Để hiểu thêm thông tin về vấn đề này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Karin Finkelston, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa biên (MIGA).
Xin bà chia sẻ cụ thể về vai trò của bảo lãnh đầu tư?
Trong nhiều trường hợp, cụ thể như vai trò của MIGA khi đứng ra bảo lãnh cho những rủi ro chính trị, sẽ giúp các nhà đầu tư tư nhân không phải lo lắng nhiều, mà có thể tập trung vào khía cạnh thương mại của dự án đầu tư đó.
Nhà đầu tư sẽ có điều kiện tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nhiều nước, mà không phải lo lắng về các rủi ro chính trị như: Làm thế nào để chuyển được tiền ra khỏi đất nước mà mình đầu tư? Liệu có bất ổn dân sự nào không? Liệu chính phủ có một lịch sử tốt về việc duy trì các hợp đồng hay thường xuyên phá vỡ? Liệu có cơ hội nào mà chính phủ sẽ cố gắng thông qua quy định về mặt chính sách của mình để làm giảm giá trị tài sản của nhà đầu tư?...
Tất cả những quan ngại đó, tôi nghĩ rằng, đối với một công ty tư nhân khi đầu tư vào nước nào đều phải cân nhắc. Nếu bạn để ý sẽ thấy, ở các quốc gia khác nhau, đương nhiên khi nhà đầu tư cân nhắc sẽ chọn những quốc gia có ít rủi ro trên nhất theo quan điểm của họ.
Do đó, khi có MIGA đứng ra nhận bảo lãnh cho các rủi ro chính trị đó, các nhà đầu tư tư nhân chỉ cần quan tâm đến khía cạnh kinh doanh về hoạt động đầu tư của họ mà thôi. Điều đó sẽ làm cho nhiều nhà đầu tư cảm thấy thoải mái khi bước tới thị trường không quá nhiều rủi ro. Tuy nhiên, đánh giá về rủi ro của các nhà đầu tư nhiều khi cũng bị sai lệch.
Có những trường hợp rủi ro thấp và có những trường hợp kể cả khi nhà đầu tư nhận thức được về rủi ro, họ cũng muốn có một sự bảo lãnh về chính trị để triệt tiêu những rủi ro này ra khỏi dự án đầu tư của mình.
Bà Karin Finkelston
Vậy, các sản phẩm bảo lãnh đầu tư MIGA có điểm gì khác so với các cơ chế bảo lãnh khác?
Điều đầu tiên có thể nhận thấy rõ nhất, đó là MIGA-một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, chúng tôi cùng hỗ trợ Việt Nam để phát triển bền vững. Điều thứ hai, MIGA được xếp hạng tín dụng ở mức AAA, do đó, chúng tôi có thể cung cấp các sản phẩm bảo lãnh hỗ trợ các ngân hàng và nhà đầu tư với sự mạnh mẽ, bền vững của MIGA.
Điều thứ ba chính là lịch sử bảo lãnh của MIGA. Chúng tôi đã từng phát hành tổng cộng hơn 800 bảo lãnh trên khắp thế giới và trong số đó, MIGA chỉ phải thực sự chi trả cho 8 trường hợp mà thôi. Nguyên nhân vì sao MIGA đạt được thành tích này?
Đó là bởi chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ trong chính Nhóm Ngân hàng Thế giới, nên khi có vấn đề nào đó xảy ra giữa những bên được nhận bảo lãnh của khu vực tư nhân và các chính phủ nước chủ nhà, thì chúng tôi có khả năng tham gia vào làm trung gian hòa giải những vướng mắc tồn tại, phát sinh giữa hai bên. Mục tiêu của MIGA là đưa dự án quay trở lại hoạt động theo đúng tiến độ.
Chúng tôi không muốn phải thực hiện một khoản chi trả bảo lãnh nào, điều chúng tôi quan tâm là làm thế nào để dự án tiếp tục và giúp dự án được hoàn thành, mang lại lợi ích về mặt phát triển mà MIGA mong muốn ngay từ khi bắt đầu quyết định bảo lãnh cho dự án.
Ví dụ, chúng tôi có thể bảo lãnh cho những trường hợp đứt đoạn trong việc thực hiện hợp đồng, vì trong một số trường hợp, bởi một lý do nào đó, chính phủ quyết định không theo đuổi dự án, hợp đồng này nữa. Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ hẹn gặp gỡ chính phủ để tìm hiểu thực trạng tình hình và nguyên nhân tại sao chính phủ lại không thanh toán cho những hợp đồng này. Đồng thời, MIGA sẽ phải nói chuyện với bên tham gia hợp đồng, liệu có phải khu vực tư nhân không thực hiện điểm nào trong hợp đồng, mà đúng ra phải thực hiện?
Trong một số trường hợp khác, chính phủ có thể gặp một số vấn đề cần đến sự hỗ trợ của chúng tôi để thuyết phục nhà đầu tư tư nhân kiên nhẫn hơn và hợp tác với chính phủ, nhằm vạch ra kế hoạch, phương án thực hiện mà họ sẽ được chính phủ chi trả. Do đó, chúng tôi luôn luôn cố gắng thực hiện vai trò trung gian, cầu nối giữa hai bên để tìm hiểu, thúc đẩy đối thoại nhằm đưa dự án triển khai trở lại.
Chúng tôi hỗ trợ rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn, mà thường những dự án này rất dài hạn, khoảng 15 năm. Đương nhiên, trong khoảng thời gian này, chúng ta không thể tiên đoán được trước sẽ có những chuyện xấu nào xảy ra. Do vậy, thế mạnh của MIGA là bất cứ lúc nào cũng có thể can thiệp, nhằm giảm thiểu rủi ro cho cả hai bên.
Kế hoạch tiếp theo của MIGA tại Việt Nam là gì và sản phẩm bảo lãnh đầu tư cụ thể nào triển khai được trên thị trường Việt Nam, thưa bà?
Đối với thị trường Việt Nam, chúng tôi cung cấp hai sản phẩm. Một là, bảo lãnh rủi ro về chính trị, chúng tôi có thể giúp giải quyết việc hợp đồng ách tắc, không thực hiện được như: rủi ro chuyển đổi giữa nội tệ và ngoại tệ; làm sao để chuyển khoản tiền này ra khỏi Việt Nam; bảo lãnh về các vấn đề như xảy ra chiến tranh hay bất ổn tương tự... và để thực hiện loại bảo lãnh này, chúng tôi thường sử dụng hình thức hợp tác công-tư (PPP) và thu hút nhà đầu tư tư nhân đến Việt Nam.
Một sản phẩm khác mà chúng tôi đang triển khai là tăng cường tín dụng, như đang thực hiện tại các dự án Thủy điện Hồi Xuân và Quốc lộ 20. Chúng tôi đã cung cấp khoản bảo lãnh đối trọng với khoản của Bộ Tài chính dành cho các bên cho vay. Khoản bảo lãnh này giúp các bên cho vay có thể giảm được chi phí vốn, theo đó, họ có thể cung cấp khoản vốn cho vay dài hạn với một mức lãi suất hấp dẫn hơn, dự án trở nên rất hiệu quả về chi phí đầu tư đối với chính phủ của Việt Nam và cuối cùng là người dân Việt Nam.
Bà có cho rằng, các bảo lãnh đầu tư của MIGA có thể giúp thúc đẩy hoặc thu hút đầu tư nước n goài vào Việt Nam?
Điều đó là đương nhiên. Tôi cho rằng, các bảo lãnh đầu tư của MIGA sẽ hỗ trợ cho việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bởi khi các công ty nước ngoài quan tâm đến Việt Nam, họ có thể cảm nhận chính xác hoặc chưa chính xác về những rủi ro ở thị trường Việt Nam. Nhưng nếu MIGA trở thành đối tác của họ, chúng tôi hoàn toàn có khả năng giảm thiểu những rủi ro, thông qua lịch sử hoạt động của MIGA tại Việt Nam và trên toàn cầu. Do đó, chúng ta có thể làm cho các nhà đầu tư thoải mái hơn khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Một vấn đề khác, MIGA có thể giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng. Ví dụ, khi Việt Nam yêu cầu bỏ thầu cho dự án hạ tầng và nói rõ MIGA sẵn sàng hỗ trợ phát hành bảo lãnh cho dự án đó. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ hiểu rằng, nếu tham gia thầu, đương nhiên có thể tiếp xúc và nhận được sự hỗ trợ của MIGA, điều này đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ giảm thiểu, nên nhà đầu tư có thể sẵn sàng tham gia vào gói thầu đó.
MIGA hy vọng, sau một thời gian từng bước giới thiệu những nhà đầu tư đến Việt Nam, họ sẽ dần cảm thấy thoải mái hơn, yên tâm hơn với môi trường đầu tư ở đây. Nhà đầu tư sẽ đánh giá được đúng mức độ rủi ro thực sự của thị trường Việt Nam và do đó, có thể chung đường với MIGA trong dài hạn. Điều này sẽ góp phần mở rộng, cũng như đa dạng hóa các nhà đầu tư tham gia vào thị trường Việt Nam.