Báo in có thể được tăng diện tích quảng cáo

0:00 / 0:00
0:00
Quá trình thảo luận còn có quan điểm khác nhau, song tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (Dự thảo), báo in vẫn được tăng diện tích quảng cáo. Nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn với quy định mới về thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo.
Việc tăng diện tích quảng cáo tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính, giúp nâng cao chất lượng nội dung Việc tăng diện tích quảng cáo tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính, giúp nâng cao chất lượng nội dung

Tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính

Sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ chín (tháng 5/2025), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sau khi được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám (tháng 11/2024) đã được hoàn thiện thêm một bước.

Lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất nâng diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo (quy định hiện hành là 15%) hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí (gấp đôi hiện hành).

Quá trình thảo luận, một số vị đại biểu cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của độc giả, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau. Ý kiến khác đề nghị có dấu hiệu phân biệt giữa tin bài thông thường với bài có tài trợ quảng cáo, trừ báo chính trị.

Gửi báo cáo tới Quốc hội sau đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (cơ quan chủ trì soạn thảo) tiếp thu các ý kiến trên và cho biết sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định theo hướng quy định cụ thể về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau, đồng thời bổ sung quy định “phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác” vào Dự thảo.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành vì đối với một cơ quan báo chí, điều quan trọng nhất là thực hiện đúng tôn chỉ, kể cả đối với truyền thông đa phương tiện.

Hồi âm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nêu rõ, cùng với xu thế của thế giới khi loại hình báo chí điện tử phát triển, hiện nay là nền tảng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok… (với ngay cả báo, tạp chí điện tử, thậm chí cả phát thanh, truyền hình ngày càng bị cạnh tranh gay gắt về thông tin), thì số lượng phát hành báo, tạp chí in có xu hướng ngày càng giảm, thậm chí có cơ quan báo chí trên thế giới đã đóng cửa. Các cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông nhận được nhiều đề xuất của cơ quan báo chí về việc giảm kỳ xuất bản, giảm trang xuất bản, hoặc dừng xuất bản ấn phẩm in, chỉ duy trì loại hình điện tử.

Trước kia, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với 4 loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) được áp dụng như nhau. Tuy nhiên, do những khó khăn của báo in, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo in đã được ưu đãi hơn, chỉ 10% so với 3 loại hình kia (là 20%), được áp dụng từ năm 2015.

Mặc dù xu thế quảng cáo trên báo chí in so với trước đây đã giảm, nhưng đối với một số báo, tạp chí vẫn còn có quảng cáo (hoặc vào các dịp lễ, tết, kỷ niệm…, cơ quan báo chí thường tăng số trang nội dung, đầu tư chất lượng để có thêm nhiều quảng cáo), thì việc tăng diện tích số trang quảng cáo là cần thiết, có ý nghĩa đối với cơ quan báo chí (vẫn đang duy trì loại hình in) trong bối cảnh khó khăn của kinh tế báo chí hiện nay.

Với việc tăng diện tích quảng cáo tối đa lên 30 - 40%, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan báo chí sẽ có cơ sở để cân đối giữa quảng cáo và nội dung thông tin thời sự để vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế, mà vẫn mang đến chất lượng, trải nghiệm cho bạn đọc, từ đó tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

Liên quan vấn đề này, báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo trong Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra) tỏ rõ quan điểm đồng tình với quy định điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí (không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí).

“Hiện nay, thị phần quảng cáo trên báo in đã giảm mạnh, quy định này nhằm tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính, giúp nâng cao chất lượng nội dung”, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội giải thích.

Theo đó, Dự thảo ngày 3/1 quy định, diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo, phụ trương quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.

Với quảng cáo trên báo nói, báo hình, ông Vinh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo giữ quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% như Luật Quảng cáo năm 2012, vì thực tế người xem đã phải trả phí thuê bao cho việc xem truyền hình trả tiền.

Vẫn băn khoăn tắt - mở

Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một trong những vấn đề được quan tâm là tăng thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên mạng.

Trước đó, thảo luận tại Kỳ họp thứ tám của Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, cần cân nhắc việc tăng thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo từ 1,5 giây lên 6 giây để vừa bảo đảm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng cáo, vừa bảo đảm không gây khó chịu cho người dùng.

Khi đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phản ánh, ý kiến từ Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ quan báo chí truyền thông đều cho rằng, quy định thời gian tắt, mở quảng cáo tối đa 1,5 giây là chưa phù hợp với thực tế, không đủ thời gian để hiển thị cho các sản phẩm quảng cáo (đặc biệt là quảng cáo dưới dạng video). Vì vậy, không đạt được mục tiêu của quảng cáo là tác động đến nhận thức của người xem hoặc lưu lại ấn tượng, thông điệp truyền thông cho người xem.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết, rất băn khoăn về nội dung này. “Từ trước đến nay, luật quy định chỉ có 1,5 giây, tức là không có một quảng cáo nào được nhận diện rõ hay sao? Bây giờ chúng ta chưa sửa luật, trên thực tế 1,5 giây vẫn có thể quảng cáo và vẫn có thể thu tiền được từ việc quảng cáo này”, bà Hải phân tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng nói, luật hiện hành quy định thời gian tắt, mở quảng cáo tối đa 1,5 giây, Dự thảo Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ tám điều chỉnh thành 6 giây, tức là hiện quảng cáo trên mạng sau đó 6 giây thì hiện nút tắt để tắt quảng cáo. Nhưng đến Dự thảo này (Dự thảo ngày 3/1/2025) không còn quy định 6 giây và cũng không còn quy định 1,5 giây.

Dự thảo đang quy định theo hướng, đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải có tính năng, biểu tượng dễ nhận biết cho phép người tiếp nhận quảng cáo tắt quảng cáo, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Theo ông Tùng, quy định như vậy chưa thực sự minh bạch, nếu giao cho Chính phủ quy định thì phải giao rất cụ thể, chứ không thể chung chung như Dự thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, nếu để tạo điều kiện cho người tiếp nhận quảng cáo có quyền xem hay không xem, thì ngay khi hiện quảng cáo, nên hiển thị luôn nút tắt quảng cáo để những người không quan tâm có thể tắt luôn, chứ không phải chờ 1,5 giây hay 6 giây.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội giải thích, tuy không quy định tại Dự thảo, nhưng Chính phủ vẫn đang dự kiến là 6 giây. Từ ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, nếu theo hướng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì cần cân nhắc theo hướng phải giảm thời gian.

“Các cơ quan sẽ bàn tiếp và đánh giá kỹ lại chỗ này, vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu vấn đề này đến lần thứ hai thì phải xem xét rất kỹ lưỡng”, ông Vinh hồi âm.

Bỏ quy định phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo đã bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng trên mạng (chủ yếu là ca sỹ, nghệ sỹ) vì có tác động rất lớn đến đa số công chúng. “Cần quy định rõ là không được quảng cáo sản phẩm khi chưa được kiểm duyệt, thông tin quảng cáo phải xác thực, chính xác, không gây hiểu nhầm cho người nghe”, ông Phương đề nghị.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục