Ông Nguyễn Kha, ngụ tại quận 12, TP.HCM kể, gia đình ông có một miếng đất tại phường Thạnh Xuân. Năm 2016, người con trai lớn lấy vợ và muốn ra ở riêng nên ông đã nộp hồ sơ xin tách thửa lô đất này để chia cho con. Tuy nhiên, theo Quyết định 33/2014 QĐ-UBND mà TP.HCM áp dụng thời điểm đó chỉ cho phép đất có nhà ở mới được tách thửa.
Đến năm 2017, Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND được ban hành thay thế cho Quyết định 30/2014 nhằm khắc phục những vướng mắc trong quá trình tách thửa, phân lô, bán nền, hạn chế việc kinh doanh bất động sản trái quy định...
Chưa kịp mừng, ông Kha lại đối mặt với vấn đề khác, đó là đất nằm trong khu dân cư xây dựng mới không được tách thửa. Khốn khổ hơn, gia đình ông muốn làm lại con đường vào nhà vốn đã xuống cấp trầm trọng, đi lại khó khăn, nhưng cũng không được giải quyết với lý do “khi nào được tách thửa thì mới được đầu tư đường vào nhà”.
“Trong hơn 5 năm qua, gia đình tôi nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương nhưng họ nói không có cơ sở nào để thực hiện do vướng quy định. Kính mong các anh chị đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để biết nỗi khổ của họ như thế nào”, ông Kha thở dài ngao ngán.
Đồng cảnh ngộ, bà Vũ Thị Thanh (ngụ huyện Bình Chánh) cho hay, gia đình bà có miếng đất diện tích 500 m2 ở phường Vĩnh Lộc A, phía trước nhà đã có đường dân sinh rộng khoảng 5 m, nhưng vẫn không được tách thửa để chia cho các con do vị trí đất nằm trong khu dân cư xây dựng mới.
“Không được tách thửa, tôi quyết định xây nhà để cho thuê, nhưng chỉ được cấp phép xây dựng tạm và phải cam kết tháo dỡ ngay khi có yêu cầu từ chính quyền”, bà Thanh chia sẻ thêm.
Trên thực tế, trường hợp như của ông Kha và bà Thanh không hiếm gặp. Đặc biệt, mới đây, nhiều địa phương đã tạm dừng cho phép chia lô, tách thửa đất với mục đích “hạ nhiệt” các cơn sốt đất.
Theo ông Phan Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty Green Real, việc chia lô, tách thửa là quyền lợi chính đáng của người sở hữu đất, nên điều các cơ quan nhà nước cần làm là quản lý và định hướng quy hoạch một cách bài bản, phù hợp, chứ không phải dựng rào cản theo kiểu “ngăn sông cấm chợ”.
“Việc người dân được chia lô, tách thửa đáp ứng nhu cầu cuộc sống thì chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Nhà nước thu được tiền thuế, giúp bộ mặt đô thị tại khu vực đó được khang trang hơn. Do đó, vấn đề hiện nay là Nhà nước quản lý các đồ án phân lô đó theo quy hoạch tổng thể 1/2000, quy hoạch 1/500 và quản lý theo định hướng quy hoạch, việc ngăn cấm sẽ chỉ tạo điều kiện cho việc chạy chọt, phát sinh tiêu cực mà thôi”, ông Thủy nói.
PGS-TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, hoạt động phân lô, bán nền nếu được kiểm soát tốt, tuân thủ theo quy hoạch không chỉ đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, giúp cải thiện thanh khoản thị trường, mà còn tạo ra nguồn thu cho ngân sách, giúp cải tạo bộ mặt đô thị các địa phương. Do đó, những chính sách tác động đến quyền lợi chính đáng của người dân nên được cân nhắc kỹ để khi ban hành có thể đi vào cuộc sống, không gây cản trở, ách tắc cho cuộc sống người dân và doanh nghiệp.