Kiếm bẫm với thông tin sớm
Trong một dịp đi khảo sát doanh nghiệp cùng lãnh đạo một công ty chứng khoán cùng bộ phận phân tích, tư vấn của doanh nghiệp, người viết chứng kiến cuộc trò chuyện cởi mở giữa lãnh đạo doanh nghiệp với lãnh đạo công ty chứng khoán về chiến lược phát triển mới của doanh nghiệp cũng như các dự án sắp triển khai, kế hoạch thu xếp vốn.
Một cách tình cờ, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này đã phi từ 7.000 đồng/cổ phiếu lên trên mệnh giá, trước và sau khoảng thời gian có cuộc gặp gỡ không lâu.
Dĩ nhiên, đà tăng này có sự hỗ trợ của yếu tố thị trường thuận lợi, nhưng nói như vị lãnh đạo công ty chứng khoán, doanh nghiệp muốn phát hành tăng vốn thì thị giá cổ phiếu cũng nên “đẩy” tối thiểu lên trên mệnh giá.
Trong một câu chuyện khác, nhà đầu tư P.V. Phương chia sẻ, anh được nhóm tư vấn của công ty chứng khoán “phím” mua 20.000 cổ phiếu X. từ thời điểm cuối tháng 2 và nắm giữ cổ phiếu này qua đại hội cổ đông sẽ lên trên 100.000 đồng/cổ phiếu.
Đúng kịch bản, cổ phiếu X từ mức xấp xỉ 80.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm đầu tháng 3 đã tăng lên hơn 110.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm cuối tháng 3.
Với việc chốt lãi một phần từ trung tuần tháng 3 và hiện thực hóa lợi nhuận vào thời điểm đầu tháng 4, nhà đầu tư này đã thu về gần 500 triệu đồng tiền lãi.
Diễn biến giao dịch của nhiều mã chứng khoán trên thị trường gần đây, đặc biệt là một số mã ngân hàng, khiến thị trường “choáng” với biến động giá cũng như khối lượng giao dịch. Chỉ có một sự hợp lực và đồng thuận của nhóm cổ đông lớn mới làm được điều đó.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, việc nắm bắt những cổ phiếu sắp có “game” đã giúp nhiều nhà đầu tư thắng lớn, từ “game thoái vốn”, “game sắp công bố lợi nhuận đột biến”… Còn nếu chỉ đầu tư dựa trên phân tích cơ bản thì rõ ràng phụ thuộc vào yếu tố may rủi từ diễn biến thị trường, thậm chí vẫn thua lỗ khi thị trường tăng điểm.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, việc nắm bắt những cổ phiếu sắp có “game” đã giúp nhiều nhà đầu tư thắng lớn.
Thậm chí, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp sẵn sàng chịu bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt với hành vi “giao dịch chui”, đó là trường hợp một số lãnh đạo công ty đã lợi dụng lợi thế nắm bắt sớm các thông tin hoạt động của doanh nghiệp để tiến hành các giao dịch không công khai nhằm hưởng lợi, đây là hành vi cần lên án và xử lý triệt để.
Đối với các công ty chứng khoán, trung gian thị trường cũng là đơn vị được tiếp xúc nhiều hơn với các doanh nghiệp để đưa ra những dự báo, phân tích, khuyến nghị cho nhà đầu tư.
Trên thị trường, những cuộc gặp gỡ chia sẻ giữa lãnh đạo doanh nghiệp với các đơn vị tư vấn, hay với các cổ đông lớn, nhà đầu tư tổ chức như vậy là rất nhiều, thường diễn ra trước mỗi sự kiện của doanh nghiệp như đại hội cổ đông, tăng vốn, công bố báo cáo kết quả kinh doanh…
Song bản thân các công ty chứng khoán cũng có nghiệp vụ tự doanh, thế nên việc các công ty chứng khoán tiếp xúc với doanh nghiệp, nắm bắt được nhiều thông tin sớm hơn cũng là một lợi thế.
Những nhà đầu tư nhỏ lẻ thường lúng túng hơn trong việc tiếp cận doanh nghiệp. Một điểm nữa những nhà phân tích khi họ tiếp xúc doanh nghiệp rõ ràng họ nắm được thông tin liên hoàn, thành một chuỗi cho một hệ thống báo cáo của họ. Trong khi những nhà đầu tư cá nhân nếu muốn có thông tin này, với cơ chế hiện nay, phải mất phí thì mới có được.
Chị Minh T., một nhà đầu tư mới (F0) chia sẻ, dù có chút thành quả trong giai đoạn vừa qua nhưng chỉ tới khi các cổ phiếu này tăng liên tục vài phiên cùng thông tin râm ran về việc doanh nghiệp sẽ ra tin tốt về kết quả kinh doanh, hoặc có kế hoạch tăng vốn hay có kế hoạch “đánh lên”.
“Bán mua chả khác người mù, lúc mình nghe được những tin tức ấy đến mình, chắc chắn những nhà đầu tư cá mập, giới thạo tin đã kiếm bẫm khi ôm được từ sớm”, chị T. nói.
Cổ đông nhỏ lép vế
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, thị trường Việt Nam tập trung chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, trong khi khá nhiều doanh nghiệp niêm yết đang có tình trạng nhóm cổ đông lớn có mối quan hệ khá chặt chẽ với nhau và sở hữu hơn 80% cổ phần. Chính vì vậy, nhóm nhà đầu tư cá nhân thường không nắm được nhiều thông tin trọng yếu của doanh nghiệp.
Trong trường hợp cổ đông quan tâm đến tình hình của doanh nghiệp, thậm chí muốn phản đối thì với tỷ lệ nắm giữ thiểu số không thể vượt qua đại đa số cổ đông. Ở đây, chỉ cần nhóm cổ đông lớn họp với nhau trước đó, gần như mọi tờ trình đều được thông qua, thủ tục bỏ phiếu gần như “làm cho có”.
Thậm chí, ở nhiều doanh nghiệp, hội đồng quản trị có thể “tự quyết” các giao dịch chuyển vốn giữa công ty với những công ty thân thuộc của hội đồng quản trị…
Nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đang dần “tư nhân hóa” khi phần lớn các thành viên trong gia đình nắm cổ phần chi phối, nắm các vị trí chủ chốt của doanh nghiệp. Các cổ đông nhỏ lẻ thường là người nắm được thông tin cuối cùng, khi “sự đã rồi”.
Trong câu chuyện bất cân bằng trong tiếp cận thông tin giữa nhà đầu tư lớn - nhỏ thường đề cập ở hai dạng.
Thứ nhất, các thông tin quan trọng có thể liên quan, tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu như dự báo về lợi nhuận, kế hoạch triển khai dự án lớn, việc bán các tài sản lớn giúp doanh nghiệp thu được nguồn lợi nhuận đột biến… như đã nói ở trên, các cổ đông lớn, các chuyên gia phân tích ở công ty chứng khoán thường có cơ hội tiếp cận sớm hơn.
Thứ hai, các thương vụ mua bán, sáp nhập hay thay đổi lãnh đạo doanh nghiệp… để thống nhất được các nội dung này, các cổ đông lớn đã phải có cuộc làm việc, thống nhất đồng tình để số phiếu quyết định phải ở mức trên 65% khi đưa ra đại hội cổ đông. Đây cũng là trường hợp dễ xảy ra khiến kiện giữa nhóm cổ đông nhỏ với cổ đông lớn, nhưng phần lớn các cổ đông nhỏ thường nhận phần thua nếu xét trên tỷ lệ.
Hiện toàn thị trường có hơn 2,5 triệu tài khoản chứng khoán được cấp thì nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 99%. Tuy là lực lượng đông đảo, có vai trò quan trọng trong góp sức cho sự phát triển của thị trường khoán, nhưng thực tế cho thấy nhiều nhà đầu tư nhỏ vẫn đang bị đối xử bất bình đẳng về thông tin, cả chủ động lẫn bị động.
Lấy ví dụ đơn giản, các công ty phần lớn đều có bộ phận quan hệ cổ đông (IR) và họ có trách nhiệm trả lời các cổ đông các vấn đề của doanh nghiệp. Các nhóm cổ đông lớn, hay các chuyên gia phân tích cần có số liệu để định giá hoặc đánh giá đầu tư nên họ phải đến doanh nghiệp gặp gỡ bộ phận IR của doanh nghiệp và họ nắm được thông tin.
Thậm chí, doanh nghiệp còn chủ động mời các cổ đông lớn, các công ty chứng khoán đến để chia sẻ trước thông tin, để nhận thêm tư vấn về việc cung cấp thông tin thế nào cho hợp lý…
Trong khi đó, các cổ đông lại quên mất quyền của mình nên họ không đòi hỏi, mà hỏi thì cũng không phải lúc nào cũng nhận được câu trả lời từ doanh nghiệp.