Từng là nghiệp vụ hấp dẫn và mang lại doanh thu lớn, nhưng thống kê của UBCK cho thấy, trong năm qua, rất ít CTCK thực hiện được nghiệp vụ bảo lãnh phát hành. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?
Trong thời kỳ TTCK sôi động và kinh tế tăng trưởng (2005 - 2007), các NĐT đều hứng khởi và sẵn sàng mua cổ phiếu DN phát hành thêm, với kỳ vọng kinh tế sẽ tiếp tục phát triển mạnh và DN tiếp tục tăng trưởng. Kênh phát hành cổ phiếu trở thành một kênh huy động vốn có chi phí rẻ và an toàn cho DN. Vì vậy, rất nhiều DN muốn niêm yết cổ phiếu và phát hành huy động vốn qua TTCK. Nhu cầu phát hành của DN cao và nhu cầu mua cổ phiếu của NĐT cao tạo nên môi trường lý tưởng cho các CTCK phát triển dịch vụ bảo lãnh phát hành. Ngoài phí bảo lãnh, nhiều CTCK còn giữ lại một phần cổ phiếu của DN phát hành cho hoạt động tự doanh để bán lại sau khi giá cổ phiếu tăng. Hoạt động bảo lãnh phát hành và tự doanh là hai mảng đem lại lợi nhuận cao nhất cho CTCK thời đó.
Từ năm 2008, Việt
Nói chung, hoạt động phát hành liên hệ mật thiết với tình hình sức khỏe của TTCK, nếu TTCK yếu thì hoạt động này cũng èo uột.
Nhiều DN niêm yết đang rất cần vốn, giá cổ phiếu cũng đã xuống thấp. Ông có cho rằng, năm 2013 này, nghiệp vụ bảo lãnh phát hành sẽ khởi sắc?
Trên thị trường có khá nhiều DN mất cân đối về vốn do vay vốn đầu tư vào các dự án kinh doanh nhưng không đem lại hiệu quả như mong đợi. Đối với các DN này, khả năng vay vốn tiếp sẽ rất khó và phát hành cổ phiếu cũng không dễ dàng, trừ trường hợp phát hành trên 50% vốn và nhường quyền chi phối công ty cho cổ đông mới (thuộc lĩnh vực M&A). Thông thường, các DN này sẽ cố gắng tự tái cấu trúc trước bằng các động tác như bán bớt tài sản, thu hẹp các mảng hoạt động không hiệu quả để tồn tại.
Trong bối cảnh TTCK yếu, cổ phiếu giao dịch ở mức thấp thì khó có thể kỳ vọng hoạt động phát hành hay dịch vụ bảo lãnh phát hành khởi sắc. Trước mắt, yếu tố có thể giúp TTCK phục hồi và trở thành kênh huy động vốn cho DN là tăng cường công tác quản lý TTCK để tăng tính minh bạch thông tin, công bằng trong giao dịch nhằm tạo sự tin tưởng cho NĐT tham gia thị trường.
Vốn có phải là yếu tố quan trọng nhất với CTCK khi thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành? Đâu là những yếu tố CTCK quan tâm khi thực hiện bảo lãnh phát hành, thưa ông?
Bản chất của bảo lãnh phát hành là cam kết mua lại hết số cổ phiếu phát hành của DN, vì vậy vốn là điều kiện đầu tiên CTCK phải có và là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho DN sử dụng dịch vụ. Trên thực tế, CTCK cần số vốn và tiền mặt lớn hơn nhiều lần con số 165 tỷ đồng vốn pháp định mà pháp luật quy định cho nghiệp vụ này.
Ngoài vốn, CTCK cần phải có đội ngũ có chuyên môn sâu rộng về tài chính để phân tích, đánh giá chính xác phương án sử dụng vốn, kế hoạch kinh doanh và dòng tiền trong tương lai của DN phát hành. Việc phân tích và thẩm định phải đạt độ chi tiết và chính xác đến mức có thể thuyết phục được các NĐT chuyên nghiệp bỏ vốn và chấp nhận rủi ro với DN. Công việc này khó khăn và phức tạp hơn nhiều lần so với việc thẩm định của ngân hàng cho vay vốn, vì ngân hàng thường yêu cầu có tài sản thế chấp để đảm bảo. Ngoài ra, CTCK phải có một mạng lưới NĐT rộng lớn để có thể huy động vốn một cách hiệu quả cho DN.