệt, mùi dung môi, mực in bao bì, ni lông từ trong cụm công nghiệp như Công ty Bao bì Tây Đô, Công ty cổ phần In và Bao bì Goldsun, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Thiên Hồng, Công ty cổ phần Halas Việt Nam…, đều bốc mùi gây khó chịu", một người dân cho biết.
Trong khi đó, một cư dân ở tổ dân phố 3, phường Phúc Lý, quận Bắc Từ Liêm, cách Cụm công nghiệp Phú Minh không xa và cạnh Công ty cổ phần Giầy Thụy Khuê cho biết: “Cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất trên rất ô nhiễm, đầy rẫy ruồi muỗi từ các cống thoát nước thải. Cách đây khoảng 5 năm, cạnh nhà tôi từng bị cháy xưởng gỗ, may mắn là không thiệt hại về người và khống chế đám cháy kịp thời không bị lây lan sang nhà dân. Biết là nguy hiểm, nhưng không có chỗ nào để sống, vì chúng tôi không có nhiều tiền để di dời đi nơi khác, nên đành đành chấp nhận sống trong nỗi sợ. Đợi họ (nhà máy, doanh nghiệp - phóng viên) di chuyển mà chẳng thấy đâu”.
Tương tự, một người dân ở cạnh Công ty cổ phần Hóa chất sơn Hà Nội ở 158 đường Phú Diễn, phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm) cũng cho biết, mùi hắc của nhà máy rất khó chịu, người dân phải bưng kín hết các lỗ thoáng trong nhà. Hy vọng công ty này sẽ sớm đi.
Ngoài Cụm công nghiệp Phú Minh, từ năm 2016, TP. Hà Nội cũng đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành. Trong đó, có Nhà máy Dệt kim Đông Xuân ở đường Minh Khai, Nhà máy Sản xuất thuốc lá Thăng Long (đường Nguyễn Trãi), Công ty cổ phần Thương mại Bia Hà Nội, Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hạ Đình)… Song, đến nay, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp trong danh sách cần di chuyển gấp trên vẫn “án binh bất động”.
Sự cố cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông và trước đó là hàng loạt vụ cháy xảy ra tại các cơ sở sản xuất khác tại khu dân cư trên địa bàn Hà Nội đã gióng hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm từ các nhà xưởng nằm lẫn trong khu dân cư.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com