Những giá trị vượt thời gian
Trong số 3.350 hiện vật đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, du khách tham quan thường dành sự quan tâm đặc biệt đến 2 hiện vật bằng đá được bảo quản trong lồng kính lớn, nằm riêng biệt và được đặt ở vị trí trang trọng, trung tâm của Bảo tàng.
Hai hiện vật bằng đá tưởng chừng vô tri, vô giác ấy không chỉ minh chứng dấu ấn của thời gian, mà còn chứa đựng những câu chuyện ngỡ như cổ tích, những giá trị vượt thời gian.
“Tuy An không có đàn bà
Chỉ có đàn đá với là đàn ông”
Câu ca hài hước ấy lưu truyền ở Phú Yên không rõ tự bao giờ. Tuy An không chỉ có bộ đàn đá 8 thanh, mà còn có cặp kèn đá. Câu chuyện phát hiện ra chúng rất tình cờ, lạ lùng, nhưng không kém phần ly kỳ, đầy cơ duyên.
Bộ đàn đá Tuy An sẽ không được khám phá, nếu như một ngày cách đây hơn 3 thập kỷ (tháng 6/1990), lão nông Huỳnh Ngọc Hồng (thôn Trung Lương 1, xã An Nghiệp, huyện Tuy An) trong lúc ngồi nghỉ giữa buổi thu hoạch mì, không vô tình gõ chơi vào những thanh đá dưới chân để rồi phát hiện âm thanh “kong kong” phát ra trong hơn hẳn những thanh đá khác.
Ông Hồng vội gói gém thanh đá mang về nhà và để ở… bờ ruộng gần nhà. Những buổi tối rảnh rỗi, ông lại lôi ra gõ chơi theo những giai điệu quen thuộc. Thứ âm thanh khác lạ ấy độc đáo và có sức hút khiến hàng xóm nườm nượp kéo đến.
Như một hiệu ứng, một đồn mười, mười đồn trăm, thông tin ấy được báo cáo lên Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tỉnh Phú Yên. Sau đó, cơ quan này đã đến tận nơi và được ông Hồng bàn giao lại không chút do dự.
Gần một năm sau, cũng trong quá trình làm rẫy, ông Hồng lại tìm được một thanh đá, gõ vào cũng nghe thấy âm thanh tương tự. Lần này, ông tự mình lặn lội quãng đường gần 40 km, vác thanh đá nặng hơn 7 kg vào tỉnh bàn giao.
Đó cũng chính là thanh đàn thứ 8, nằm trong bộ đàn đá hoàn chỉnh có độ dài từ 30 đến 59 cm (6 thanh có độ dài từ 40 cm trở lên) được làm từ đá riolit pocfia, sau này được Hội đồng Khoa học Quốc gia xác định nằm trong khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên, do chính người tại đây chế tác.
Nếu đàn đá Tuy An được người dân phát hiện tình cờ, thì kèn đá lại trải qua quá trình lưu lạc, trong hành trình tìm về với cửa Phật.
Người tìm thấy chiếc kèn đá lớn với hình dáng như “cậu ông trời” là ông Đỗ Phán, trú ở thôn Phú Long (xã An Mỹ, huyện Tuy An).
Cách đây 30 năm (năm 1993), trong lúc đào móng xây dựng chùa trên phế tích Chăm ở thôn Phú Cần (xã An Thọ, huyện Tuy An), ông Phán nhặt được khối đá có ba lỗ hình tròn, khi đưa miệng thổi hơi vào thì phát ra âm thanh tựa tiếng kèn.
Cũng như bộ đàn đá, sau khi thông tin về khối đá phát ra thứ âm thanh độc đáo được truyền đi, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Yên đã đến vận động ông Phán chuyển giao hiện vật lạ này.
Gần tháng sau, ông Đỗ Phán tìm đến Bảo tàng Phú Yên, không phải để đòi lại cổ vật, mà mang đến một thông tin bất ngờ. Đó là, các nhà sư ở chùa Thiền Sơn (xã An Hiệp, huyện Tuy An) đã lưu giữ gần 30 năm qua một báu vật là chiếc kèn đá tương tự, nhưng kích thước nhỏ hơn.
Điều thú vị là, qua lời kể của sư trụ trì, 2 chiếc kèn đá này từ thời xưa đã được lưu giữ qua 7 đời sư trụ trì tại chùa Hậu Sơn (còn gọi là chùa Hố Thị ở thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An) ngót 150 năm. Mục đích sử dụng thay cho kèn hiệu để mời gọi thiện nam, tín nữ đến chùa vào những ngày rằm, lễ hội.
Hứng mưa bom, bão đạn của chiến tranh, ngôi chùa Hậu Sơn đã bị thiêu cháy vào năm 1964. Trong quá trình đưa đồ đạc nhà chùa sơ tán xuống xã An Hiệp để lập chùa Thiền Sơn, vì chặng đường núi gập ghềnh đèo dốc, lại phải vận chuyển nhiều vật dụng khác, nên chiếc kèn đá lớn phải bỏ lại dọc đường đi.
Để rồi, trải qua gần 30 năm lưu lạc nhau, 2 chiếc kèn đá ấy lại được “hội ngộ” dưới mái nhà Bảo tàng tỉnh Phú Yên. Bộ kèn đá Tuy An được Hội đồng Khoa học Quốc gia đánh giá là một cặp nhạc khí thời tiền sử có niên đại hơn 2.500 năm trước.
Chiếc kèn đá lớn trong cặp bảo vật kèn đá Tuy An đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên |
Báu vật vô giá
Tồn tại qua bao biến động, thăng trầm của lịch sử, nên bộ đàn đá, kèn đá Tuy An khi được công bố rộng rãi đã làm rúng động giới chuyên gia nghiên cứu trong nước, sau đó thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Đầu tháng 5/2006, đại diện Vương quốc Bỉ tại Việt Nam đã có công văn mời tỉnh Phú Yên mang hai loại nhạc cụ độc đáo gồm bộ đàn đá và kèn đá sang tham gia cuộc triển lãm các hiện vật bằng đá quý hiếm trên toàn thế giới tại Bảo tàng Quốc gia Bỉ.
Cùng thời gian này, tỉnh Chung Bur (Hàn Quốc) cũng đã mời ngành văn hóa thông tin Phú Yên sang Hàn Quốc để giới thiệu những tính năng độc đáo của hai loại nhạc cụ trên thông qua biểu diễn của nhạc sĩ, nhạc công của Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển (nay là Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển).
Không dừng lại đây, 6 năm sau, tại buổi giới thiệu, minh họa di sản văn hóa quốc gia bộ đàn đá, kèn đá Tuy An do UBND tỉnh Phú Yên tổ chức, TS. Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khi ấy đã đánh giá rất cao hai di sản độc đáo này, đề nghị UBND tỉnh Phú Yên nên sớm tiến hành lập hồ sơ để đề nghị UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa nhân loại.
Điều gì đã khiến 2 bảo vật đàn đá và kèn đá được thế giới ghi nhận và đánh giá cao đến vậy? Nhiều nhà chuyên môn đánh giá, đàn đá Tuy An là bộ đàn đá hoàn chỉnh nhất trong số các bộ đàn đá được tìm thấy tại Việt Nam từ trước đến nay, kể cả bộ đàn đá 11 chiếc N’dut Liêng Krắk (tỉnh Đắk Lắk) phát hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1949 bởi G. Condominas và đang được lưu giữ tại bảo tàng ở Pháp.
Với nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Sơn, trong công trình “Di sản văn hóa đá ở Phú Yên”, ông khẳng định chắc nịch rằng, “tại Việt Nam, đã phát hiện được 23 bộ đàn đá với tổng số trên 200 thanh đàn đá. Nhưng đến lúc này, bộ đàn đá Tuy An vẫn được đánh giá là có hệ thống thang âm chuẩn nhất. Chính điều đó đã làm nên giá trị đặc biệt của bộ đàn đá này”.
Trong khi đó, kèn đá Tuy An được cố GS-TS. Trần Quang Hải (Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng Con người, Pháp) đánh giá là báu vật vô giá bởi sự độc đáo và là nhạc khí thời cổ đại bằng đá thuộc bộ hơi duy nhất phát hiện được ở nước ta.
Đàn đá, nhạc đá chỉ mãi là nhạc cụ cho đến khi có người đánh thức thanh âm từ đá, mang tiếng lòng thổi hồn vào đá.
Nghệ sĩ ưu tú Bùi Thanh Hải, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, người được giao trọng trách trình diễn nghệ thuật đàn đá, vẫn nhớ cảm giác khó tả khi lần điều tiên cầm chiếc búa gõ vào bộ đàn đá Tuy An. “Lúc đó, da gà mình cứ nổi”, nghệ sĩ ưu tú Bùi Thanh Hải nói. Nghệ sĩ cho biết thêm, với bộ đàn đá cổ Tuy An, mỗi thanh một nốt, nên điều đặc biệt là đánh ở góc độ nào, thì tiếng cũng như nhau.
Khi nhận xét về cặp kèn đá Tuy An, nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Ngọc Quang không giấu được sự hào hứng. “Âm thanh của kèn cái (loại nhỏ) luôn có sự vang vọng, sắc sảo hơn kèn đực, nhưng khi cả hai cùng hòa tấu, thì có một sự hòa quyện hết sức hút hồn”, nhạc sỹ Ngọc Quang nói.
Đặc biệt, nhạc sỹ Ngọc Quang cho biết, kèn đá khi hòa âm với đàn đá Tuy An, thì giai điệu hết sức mê hoặc. TS. Katherine Muller Marin trong lần đầu nghe diễn tấu 2 nhạc cụ này đã nhận xét, đàn đá - kèn đá Tuy An có mối liên hệ và sự kết hợp uyển chuyển linh hoạt.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, khi còn là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, đàn đá và kèn đá đã bảo đảm nhiều yếu tố để được UNESCO công nhận là di sản ký ức nhân loại. Đó là yếu tố về lịch sử với niên đại khoảng 2.500 năm, là yếu tố nguyên vẹn khi cả 2 nhạc cụ đều đầy đủ, là tính đặc sắc về âm nhạc, là tính lan tỏa trong dân gian khi nó từng là những loại nhạc cụ của cộng đồng.
Song điều tiếc nuối, như bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên chia sẻ, thì hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận bộ đàn đá, kèn đá Tuy An là di sản văn hóa nhân loại, vì nhiều lý do, hiện nay “không có gì mới”.