"Bắt bệnh" tỷ giá tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ giá USD/VND tăng trong nửa cuối năm 2023 do USD mạnh lên và xu hướng này tiếp diễn từ đầu năm 2024 tới nay, nhưng nguyên nhân đã khác.
Nhu cầu ngoại tệ đang tăng do các doanh nghiệp Việt Nam tăng nhập khẩu Nhu cầu ngoại tệ đang tăng do các doanh nghiệp Việt Nam tăng nhập khẩu

2023, tỷ giá tăng 2,9%

Sau 6 tháng đầu năm có diễn biến ổn định, áp lực tỷ giá USD/VND tăng dần từ tháng 7/2023. Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc USD mạnh lên.

Cụ thể, bà Hiền cho biết, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất với tổng mức tăng 150 điểm cơ bản trong năm 2023, ngân hàng trung ương các nước châu Á, mà đại diện là Trung Quốc, Nhật Bản… liên tục cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Theo đó, các nhà đầu tư lo ngại sự phân cực ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ các nước đã chuyển sự chú ý sang USD làm tài sản trú ẩn trên toàn cầu, khiến chỉ số USD-Index (DXY) tăng vọt, có thời điểm đạt 107 điểm trong tháng 10/2023.

Ở trong nước, khi Việt Nam chuyển sang chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng từ cuối quý I/2023, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD càng lớn, dẫn đến tỷ giá liên ngân hàng, tỷ giá trung tâm và tỷ giá tự do đều vượt mức 24.000 đồng/USD. Chênh lệch lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng tại các kỳ hạn chủ chốt cũng ở mức cao kỷ lục, nhất là kỳ hạn qua đêm (-4,81%). Việc chênh lệch lãi suất nới rộng đang kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) và tạo áp lực mất giá đối với VND.

“Vì vậy, từ 21/9-8/11/2023, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng kênh tín phiếu để hút ròng khoảng 345.000 tỷ đồng trên thị trường liên ngân hàng, kỳ hạn đều là 28 ngày và lãi suất dao động từ 0,4-1,5%/năm. Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng mạnh, thanh khoản thị trường khá dư thừa, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn. Từ đó, kỳ vọng đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa USD và VND, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá”, bà Hiền nói.

Đáng chú ý, áp lực tỷ giá dần hạ nhiệt trong tháng 12/2023 khi Fed xác nhận lãi suất có thể đã đạt đỉnh và phát đi tín hiệu về các đợt cắt giảm trong năm 2024 khiến chỉ số DXY đảo chiều giảm mạnh 5% so với mức đỉnh.

Ở trong nước, nguồn cung ngoại tệ được đảm bảo khi cán cân thương mại duy trì thặng dư đạt mức kỷ lục 28 tỷ USD cho cả năm 2023, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt con số kỷ lục 23,1 tỷ USD, dự trữ ngoại hối giữ ở mức cao 93-95 tỷ USD... giúp áp lực tỷ giá có phần “nguôi ngoai” so với giai đoạn trước.

“Tính đến cuối năm 2023, tỷ giá liên ngân hàng VND/USD đã tăng khoảng 2,9% so với đầu năm và giảm 1,2% so với đỉnh. Dù tiền đồng Việt Nam mất giá theo xu hướng chung trên thế giới nhưng vẫn khá ổn định trong năm qua, khi nhiều đồng tiền khác trong khu vực mất giá so với USD như đồng ringgit Malaysia giảm 4,3%, đồng nhân dân tệ Trung Quốc giảm 2,9%, đồng đô-la Úc giảm 0,09%, đồng baht Thái giảm 0,01%...”, bà Hiền thông tin thêm.

Cùng góc nhìn, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay: “Diễn biến trên thị trường ngoại hối tập trung vào 6 tháng cuối năm 2023 khi tỷ giá tăng chủ yếu do Fed tăng lãi suất, USD mạnh lên, hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất được thúc đẩy. Trong khi đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn nên cầu ngoại tệ yếu. Nhà điều hành không cần bán ngoại tệ, chỉ hút tiền về cùng với sự điều chỉnh trên thị trường quốc tế đã giúp ổn định được thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến biến động trên thị trường ngoại hối những tháng đầu năm 2024 đã khác”.

Vì sao khác?

Việc bán ngoại tệ sẽ không phải là giải pháp khả thi, thậm chí có thể còn như “gió vào nhà trống”, cho nên lãi suất huy động thị trường 1 (khu vực doanh nghiệp và dân cư) nhiều khả năng được đẩy lên trong thời gian tới.

Từ tháng 2/2024, thị trường ngoại hối đối mặt với áp lực đáng kể khi tỷ giá USD/ VND liên ngân hàng tăng lên mốc 24.648 đồng/USD vào ngày 29/2/2024 (tăng 1,6% kể từ đầu năm 2024) và chỉ còn cách mức cao nhất mọi thời đại 1%.

Một chuyên gia kinh tế nhận định: “Biến động trên thị trường ngoại hối những tháng đầu năm 2024 hơi lớn và khác với năm 2023 bởi tỷ giá tăng do yếu tố nội tại nhiều hơn”.

Vị này phân tích, diễn biến trên thị trường cho thấy USD không quá mạnh, mà vấn đề chính ở đây là do cầu ngoại tệ tăng vì Việt Nam tăng nhập khẩu. Số liệu được công bố cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, giá vàng trong nước chênh lệch cao hơn so với giá vàng quốc tế dẫn đến tăng cầu; tín dụng quá yếu khi vẫn giảm 0,33% tại thời điểm ngày 18/3/2024 so với cuối năm 2023; lãi suất qua đêm quá thấp, dẫn đến hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất lại được đẩy mạnh”.

Còn vị phó tổng giám đốc ngân hàng trên đánh giá: “Năm 2023, các đồng tiền baht, ringgit, nhân dân tệ… đều yếu nên Việt Nam không cần quá kiềm chế tỷ giá mà vẫn giữ được sự cạnh tranh của tiền đồng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chỉ có đồng Việt Nam yếu nên mức độ ‘phải giữ tỷ giá’ sẽ cao hơn”.

Theo đó, một trong những giải pháp được nhà điều hành triển khai đó là phát hành tín phiếu sau 4 tháng tạm dừng để ổn định tỷ giá. Cụ thể, ngày 11/3/2024, Ngân hàng Nhà nước đã chào bán tín phiếu và đến ngày 26/3/2024, tốc độ hút tiền giảm nhẹ khi chỉ có 3.700 tỷ đồng được rút khỏi hệ thống thông qua công cụ tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày. Như vậy, kể từ khi khởi động lại kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã hút về tổng cộng gần 156.000 tỷ đồng và chưa có động thái bơm thêm, trong khi lô tín phiếu đầu tiên đến ngày 8/4/2024 mới đáo hạn.

Trung tuần tháng 3/2024, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 5 - Thông tư 02/2021/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối. Theo đó, việc xác định tỷ giá kỳ hạn trong giao dịch kỳ hạn hay giao dịch kỳ hạn trong hoán đổi giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa tổ chức tín dụng với khách hàng sẽ dựa trên quy định của Ngân hàng Nhà nước từng thời kỳ, thay vì bị giới hạn ở mức trần tỷ giá kỳ hạn dựa trên cơ sở chênh lệch lãi suất. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có sự linh hoạt hơn trong việc điều hành trước biến động thị trường.

Tuy nhiên, dự báo áp lực trên thị trường quốc tế vẫn rất mạnh khi số liệu kinh tế Mỹ tích cực và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn.

Theo các chuyên gia phân tích, thời điểm bắt đầu hút tiền về, lãi suất liên ngân hàng tăng từ 0,7%/năm lên 1,4%/năm trong 2 ngày, trước khi “rớt lại”. Ngân hàng Nhà nước đã hút gần 200.000 tỷ đồng, nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn không nhúc nhích nên biện pháp này có lẽ “không ăn thua”. Bởi vậy, việc bán ngoại tệ sẽ không phải là giải pháp khả thi, thậm chí có thể còn như “gió vào nhà trống”, cho nên lãi suất huy động thị trường 1 (khu vực doanh nghiệp và dân cư) nhiều khả năng được đẩy lên trong thời gian tới.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục