Basel II, khó và tốn kém cũng phải làm

(ĐTCK) Đối với thị trường tài chính Việt Nam, Basel II là một khái niệm mới mà vốn dĩ, lĩnh hội và hấp thu toàn bộ tính chất của cái mới thì không dễ. Do đó, để áp dụng và triển khai Basel II trong quản lý rủi ro một cách nhanh chóng, hiệu quả và an toàn, các ngân hàng thường tìm kiếm và lựa chọn đơn vị tư vấn xuất sắc trong lĩnh vực này để đồng hành trong quá trình áp dụng và triển khai.
Sẽ có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các NHTM thực hiện Basel II Sẽ có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các NHTM thực hiện Basel II

Không có công thức chung cho mọi ngân hàng

Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối dịch vụ tài chính - ngân hàng, Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (EY Vietnam) cho rằng: “Điều này dễ hiểu, vì các đơn vị tư vấn có hiểu biết chuyên sâu về các nguyên tắc quản trị rủi ro theo Basel, đồng thời có kinh nghiệm áp dụng và triển khai tại nhiều ngân hàng khác. Đặc biệt, một số đơn vị tư vấn đa quốc gia còn có kinh nghiệm áp dụng và triển khai Basel II tại các thị trường tài chính tương tự như thị trường Việt Nam và tại các thị trường tài chính phát triển hơn. Do đó, các ngân hàng Việt Nam có thể có cái nhìn xa và rộng hơn khi hợp tác với các đơn vị tư vấn này”.

Có ý kiến cho rằng, chi phí dành cho tư vấn khá lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thùy Dương, các ngân hàng đôi khi nghĩ rất đơn giản, rằng các sáng kiến và đề xuất của tư vấn như một công thức vàng, mang đến ngân hàng nào cũng có thể áp dụng được. Trong khi đó, về phía tư vấn mà nói, không có một dự án nào giống nhau.

Về chi phí tư vấn, bà Dương nhấn mạnh: “Thị trường tư vấn tài chính cũng cạnh tranh rất khốc liệt, đơn vị tư vấn chào giá cao chỉ khi xác định từ bỏ khách hàng ngay từ ban đầu. Còn nếu không, mọi thứ đều phải có mối tương quan so sánh nhất định. Và xét cho cùng, cạnh tranh trên thị trường tư vấn tài chính mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng, vì đơn vị tư vấn nào cũng sẽ phải duy trì đội ngũ nhân sự xuất sắc, dồi dào kinh nghiệm, đồng thời phí dịch vụ tư vấn phải có tính cạnh tranh cao”.

Trước đây, nhiều ngân hàng đã thuê tư vấn vào các lĩnh vực khác và không phải dự án nào cũng thành công. Ngân hàng cho rằng, do tư vấn chưa hiểu rõ thực trạng của ngân hàng, chưa hiểu rõ đặc thù thị trường Việt Nam nên các sáng kiến đưa ra chưa phù hợp... Đơn vị tư vấn thì cho rằng, mức độ cam kết triển khai dự án còn thấp, cán bộ tham gia dự án chưa đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nên chưa truyền tải được thông điệp của ngân hàng, hoặc khi chuyển giao, không thể lĩnh hội để đào tạo hay quản lý thay đổi trong ngân hàng.

Bà Dương chia sẻ: “Bản thân từ ‘tư vấn’ đã hàm nghĩa góp ý, tham gia ý kiến đối với một vấn đề nào đó. Nghĩa là đơn vị tư vấn phải đưa ra các sáng kiến và khuyến nghị cho ngân hàng, đưa ra các lựa chọn tối ưu phù hợp với ngân hàng, đồng thời chỉ rõ cái được và cái mất cho từng lựa chọn đó. Ngân hàng, hơn ai hết là người hiểu mình như thế nào, biết mình muốn gì và có thể đi xa đến đâu nên sẽ quyết định chọn cái này hay cái kia. Chỉ ngân hàng mới có quyền quyết định lựa chọn và thực hiện các sáng kiến do đơn vị tư vấn đề xuất. Nhìn chung, mọi thất bại hay thành công đều có nguyên do của nó”.

Cần thống nhất về nhận thức, hành động

Ông Lê Trung Kiên, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc triển khai thực hiện Basel II đối với hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi. Ví dụ, sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các TCTD đối với công tác quản lý rủi ro, yêu cầu duy trì đầy đủ vốn để trụ vững trước các “cú sốc” trong định hướng, chiến lược phát triển bền vững của các TCTD đã tạo ra sự quyết tâm thực hiện Basel II trong toàn hệ thống; kinh tế vĩ mô đã đi vào ổn định; quy mô tổng tài sản của các TCTD không quá lớn; hoạt động kinh doanh ngân hàng chủ yếu vẫn là các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng truyền thống.

Theo ông Kiên, văn bản pháp lý hướng dẫn triển khai Basel II cần phải đi trước một bước. NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các TCTD và các tổ chức quốc tế để đưa ra những quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

“Do Basel II là chuẩn mực bao hàm nhiều nội dung phức tạp, có tính kỹ thuật và đồng bộ cao nên việc triển khai Basel II sẽ không thể thực hiện được nếu các văn bản hướng dẫn không chi tiết, cụ thể”, ông Kiên nhấn mạnh.

Chính vì lẽ đó, trong kế hoạch triển khai Basel II, ngoài quy trình lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, đơn vị liên quan, NHNN sẽ tiến hành tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các NHTM (nhất là 10 NHTM được lựa chọn dự kiến áp dụng Basel II vào năm 2015) khi nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn Basel II dưới hình thức hội thảo, tọa đàm, trao đổi trực tiếp hoặc các hình thức khác để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.

“Áp dụng Basel II là nhiệm vụ không dễ dàng đối với cả cơ quan quản lý và NHTM. Do vậy, sự phối hợp giữa NHNN và NHTM trong việc xây dựng, triển khai quy định hướng dẫn Basel II là rất cần thiết để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động”, ông Kiên nói.

NHNN sẽ có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các NHTM thực hiện Basel II, thông qua các hình thức như: hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu, hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc của từng NHTM. Trong khuôn khổ các dự án hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế cho việc triển khai Basel II, NHNN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM được tham gia các dự án này để có được những kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật triển khai.

Nói đến câu chuyện thành công có lẽ còn hơi sớm, vì các dự án tư vấn khảo sát thực trạng áp dụng Basel II tại các ngân hàng mới đang trong giai đoạn bắt đầu. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là NHNN cũng như các NHTM phải biết mình muốn gì, cần gì; lựa chọn được đơn vị tư vấn phù hợp và cuối cùng là kỹ năng quản lý dự án, bao gồm cả quản lý thay đổi.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục