Một số ngân hàng Việt Nam đang thử nghiệm để áp dụng các tiêu chuẩn và hướng dẫn Basel II giai đoạn 2018 - 2020. Nếu được triển khai và áp dụng hợp lý, Basel II sẽ giúp các ngân hàng nội địa vận hành an toàn hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và phân bổ nguồn lực tốt hơn cho các tài sản rủi ro thích hợp, nhằm đem lại lợi ích cho các ngân hàng và nâng cao lợi nhuận cho cổ đông.
Basel cũng sẽ giúp cải thiện tính minh bạch, với việc đề ra các yêu cầu về công bố thông tin để cải thiện tính so sánh và nhất quán. Các yêu cầu cho việc công khai thông tin như hồ sơ rủi ro và chính sách quản lý rủi ro, sẽ cho phép thị trường đánh giá rủi ro tốt hơn. Mặc dù vậy, các ngân hàng Việt Nam cũng sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức mà họ cần vượt qua trước khi áp dụng tiêu chuẩn này.
Thách thức đầu tiên đó là yêu cầu về một hướng dẫn rõ ràng và cụ thể từ các cơ quan quản lý. Việc áp dụng hướng dẫn Basel II cần phải được điều chỉnh phù hợp với các đặc trưng của ngành ngân hàng trong nước. Đây là một áp lực không nhỏ đối với Ngân hàng Nhà nước.
Ông Trần Đình Vinh
Thách thức thứ hai là sự thiếu hụt về các nguồn lực cần có để triển khai theo hướng dẫn Basel II. Có thể kể đến sự thiếu hụt về nguồn nhân lực cấp cao, những người có đủ kiến thức và kinh nghiệm để điều hành các dự án này. Đặc biệt quan trọng là sự thiếu hụt về vốn của các ngân hàng trong nước nhằm đáp ứng yêu cầu về vốn tối thiểu của Basel II.
Khó khăn trong việc huy động vốn, đặc biệt là vốn cấp 1, trong khi vốn cấp 2 từ các khoản nợ dài hạn trực thuộc được giới hạn ở mức 50% vốn cấp 1 và sự tăng trưởng mạnh mẽ của tài sản rủi ro, sẽ khiến các ngân hàng trong nước gặp khó khăn để đạt được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong tương lai gần.
Cú huých từ việc nâng trần mức sở hữu khối ngoại
Mặc dù có sự phát triển khá rõ ràng trong thời gian gần đây, nhưng tỷ lệ xâm nhập thị trường đối với ngân hàng tại Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực. Ước tính, hiện chỉ có khoảng 20% dân số Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng và tiềm năng thị trường còn rất lớn.
Do đó, quyết định nâng trần sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang ở mức 30% là một cú huých quan trọng, đồng thời là một trong những bước đi chiến lược của Chính phủ nhằm thu hút thêm nguồn vốn mới để có thể khai phá, gia tăng giá trị và tạo ra lợi nhuận từ rất nhiều phân khúc thị trường chưa được khai thác.
Xu hướng gần đây cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài thường ưu tiên lựa chọn việc sở hữu cổ phần với tỷ trọng cao hơn, hoặc thậm chí là mua lại 100% một ngân hàng Việt Nam sẵn có
Xu hướng gần đây cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài thường ưu tiên lựa chọn việc sở hữu cổ phần với tỷ trọng cao hơn, hoặc thậm chí là mua lại 100% một ngân hàng Việt Nam sẵn có. Việc này sẽ giúp các nhà đầu tư ngoại dễ dàng sở hữu mạng lưới các chi nhánh, nguồn nhân lực, khách hàng hiện tại, hệ thống vận hành và các mối quan hệ sẵn có của ngân hàng để giúp tăng tốc trên thị trường.
Do đó, các ngân hàng khó khăn vẫn luôn nằm trong “tầm ngắm” của các nhà đầu tư thích mạo hiểm. Ngành ngân hàng tại Việt Nam là một ngành đặc thù, đặc biệt là trong quá trình tái cơ cấu, với nhiều vấn đề phức tạp liên quan tới tài chính, luật pháp, thuế, thương mại, vận hành và ổn định kinh tế vĩ mô.
Sự phức tạp đặc trưng này có thể bước đầu là một rào cản đối với các nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, việc mua lại một ngân hàng nội địa vẫn hứa hẹn mang tới rất nhiều cơ hội kinh doanh lớn. Các nhà đầu tư tốt sẽ luôn tìm thấy cơ hội trong các thách thức và rủi ro.
Bài học về nợ xấu
Theo ước tính, hiện còn gần 280.000 tỷ đồng nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang trong tình trạng chờ xử lý. Các ngân hàng vẫn đang chịu sức ép rất lớn để giải quyết và khôi phục những khoản “nợ khó đòi” này. Nhưng nhìn chung, VAMC đang làm tốt nhiệm vụ trong việc giải quyết các khoản nợ xấu.
Dù còn nhiều hạn chế bởi các rào cản về quy định và sự thiếu hụt thị trường nợ ở Việt Nam, nhưng VAMC đã và đang chứng minh vai trò rất quan trọng trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, giúp các ngân hàng tập trung nguồn lực để quản lý các tài sản tốt một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, VAMC không thể tự mình giải quyết được các vấn đề nợ công và nợ xấu cho toàn bộ nền kinh tế. Việc này cần sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các cơ quan, ban ngành, cùng với nỗ lực của các ngân hàng, khách hàng vay, nhà đầu tư nước ngoài và các bên hữu quan khác.
Một thị trường sẽ hoạt động hiệu quả nếu hàng hóa có chất lượng tốt và có thể được lưu thông một cách dễ dàng. Hiện tại, nhiều khoản nợ từ các dự án bất động sản “chết” cần được hỗ trợ đáng kể trong môi trường pháp lý, trước khi họ có thể tự do mua bán.