Basel II đã hoàn tất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 13 ngân hàng công bố đã hoàn thành 3 trụ cột Basel II trước ngày 1/1/2021. Chưa đủ số lượng ngân hàng tại Việt Nam, nhưng đã vượt kế hoạch đề ra.
LienVietPostBank là 1 trong 13 ngân hàng công bố hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II. LienVietPostBank là 1 trong 13 ngân hàng công bố hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II.

Danh sách cụ thể 13 ngân hàng là: VIB, Vietcombank, VPBank, TPBank, SeABank, Techcombank, ACB, MSB, SHB, HDBank, LienVietPostBank, Viet Capital Bank, Shinhan Việt Nam.

Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: “Trong số các ngân hàng Việt Nam còn lại, có những ngân hàng đã triển khai trụ cột 1 và 3, bên cạnh đó, cũng có một số ngân hàng được NHNN cho phép chậm triển khai Basel II có thời hạn”.

Việc áp dụng chuẩn mực quốc tế Basel II với các ngân hàng Việt Nam có từ rất sớm, đề cập trong đề án “Phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” theo Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ, và sau đó là rất nhiều văn bản khác.

Basel II là chuẩn mực phức tạp, với 3 trụ cột gồm: Tỷ lệ an toàn vốn (CAR); Đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP); Minh bạch và kỷ luật thị trường. Thực tế triển khai, các ngân hàng không hoàn thiện các trụ cột này cùng một lúc mà thực hiện từng giai đoạn. Đây là lý do khiến số ngân hàng công bố áp dụng Basel II cao hơn con số 13 đề cập trên.

Khó nhưng nhiều lợi ích

Chia sẻ về kết quả thực hiện Basel II, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB - ngân hàng đầu tiên công bố hoàn thành cả 3 trụ cột - cho biết: “Lợi ích là rất thiết thực đối với VIB cả ở góc độ quản trị rủi ro và cả ở góc độ hiệu quả kinh doanh”.

Ảnh tác giả

Basel II là điều kiện tiên quyết để các ngân hàng Việt Nam có thể niêm yết cổ phiếu tại các thị trường quốc tế như Singapore, New York, London hay Hồng Kông…

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB

Hiện VIB hiện có hệ số CAR tối thiểu khoảng 10% (mức quy định hiện hành là 8%), nợ xấu giảm mạnh từ mức 2,4% thời điểm cuối năm 2018 xuống mức 1,5% tại thời điểm hiện nay, không còn dư nợ tại VAMC.

“Áp dụng Basel II giúp VIB quản trị hoạt động kinh doanh hướng theo các chuẩn mực quốc tế, trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của NHNN, xây dựng được hệ thống quy định, quy trình vừa minh bạch trong nội bộ ngân hàng, vừa minh bạch với khách hàng và các nhà đầu tư”, ông Vũ nói và cho biết, Basel II còn là điều kiện tiên quyết để các ngân hàng Việt Nam có thể niêm yết cổ phiếu tại các thị trường quốc tế như Singapore, New York, London hay Hồng Kông…

“Chúng tôi đã nhận thức sâu sắc về lộ trình này và đang xây dựng những kế hoạch cụ thể - một tương lai trung hạn cho cơ hội niêm yết tại các thị trường quốc tế”, ông Vũ chia sẻ.

Còn tại Vietcombank, trải qua quá trình triển khai ICAAP (trụ cột 2), Vietcombank đã tính toán lượng vốn cần đáp ứng cho toàn bộ các rủi ro trọng yếu, đồng thời xây dựng các mô hình kiểm tra sức chịu đựng (stress test) để đánh giá mức vốn cần dự phòng nhằm đáp ứng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn 3 năm tiếp theo.

Trong đó, các kịch bản stress test được lựa chọn trên cơ sở phân tích các sự kiện trong quá khứ và dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô (như yếu tố dịch bệnh Covid-19…).

Bên cạnh việc hoàn tất ICAAP trước thời hạn, Vietcombank tiếp tục chủ động triển khai các sáng kiến Basel II theo phương pháp nâng cao, trong đó tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện các mô hình PD (xác suất vỡ nợ), LGD (tổn thất sau vỡ nợ), EAD (dư nợ tại thời điểm vỡ nợ). Đến nay, tổng danh mục tín dụng được mô hình bao phủ đạt trên 80%, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để Vietcombank trở thành ngân hàng tiên phong áp dụng.

Một lãnh đạo cao cấp Vietcombank cho biết: “Thực tế, các kết quả mô hình định lượng này đã được Vietcombank ứng dụng trong công tác phê duyệt tín dụng, quản trị danh mục rủi ro tín dụng, chính sách, sản phẩm…, qua đó giúp nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của Ngân hàng”.

Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng, lãnh đạo các ngân hàng đều đồng thuận ở nhận định “giúp họ quản lý ngân hàng với quy mô tổng tài sản nhiều tỷ USD một cách dễ dàng hơn”. Basel II không chỉ làm lành mạnh hóa và minh bạch hóa toàn bộ quy trình quy định nội tại của ngân hàng, mà còn có tác động tích cực và thiết thực đối với các khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Một ứng dụng cụ thể đó là Basel II yêu cầu các ngân hàng áp dụng các hệ số rủi ro khác nhau đối với các phân khúc khách hàng, sản phẩm và loại tài sản đảm bảo khác nhau, từ đó quyết định đến mức vốn của ngân hàng.

Do vậy, để tối ưu hóa vốn chủ sở hữu, các ngân hàng sẽ có xu hướng ưu tiên cấp tín dụng và giảm giá cho vay đối với các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, minh bạch, hệ số nợ tối ưu, tài sản đảm bảo tốt, có xếp hạng tín nhiệm tốt và có rủi ro tín dụng thấp.

Chuẩn bị cho Basel III

Các chuẩn mực hoạt động ngân hàng theo quy định tại các Hiệp ước Basel chỉ có tính khuyến nghị, một số nước như Việt Nam luật hóa điều này và yêu cầu các ngân hàng thương mại thực thi. Hiện mức độ yêu cầu mới là Basel II, nhưng một số ngân hàng đã chuẩn bị cho bước áp dụng các chuẩn mực cao hơn trong Basel III.

Basel III là khuôn khổ quản trị rủi ro với những tiêu chí chặt chẽ hơn Basel II, được Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel (BCBS) công bố năm 2010. Mục tiêu của chuẩn mới là đối phó với khủng hoảng tài chính, nâng cao tính bền vững của hệ thống ngân hàng, góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra trong tương lai.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết: “Việc hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II là tiền đề và động lực để MSB tiếp tục hướng tới các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế cao hơn như Basel III. Điều này cũng giúp MSB quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh một cách chủ động, minh bạch, an toàn và bền vững”.

Lãnh đạo MSB cũng cho biết, Ngân hàng đang bắt đầu xây dựng quy chuẩn để tiến tới áp dụng Basel III trong nội bộ.

Trong năm 2021, MSB sẽ bắt đầu triển khai đo lường và quản trị rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường theo chuẩn mực Basel III, triển khai theo phương pháp nâng cao theo chuẩn mực Basel II đối với rủi ro tín dụng và triển khai IFRS 9 (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế).

Còn tại VIB, ông Vũ cho biết, sau một thời gian đầu tư triển khai, tháng 10/2020, VIB đã trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên thí điểm áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro thanh khoản theo Basel III với việc triển khai thành công hệ thống công cụ đo lường tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (Net Stable Funding Ratio - NSFR).

Chỉ số NSFR, theo ông Vũ, được tính bằng tỷ số giữa nguồn vốn ổn định thực có và phải có, với mục tiêu giúp các ngân hàng hoạt động dựa trên nguồn vốn ổn định lâu dài nhằm giảm thiểu rủi ro thiếu hụt vốn trong tương lai, duy trì ổn định tài chính và bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền.

Chỉ số này còn xem xét tới các yếu tố đối tượng gửi tiền là cá nhân, hay doanh nghiệp, hay thị trường liên ngân hàng, kỳ hạn, hành vi, hệ số rủi ro, cấu trúc tài sản có và tài sản nợ của ngân hàng trong việc xác định sức mạnh thanh khoản.

Theo Basel III, một ngân hàng thực sự lành mạnh và phát triển bền vững sẽ có chỉ số này lớn hơn 100%.

“Sau khi áp dụng chuẩn mực này, chỉ số NSFR của VIB tại thời điểm cuối tháng 10/2020 là 120%, tương đương với ngân hàng hàng đầu của Singapore là DBS và của Úc là CBA”, ông Vũ nói và cho biết, việc áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế, trong đó có Basel và tuân thủ các quy định về an toàn, kiểm soát nội bộ và quản trị doanh nghiệp mang lại lợi ích lâu dài cho các ngân hàng, cho khách hàng và cho sự phát triển lành mạnh, thịnh vượng của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

“VIB cam kết sẽ tiếp tục vai trò tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ và chuẩn mực quản trị tiên tiến nhất, trong đó có Basel, để tiếp tục phát triển bền vững và góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành ngân hàng Việt Nam”.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết: “Ngân hàng dự kiến sẽ đầu tư, phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới chuẩn mực Basel III. Đây là cơ sở để ngân hàng tiếp tục phát triển chiến lược kinh doanh bền vững, toàn diện, là hành lang cho việc quản trị rủi ro và sử dụng vốn một cách hiệu quả, từ đó cung cấp các sản phẩm tài chính, phi tài chính an toàn, tin cậy và minh bạch dành cho khách hàng”.

Nhuệ Mẫn
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục