Bảo Minh bị kiện vì từ chối

(ĐTCK-online) Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa thụ lý đơn kiện của Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) kiện Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) liên quan đến việc từ chối bồi thường bảo hiểm con tàu chở dầu trọng tải 104.000 tấn. Vấn đề phát sinh từ việc chậm nộp phí của DQS và việc chấp nhận gia hạn hợp đồng bảo hiểm của BMI...
Bảo Minh bị kiện vì từ chối

Giao kết hai bên

Ngày 30/10/2006, DQS và BMI ký Hợp đồng bảo hiểm đóng tàu số AD0004/07PA003HH, theo đó, Bảo Minh nhận bảo hiểm mọi rủi ro của người đóng tàu đối với quá trình đóng mới tàu dầu 104.000DWT. Cụ thể, đối tượng bảo hiểm là "thân tàu, máy móc và các thiết bị trên tàu... trong quá trình tại xưởng, những cơ sở khác của người đóng tàu, trong quá trình vận chuyển giữa những nơi đó và quá trình hạ thủy tàu, chạy thử tàu...". Theo Hợp đồng, giá trị bảo hiểm ước tính tối đa là 811,131 tỷ đồng; thời hạn bảo hiểm dự kiến là 24 tháng kể từ ngày 30/12/2006; tổng phí bảo hiểm cho thời hạn bảo hiểm là hơn 4,773 tỷ đồng; phí gia hạn bảo hiểm: 0,02% số tiền bảo hiểm/tháng.

Hợp đồng trên quy định phí bảo hiểm được thanh toán làm 3 kỳ: kỳ 1: 50% tổng phí bảo hiểm, thanh toán trong vòng 15 ngày kể từ ngày cấp đơn bảo hiểm; kỳ 2: 30% tổng phí bảo hiểm, thanh toán sau khi hạ thủy an toàn và kỳ 3: toàn bộ số phí bảo hiểm còn lại sẽ được thanh toán khi bàn giao tàu cho chủ tàu. Cũng theo Hợp đồng bảo hiểm, trong trường hợp xảy ra tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm, Bảo Minh có nghĩa vụ tạm ứng cho DQS 50% giá trị tổn thất ước tính để kịp thời khắc phục thiệt hại.

Thực hiện hợp đồng bảo hiểm, DQS đã chuyển trả cho Bảo Minh 2 tỷ đồng trong tổng số 2.386.752.500 đồng phí bảo hiểm kỳ 1, còn thiếu 386.752.500 đồng. Do quy mô quá lớn nên hết thời hạn bảo hiểm, con tàu vẫn chưa được đóng xong. Ngày 31/12/2008, DQS có Công văn số 1808/DQS-KH yêu cầu Bảo Minh gia hạn Hợp đồng bảo hiểm. Bảo Minh đã phát hành Bản sửa đổi bổ sung AD006/06BC003HH/0801 do ông Trần Vĩnh Đức lúc đó là Tổng giám đốc ký, đồng ý gia hạn Hợp đồng bảo hiểm với thời hạn gia hạn từ 00 giờ ngày 31/12/2008 đến 24 giờ ngày 28/2/2010. Các điều khoản và điều kiện khác không thay đổi.

Ngày 15/1/2009, Bảo Minh gửi thông báo thu phí bảo hiểm cho thời gian gia hạn, theo đó, phần phí bảo hiểm bổ sung là 2.498.283.480 đồng sẽ được chia làm 3 kỳ: kỳ 1: thanh toán trước ngày 30/01/2009; kỳ 2: thanh toán trong vòng 30 ngày sau khi hạ thủy tàu và kỳ 3: thanh toán ngay khi bàn giao tàu cho chủ tàu. Đồng thời, Bảo Minh cũng yêu cầu DQS thanh toán số phí kỳ 1 theo Hợp đồng bảo hiểm mà DQS chưa thanh toán hết hơn 386 triệu đồng. DQS đã đề nghị được thanh toán khoản phí còn thiếu của kỳ 1 cùng với đợt thanh toán mốc hạ thủy tàu và Bảo Minh không có ý kiến gì.

Riêng về phí gia hạn, căn cứ vào điều khoản thanh toán phí tại Hợp đồng bảo hiểm, toàn bộ phí bảo hiểm còn lại (tức là sau kỳ thanh toán thứ nhất và thứ hai) sẽ được thanh toán sau khi bàn giao tàu, vì vậy, ngày 22/1/2009, DQS có Công văn số 87/DQS-KH gửi BMI, bày tỏ quan điểm rằng khoản phí bảo hiểm bổ sung hơn 2,498 tỷ đồng sẽ được thanh toán khi bàn giao tàu theo đúng quy định tại Hợp đồng.

Ngày 2/3/2009, DQS có Công văn số 220/DQS-KH gửi BMI bảo lưu ý kiến của mình tại Công văn 87/DQS-KH  ngày 22/1/2009 về điều khoản đóng phí bảo hiểm theo quy định tại Hợp đồng, tuy nhiên, với thiện chí dàn xếp với BMI về việc thanh toán phí, DQS đã đề nghị thanh toán phí bảo hiểm bổ sung theo lịch biểu sau: 30% phí bổ sung thanh toán vào lúc hạ thuỷ tàu; 30% tiếp theo sẽ thanh toán khi bàn giao tàu và 40% còn lại được thanh toán sau khi bàn giao tàu.

 

Từ chối trách nhiệm

Ngày 28 và 29/9/2009, cơn bão số 9 đổ bộ vào miền Trung và gây tổn thất nặng nề cho con tàu được bảo hiểm. Ngay sau khi xảy ra tổn thất, DQS đã thông báo cho Bảo Minh. Việc giám định tổn thất, ước tính sơ bộ thiệt hại đã được tiến hành và hoàn tất bởi Công ty giám định do Bảo Minh chỉ định là Công ty Matthiew Daniel. Theo báo cáo kết quả giám định chính thức, nguyên nhân gây ra tổn thất cho con tàu là do bão, tổng giá trị thiệt hại ước tính là 4.127.103 USD (khoảng 75 tỷ đồng tính theo tỷ giá năm 2009).

Căn cứ vào Hợp đồng bảo hiểm, rủi ro bão lụt là thuộc trách nhiệm bảo hiể, nên căn cứ vào điều khoản về tạm ứng tiền bồi thường, ngày 9/10/2009 và ngày 29/10/2009, DQS đã có các công văn số 1357/DQS-KH và 450/DSQ-KH yêu cầu Bảo Minh tạm ứng 50% giá trị tổn thất ước tính theo quy định tại Hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên, phía Bảo Minh đã từ chối bảo hiểm cho con tàu với lý do DSQ đã không hoàn thành nghĩa vụ nộp phí. Tại Công văn số 2729/2009-BM/BT ngày 9/11/2009, Bảo Minh cho rằng, theo quy định trong hợp đồng bảo hiểm đóng tàu mà hai bên đã ký kết về điều khoản đóng phí, DQS đã không thực hiện đúng nghĩa vụ đóng phí theo quy định. Phía DQS cho rằng do đã đóng phí bảo hiểm kỳ 1, nên căn cứ vào Điều 15 Luật Kinh doanh Bảo hiểm, trách nhiệm bảo hiểm của BMI đã phát sinh kể từ khi Hợp đồng bảo hiểm được giao kết. Mặc dù chậm nộp phí nhưng BMI không ra quyết định chấm dứt hợp đồng bảo hiểm; khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, BMI vẫn thuê công ty giám định vào giám định thiệt hại và đặc biệt, sau khi thiệt hại xảy ra, BMI vẫn nhiều lần có công văn yêu cầu DQS thực hiện nộp phí bao gồm cả khoản phí gia hạn. Từ tất cả những việc đó, DQS cho rằng, hợp đồng vẫn có hiệu lực và BMI vẫn phải có trách nhiệm bảo hiểm thiệt hại của con tàu. Tuy nhiên, những lý lẽ này không được BMI chấp thuận và vì thế BMI không thực hiện tạm ứng tiền bồi thường cũng như bảo hiểm con tàu.  

Theo tính toán của các chuyên gia bảo hiểm, với số vốn hiện có của BMI khi nhận bảo hiểm con tàu trọng tải 104.000 tấn trị giá bảo hiểm lên đến hơn 811 tỷ đồng thì BMI phải thực hiện tái phần lớn cho các hãng tái bảo hiểm nước ngoài. Như vậy khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, các nhà tái phải chịu trách nhiệm bồi thường là chính và BMI chỉ phải chịu một phần nhỏ. Nếu BMI từ chối bảo hiểm thì các nhà tái nước ngoài lại là người hưởng lợi nhiều nhất trong thương vụ này.

Thanh Đoàn
Thanh Đoàn

Tin cùng chuyên mục