Ngân hàng nội - ngoại cùng “chạy đua” với Thông tư 41
Theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41), các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ phải thường xuyên duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 8%, rất gần với tiêu chuẩn Basel II và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020. Theo đó, các ngân hàng thương mại thực hiện một loạt biện pháp nâng cao năng lực tài chính nhằm tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn vốn theo quy định.
Cụ thể, các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn tự có thông qua các hình thức: Phát hành thêm cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 và các hình thức tăng vốn khá; điều chỉnh chiến lược kinh doanh trên cơ sở phân bổ vốn hiệu quả và điều chỉnh hợp lý cơ cấu tổng tài sản có rủi ro, chẳng hạn tăng tỷ trọng các tài sản có có hệ số rủi ro thấp (cho vay các doanh nghiệp có hệ số rủi ro thấp, an toàn; cho vay các lĩnh vực, sản phẩm có hệ số rủi ro thấp...), giảm tỷ trọng các tài sản có có hệ số rủi ro cao (giảm cho vay đối với hoạt động kinh doanh cổ phiếu, cho vay công ty con, công ty liên kết...).
Tính đến nay, 9 ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, VIB, OCB, VPBank, MBB, ACB, Tienphongbank, Techcombank và MSB đã có quyết định được thực hiện Thông tư 41 trước thời hạn.
Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xem xét khả năng áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn đối với 4 ngân hàng thương mại khác là BIDV, VietinBank, HDBank và VietBank. Ðồng thời, NHNN được biết, một số ngân hàng nước ngoài sẽ có văn bản đăng ký áp dụng sớm Thông tư 41”.
Ðược biết, ngày 6/3/2019, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đã ra công văn yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá thực trạng và báo cáo khả năng tuân thủ quy định Thông tư 41, kết quả là hầu hết các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã thực hiện công tác chuẩn bị cho việc triển khai Thông tư 41 (ngoại trừ một số ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, hoặc đang trong quá trình tái cơ cấu).
“Ráo riết” với Basel II vì mục tiêu lâu dài…
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo cao cấp VPBank cho biết, Basel II là một bộ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ nói về lượng hóa rủi ro thông qua các chỉ số và mô hình, mà còn bao gồm việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro, hoàn thiện các chính sách rủi ro, nâng cao văn hóa phòng ngừa rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường.
Tuân thủ theo Basel II là ngân hàng đã được thừa nhận đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, hoạt động an toàn và bền vững hơn.
“Lợi ích lớn hơn ngân hàng có được khi hoàn toàn tuân thủ Basel II là áp dụng những tiêu chuẩn đó vào hoạt động kinh doanh song song với mô hình quản trị rủi ro. Như tại VPBank, 4 năm trở lại đây luôn nằm trong nhóm ngân hàng có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất hệ thống.
Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất tại ngày 30/6/2019 đạt 35,8%, giảm gần 2% so với quý I/22019 và ở mức thấp so với toàn hệ thống. Hệ số doanh thu trên tổng tài sản đạt 9,7% - là mức cạnh tranh trên thị trường hiện tại. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM), hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) vẫn ở mức khá cao, lần lượt là 9,4%, 19% và 2,1%”, lãnh đạo VPBank nói.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ: “Ðạt chuẩn Basel II sẽ giúp TPBank có nhiều thuận lợi hơn trong việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng”.
Với MSB, việc được công nhận tuân thủ theo Basel II có ý nghĩa lớn ngân hàng này sau giai đoạn khó khăn vừa qua. Bởi đạt chuẩn Basel II cũng đồng nghĩa với việc MSB được công nhận là ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và minh bạch theo những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, theo chuẩn quốc tế, giúp MSB nâng cao vị thế, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB nêu quan điểm: “Việc áp dụng Basel II tại các ngân hàng trước hết là quyền lợi của mỗi ngân hàng áp dụng bởi tính hữu dụng của chuẩn mực này trong quản lý rủi ro và chất lượng hoạt động, trong tạo niềm tin cho người gửi tiền nói riêng và khách hàng nói chung, cũng như cho các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, sau đó là xây dựng danh tiếng và thương hiệu của mỗi ngân hàng”.
… Và cả lợi ích trước mắt
Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cấp cao NHNN cho rằng, việc các ngân hàng thương mại nói cơ quan quản lý áp trần tín dụng sẽ tạo cơ chế xin - cho là không đúng.
“Trước đây tôi không biết, nhưng hiện tại, mọi việc đều rất minh bạch. Việc xếp loại tổ chức tín dụng tuân thủ theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, rồi áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo kết quả xếp loại. Cụ thể, xếp loại A: Tăng trưởng 13%, loại B: Tăng trưởng 10% và loại C: Tăng trưởng 7%. Tất cả đều có nguyên tắc tính toán rõ ràng, không có ngoại lệ”, vị này nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo NHNN, với định hướng của cơ quan này, những ngân hàng đã thực hiện trước thời hạn các quy định về CAR tại Thông tư 41 sẽ được ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, cụ thể là sẽ được cộng 1,7 lần so với mức bình thường.
“Chỉ được điều chỉnh tăng trong một số trường hợp rõ ràng và mục tiêu điều chỉnh cũng căn cứ trên các điều kiện rõ ràng”, vị này nói.
Về phía các ngân hàng, tuy dư nợ cho vay 6 tháng đầu năm 2019 của Vietcombank đạt gần 10%, nhưng trước câu hỏi của phóng viên, liệu Vietcombank có xin NHNN nới “room” tăng trưởng tín dụng cho những tháng cuối năm?
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HÐQT Vietcombank cho biết: “Ðịnh mức tăng trưởng tín dụng của NHNN phân bổ cho Vietcombank ở mức 15% là phù hợp để vừa đảm bảo hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, vừa kiểm soát rủi ro. Trong trường hợp đến cuối năm diễn biến kinh tế vĩ mô tích cực và nếu có thể được, Vietcombank sẽ xin điều chỉnh sau”.
Báo cáo công bố kết quả kinh doanh tính đến hết quý 2/2019 của VPBank cho thấy, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt 11,6%, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được phân bổ từ đầu năm là 12%. Tuy nhiên, VPBank được NHNN chấp thuận nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12% lên 16%.
Tính đến ngày 30/6/2019, dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank tăng trưởng 16% và đây cũng là ngân hàng đã được NHNN nới hạn mức tín dụng ban đầu từ 13% lên 17%. Tương tự MB, ACB cũng được chấp thuận tăng chỉ tiêu tín dụng từ 13% lên 17%.
Tại OCB, dư nợ cho vay tính đến 30/6/2019 tăng 20% so với đầu năm, tức là đã chạm hạn mức được giao. Trên thực tế, ngay từ đầu quý I, OCB đã đề xuất nới room tín dụng lên 30%.
HDBank vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2019 và 6 tháng đầu năm 2019, trong đó tổng dư nợ cấp tín dụng của Ngân hàng tăng 15,3%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 24%.
Tăng trưởng tín dụng tại TPBank 6 tháng đầu năm 2019 đạt 13%, “kịch trần” tăng trưởng được NHNN giao, trong khi mục tiêu dư nợ cho vay năm nay là 101.000 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 21%.
VIB cũng là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cho vay bán lẻ 6 tháng đầu năm 2019 ở mức cao, đạt 21%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 35% và VIB đã đề nghị NHNN cho mở “room”.
“Cả VIB và TPBank đều thuộc nhóm tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, áp lực tăng trưởng tín dụng của 2 ngân hàng này trong nửa cuối năm 2019 dự báo không quá lớn vì đều đã được NHNN chấp thuận áp dụng Basel II, nên cơ hội được nới hạn mức tín dụng là cao. Do vậy, cũng dễ hiểu khi các ngân hàng 'chạy đua' để có quyết định từ NHNN về viêc thực hiện Thông tư 41 trước thời hạn với 'phần thưởng' là nới room tín dụng”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại có trụ sở tại miền Nam nói.