Bấp bênh doanh nghiệp thuỷ sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả kinh doanh quý I/2021 của nhiều doanh nghiệp thủy sản trái ngược với kỳ vọng, nhưng ngành này đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Cước phí vận tải đi châu Âu và Mỹ ở mức cao sẽ tiếp tục chi phối hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang những thị trường này. Cước phí vận tải đi châu Âu và Mỹ ở mức cao sẽ tiếp tục chi phối hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang những thị trường này.

Chật vật trong quý đầu năm 2021

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), 2 tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi các chi phí sản xuất tăng và tình trạng thiếu tàu, thiếu container và cước phí vận tải tăng cao, đặc biệt là cước tàu đi Mỹ và EU.

Hoạt động logistic bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các cảng nhập khẩu chính của Trung Quốc, cùng với việc thị trường này siết chặt kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đối với hàng thủy sản nhập khẩu khiến ngành thủy sản càng thêm khó khăn.

Thị trường Trung Quốc có dấu hiệu cải thiện từ giữa tháng 3, giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 3 đạt hơn 735 triệu USD, tăng gần 17%, lũy kế 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,7 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn không thoát khỏi một quý đầu năm có kết quả kinh doanh ảm đạm.

Hầu hết doanh nghiệp thủy sản có lợi nhuận suy giảm trong quý I/2021.

Hầu hết doanh nghiệp thủy sản có lợi nhuận suy giảm trong quý I/2021.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) là nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu nhưng quý I/2021 ghi nhận lợi nhuận sau thuế 131,6 tỷ đồng, giảm 13,5% so với cùng kỳ và bằng 18,8% kế hoạch cả năm. Năm nay, VHC đặt kế hoạch đạt lợi nhuận 700 tỷ đồng, giảm 2,6% so với năm ngoái.

Công ty cổ phần Camimex Group (CMX) có kết quả kinh doanh tệ hơn nhiều. Với mặt hàng chủ lực là tôm, doanh thu giảm trong khi chi phí đồng loạt tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế quý I/2021 của CMX giảm 46% so với cùng kỳ, xuống còn 8 tỷ đồng.

Năm 2021, CMX đặt kế hoạch đạt doanh thu 1.797 tỷ đồng, lãi sau thuế 106 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi niêm yết năm 2010. Theo doanh nghiệp, kế hoạch này được xây dựng căn cứ vào năng lực sản xuất, các đơn đặt hàng và đánh giá tiềm năng tăng trưởng của ngành thủy sản. Công ty sẽ đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng nhà máy mới nhằm gia tăng công suất, tăng trưởng doanh thu nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU...

Một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng có kết quả kinh doanh sụt giảm trong quý đầu năm 2021: doanh thu 2.809,9 tỷ đồng, giảm 1,2%, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 26,6 tỷ đồng, giảm 51,7% so với cùng kỳ.

MPC được kỳ vọng hưởng lợi từ đà phục hồi của kinh tế Mỹ, thị trường này mang lại hơn 30% doanh thu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, MPC nhập khẩu một tỷ trọng nhỏ tôm Ấn Độ để chế biến, do đó, doanh nghiệp phải chịu thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ tại Mỹ.

Được kỳ vọng hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do và đà phục hồi kinh tế toàn cầu, song kết quả kinh doanh quý I/2021 của nhiều doanh nghiệp thuỷ sản giảm mạnh.

Theo SSI Research, lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) của MPC biến động khá mạnh trong giai đoạn 2015 - 2020. Mục tiêu lợi nhuận 1.400 tỷ đồng trong năm 2021 (tăng 109% so với năm 2020) của Công ty khó có thể đạt được khi chi phí logistic liên tục tăng cao. Mặt khác, doanh nghiệp cũng thường không đạt được kế hoạch kinh doanh trong 5 năm qua.

Đối với Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), quý I/2021, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm do nguyên liệu đầu vào và các chi phí khác đều tăng, trong khi giá tiêu thụ không tăng. Do đó, biên lợi nhuận gộp giảm còn 7,7% so với mức 9,9% của cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 30,9 tỷ đồng, giảm 23,3%.

Đánh giá chung về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thuỷ sản trong quý đầu năm 2021, Tổng cục Thủy sản cho biết, dịch Covid-19 kéo dài khiến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu bị gián đoạn, những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển ngưng trệ, nhiều đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới, thiếu hụt lao động tạm thời.

Quý II hứa hẹn khởi sắc

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước trong tháng 4/2021 đạt 750,13 triệu USD, tăng 2% so với tháng 3/2021 và tăng 21,6% so với tháng 4/2020. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,49 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020.

FMC cho biết, trại nuôi tôm của doanh nghiệp đang tiến triển tốt, tôm tăng trưởng đều và nhanh, trong khi tình hình xuất khẩu được cải thiện.

“Bốn tháng đầu năm 2021, doanh số và sản lượng của FMC tăng trên 30% so cùng kỳ năm 2020. Dù lợi nhuận chưa tương đồng do chi phí tàu vận chuyển quốc tế tăng quá lớn, nhưng trở ngại đó không thể làm khó FMC trong dài hạn. Gặp khó khăn khách quan do Covid-19, nhưng với nền tảng thuận lợi chủ quan do FMC tạo nên, tôi tin tưởng tháng 5 là thời điểm Công ty khởi đầu bứt phá về mọi mặt”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị FMC chia sẻ.

Theo nhận định của VASEP, những tháng tới, xuất khẩu thuỷ sản sẽ hồi phục mạnh hơn do tình trạng tắc nghẽn giao thương tại các cảng biển được giải quyết và các nước nới lỏng thủ tục kiểm soát dịch Covid-19 đối với thủy sản nhập khẩu, nhất là sản phẩm đông lạnh. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá tra sang Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại.

Trong khi đó, Ấn Độ, nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới đang gặp khó khăn với khâu sản xuất và hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Nước này sản xuất khoảng 650.000 - 700.000 tấn tôm trong năm 2020, giảm 30% so với năm 2019. Làn sóng dịch bệnh Covid-19 gần đây khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Diễn biến này tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh, trong đó có Việt Nam, cải thiện thị phần tôm ở các nước nhập khẩu, đặc biệt là Mỹ. Dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu toàn cầu tăng nhẹ, trong khi nguồn cung từ nhiều nước sản xuất dự kiến giảm do dịch Covid-19.

Ông Hồ Quốc Lực nhìn nhận, đối thủ lớn nhất về sản lượng và giá rẻ là tôm Ấn Độ. Hiện nay, do tình hình dịch bệnh, các trại nuôi bên đó lo lắng chuỗi cung ứng có thể đứt gãy bất kỳ lúc nào nên sẽ thu hoạch sớm, khi cỡ tôm còn nhỏ. Thu hoạch ồ ạt và cỡ tôm nhỏ khiến việc chế biến không kịp thời, giá tôm tươi sẽ giảm, tạo ra cơ hội cho ngành tôm Việt Nam.

Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang có chiều hướng tốt hơn. Thị trường Mỹ nhiều khả năng có tác động tích cực đến kết quả xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những tháng tới.

Tuy nhiên, cước phí vận tải đi châu Âu và Mỹ ở mức cao sẽ tiếp tục chi phối hoạt động xuất khẩu thủy sản sang những thị trường này. Trong đó, xuất khẩu sang EU khó có thể hồi phục ngay trong tháng tới.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục