Ý thức về bảo hiểm của người dân đang dần tăng lên

(ĐTCK) 5 năm liên tiếp, ngành bảo hiểm chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất cao. Theo ông Phùng Đắc Lộc, Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhu cầu bảo hiểm và ý thức bảo hiểm của người dân là động lực chính tạo nên mức tăng trưởng này.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Dù chưa có số liệu thống kê chính thức cả năm 2018, nhưng kết quả 9 tháng đầu năm từ Bộ Tài chính cũng cho thấy đà tăng trưởng cao về doanh thu phí bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ lên tới hơn 30%. Theo ông, đâu là nguyên nhân có được nhịp độ tăng trưởng này?

5 năm gần đây, tại Việt Nam, mức độ tăng trưởng bình quân về doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ luôn duy trì ở mức trên 30%/năm, ngành bảo hiểm phi nhân thọ cũng đạt mức tăng trưởng 2 con số. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục này xuất phát từ 2 lý do chính. Đó là do nhu cầu về bảo hiểm ngày một gia tăng; và do năng lực tài chính của người có nhu cầu bảo hiểm cũng tăng lên đáng kể, ý thức trách nhiệm của người dân được cải thiện.

Ông Phùng Đắc Lộc.

Nếu xét cả ngành bảo hiểm thì ở lĩnh vực phi nhân thọ, những rủi ro do thiên tai tăng lên là động lực kích thích cho nhu cầu về bảo hiểm. Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), 9 tháng đầu năm 2018,  tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 12.356 tỷ đồng.

Bảo hiểm sức khỏe, nghiệp vụ có liên quan cả tới bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và bảo hiểm xã hội (bảo hiểm y tế) thì có thể thấy con số về tai nạn giao thông vẫn còn lớn, bệnh tật đe dọa ngày càng nhiều và mức độ phức tạp càng cao.

Từ những bệnh có tính chất dịch như chân tay miệng, sốt xuất huyết, cúm… đến các căn bệnh khó chữa như tim mạch, viêm gan, xương khớp, ung thư. Theo số liệu của Bảo hiểm y tế, mỗi năm, cơ quan này phải giải quyết chi trả cho trên 20 triệu hồ sơ điều trị, đó là chưa kể hồ sơ không có bảo hiểm y tế.

Trong nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, việc điều chỉnh viện phí cũng như các cơ sở y tế đang tính đúng, tính đủ các chi phí điều trị vào viện phí khiến số tiền chi trả khám chữa bệnh tăng lên. Bên cạnh đó, nhu cầu về khám chữa bệnh chất lượng cao ở các cơ sở y tế tư nhân cũng tăng. Điều này khiến cho nhu cầu được tham gia bảo hiểm y tế của Nhà nước cũng như bảo hiểm sức khỏe tự nguyện được đẩy lên đáng kể.

Từ thiên tai, tai nạn, sự kiện trên cho thấy nhu cầu bảo hiểm không những có ở người nghèo, cận nghèo, trung lưu mà cả các chủ doanh nghiệp giàu có nếu muốn ổn định đời sống và sản xuất - kinh doanh. Đồng thời số tiền được bảo hiểm cũng phải tăng để đáp ứng nhu cầu trên nên bảo hiểm không chỉ tăng về số người mới tham gia, mà còn tăng cả phí bảo hiểm.

Tiếp theo nữa, như tôi đã đề cập, sự phát triển kinh tế mang đến cho đa số người dân một khả năng tài chính tốt hơn, tạo ý thức tiết kiệm dành một phần tiền để đóng phí bảo hiểm phòng ngừa rủi ro lo cho tương lai. 

Mặc dù như vậy, mức tăng trưởng trên 30% của riêng ngành nhân thọ vẫn tạo sự bất ngờ, vì để một lĩnh vực liên tục có mức tăng trưởng như vậy là không dễ dàng?

Nếu chỉ nói về bảo hiểm nhân thọ, như tôi đã phát biểu nhiều lần, đó là dư địa cho ngành này tại Việt Nam còn rất lớn (tỷ lệ dân số có bảo hiểm nhân thọ mới khoảng 8% - PV), đây là yếu tố quan trọng nhất để bảo hiểm nhân thọ duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Ngoài ra, đó còn nhờ những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc điều chỉnh cơ chế chính sách bắt kịp với những biến động của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với việc không ngừng hoàn thiện phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Thị trường bảo hiểm đang ngày càng thể hiện được vai trò trong nền kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.

9 tháng đầu năm 2018, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy tổng số tiền đầu tư trở lại từ bảo hiểm đạt gần 300 ngàn tỷ đồng, đến hết năm 2018 dự kiến đạt 330 ngàn tỷ đồng. Số tiền đầu tư càng lớn thì trách nhiệm bảo toàn vốn đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm càng cao, sao cho thật an toàn, hiệu quả. 

Còn sự nỗ lực của các công ty bảo hiểm có là nguyên nhân cho sự tăng trưởng của thị trường?

Điều này là đương nhiên, sự hoạt động chuyên nghiệp hơn trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại hơn của mỗi công ty bảo hiểm đang mang lại những sản phẩm phù hợp hơn, với chất lượng phục vụ tốt hơn là nguyên nhân trọng yếu.

Thực tế cho thấy, người tham gia bảo hiểm có ý thức tốt hơn trước, nhưng không phải tất cả đều có nhận thức đầy đủ về hoạt động bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ có khách hàng chủ yếu là cá nhân. Điều này rất dễ dẫn đến “tâm lý đám đông”, nếu không được tư vấn và tuyên truyên truyền tốt.

Trong quá khứ, từng có trường hợp hiểu lầm về một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của một doanh nghiệp, dẫn đến sự hoang mang của người đã có hợp đồng bảo hiểm tại công ty này và kết quả là có số đông khách hàng đến công ty đòi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà họ đã ký.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục