Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, khó làm tăng giá bán

(ĐTCK) Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, trong đó có quy định, các doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản hình thành trong tương lai phải ký kết hợp đồng bảo lãnh với ngân hàng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.
Khách hàng sẽ không còn phải lo sợ bị mất tiền khi mua nhà tại các dự án nhà ở hình thành trong tương lai.
Ảnh: Hoài Nam Khách hàng sẽ không còn phải lo sợ bị mất tiền khi mua nhà tại các dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Ảnh: Hoài Nam

Quy định nhằm bảo vệ tuyệt đối người mua nhà, nhưng vẫn còn đó những băn khoăn về việc sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, qua đó làm tăng giá bán nhà và người mua sẽ phải gánh chịu.

Trước đây, để lách quy định không cho phép bán nhà trên giấy, các chủ đầu bán nhà theo hình thức “hợp đồng góp vốn đầu tư”, “hợp tác kinh doanh”. Để thu hút người mua, mức giá đưa ra đối với loại hình hợp đồng này khá thấp, tuy nhiên, người mua đối diện với nhiều rủi ro mất tiền khi dự án không được triển khai.

Tuy nhiên, nhiều dự án đã xây xong móng, thậm chí là xong phần thô, người mua nhà vẫn chịu rủi ro về tiến độ, chất lượng công trình. Đây chính là những nguyên nhân làm bùng nổ tranh chấp, khiếu nại giữa khách hàng và các chủ đầu tư trong giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng và nhiều vụ việc kéo dài đến ngày nay, như Dự án Petrolandmark.

Vì vậy, để bảo vệ người mua nhà, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã có quy định, các doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản hình thành trong tương lai phải ký kết hợp đồng bảo lãnh với ngân hàng. Theo quy định này, khách hàng sẽ được trả lại tiền trong trường hợp chủ đầu tư không hoàn thành dự án như cam kết.

Trước thời điểm Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực ít ngày, ngày 25/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành Thông tư 07/2015/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, đây là quy định tiến bộ, sẽ giúp bảo vệ tuyệt đối người mua nhà, nhưng có nhiều ý kiến lo lắng, quy định này mang tính cào bằng, gây khó khăn cho các chủ đầu tư, cũng như làm tăng giá thành sản phẩm và người gánh chịu cuối cùng vẫn là khách hàng.

Tuy nhiên, theo quy định hiện tại, mức phí bảo lãnh sẽ do các bên tự thỏa thuận dựa theo các nguyên tắc của thị trường và tùy thuộc vào mức độ rủi ro, tính khả thi của dự án, cũng như uy tín và xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng với chủ đầu tư.

Do đó, theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp, lo ngại về giá nhà sẽ tăng khi có thêm phí bảo lãnh trên thực tế rất khó xảy ra. Đương nhiên, sẽ không có chuyện “cào bằng” về mức phí bảo lãnh. Chủ đầu tư có tín nhiệm cao sẽ có mức phí bảo lãnh thấp và ngược lại.

Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nhiều ngân hàng thương mại và chủ đầu tư dự án bất động sản đã thống nhất không cộng phí bảo lãnh vào giá thành sản phẩm, nên không lo ảnh hưởng tới giá bán nhà ở như nhiều người băn khoăn.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một chủ đầu tư cũng cho biết, mức phí bảo lãnh, doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với ngân hàng để phí không ảnh hưởng nhiều đến giá bán. Khi có xác nhận bảo lãnh của ngân hàng, doanh nghiệp sẽ công bố và mở bán  dự án ra thị trường.

“Chúng tôi sẽ hạn chế vay tiền từ ngân hàng, mà nhằm vào dòng tiền thu từ khách hàng. Đây là nguồn vốn vừa an toàn, vừa không phải trả lãi suất, nên sẽ tiết kiệm được chi phí thực hiện dự án”, vị đại diện này tiết lộ.

Mặt khác, trong bối cảnh nguồn cung bất động sản ra thị trường khá mạnh, việc tăng giá bán có thể là "gáo nước lạnh" dội vào sức hấp dẫn của dự án, nên chắc chắn các chủ đầu tư sẽ rất thận trọng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trung Kiên
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục