Trục lợi bảo hiểm, cần xử lý hình sự

(ĐTCK) Bảo hiểm xe cơ giới luôn dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, nên đây là nghiệp vụ có mức độ cạnh tranh rất mạnh và vấn nạn trục lợi làm đau đầu các công ty bảo hiểm.
Trục lợi bảo hiểm, cần xử lý hình sự

Vô vàn hành vi trục lợi

Chiếc xe ô tô chở khách 29 chỗ mang Biển kiểm soát số 35N… của một DN tư nhân ở TP. Nam Định đã được bán lại cho đôi vợ chồng ở phường Quang Trung, TP. Nam Định. Sau khi mua xe, thấy giá trị xe tham gia bảo hiểm 400 triệu đồng, gấp đôi giá trị thực tế của xe trên thị trường, nên giữa tháng 9/2011, bà vợ đã chủ mưu cùng lái xe và lơ xe điều xe về đỗ ở bãi đất trống của một hộ dân tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, rồi nửa đêm cho đốt xe. Sáng hôm sau, chủ xe yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường tổn thất toàn bộ xe, với số tiền 400 triệu đồng. Vụ việc đã được Phòng Điều tra của Bảo hiểm AAA kết luận, chủ xe tự đốt xe nhằm trục lợi bảo hiểm. Sau đó, chủ xe đã xin rút yêu cầu bồi thường.

Đây chỉ là một trong số ít những vụ trục lợi bảo hiểm xe cơ giới được công ty bảo hiểm này điều tra ra. Còn vô số vụ nhức đầu khác như: chủ xe giấu sự thật xe đã bị tai nạn bên Lào để mua điều khoản bổ sung “Lưu thông ngoài lãnh thổ Việt Nam”, lập hiện trường giả đánh lừa công an Lào, mua chuộc hải quan cửa khẩu chứng khống giấy phép liên vận xe để hợp pháp hóa hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm; mua chuộc cảnh sát giao thông lập hồ sơ tai nạn lùi ngày nhằm đòi bồi thường cho xe đã bị tai nạn trước khi mua bảo hiểm; lái xe gây tai nạn không có giấy phép lái xe hợp lệ và tai nạn xảy ra khi chưa mua bảo hiểm, nhưng chủ xe đánh tráo lái xe có giấy phép lái xe hợp lệ và mua chuộc công an địa phương làm sai lệch hồ sơ vụ tai nạn, nhằm trục lợi bảo hiểm…

 

Doanh nghiệp tự bảo vệ

Do pháp luật chưa có chế tài đủ sức răn đe các đối tượng trục lợi bảo hiểm, nên các công ty bảo hiểm đều phải nghĩ cách tự cứu mình. Chẳng hạn như Bảo hiểm AAA phải tự tổ chức công tác đấu tranh với vấn nạn này bằng việc thành lập Phòng Điều tra, chuyên trách điều tra, đấu tranh chống trục lợi bảo hiểm.

Bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc Bảo hiểm AAA cho biết, hàng năm, Phòng Điều tra chống trục lợi bảo hiểm của Công ty đã điều tra, khám phá hàng chục vụ, chống thất thoát cho Công ty hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, mặc dù đã áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp phòng ngừa gian lận bảo hiểm, song trên thực tế, Công ty vẫn không thể ngăn chặn hết được những vụ trục lợi bảo hiểm với phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Hiện tại, trục lợi bảo hiểm xe cơ giới đang là thực trạng “nóng” tại các công ty bảo hiểm, nhưng không nhiều công ty mạnh dạn bày tỏ vấn đề này, bởi sợ mất khách hàng. Điểm lại những nguyên nhân chủ quan trực tiếp khiến vấn nạn trục lợi bảo hiểm ngày càng nhức nhối, đại diện một công ty bảo hiểm trong nước cho rằng, ngoài việc quản lý bán hàng chưa thật chặt chẽ, thì còn nhiều sơ hở cho đối tượng trục lợi lợi dụng như: khâu tuyển dụng, đào tạo mạng lưới khai thác bảo hiểm chưa hoàn thiện, chuyên nghiệp; trước áp lực cạnh tranh về doanh thu, về khách hàng, công ty bảo hiểm đã xây dựng quy tắc bảo hiểm tự nguyện ngày càng nới lỏng quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của khách hàng...

 

Kiến nghị

Theo bà Liên, Hiệp hội Bảo hiểm, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cần sớm kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó quy định hành vi trục lợi bảo hiểm “chưa đạt đã hoàn thành” (chưa đạt về mục đích - tức chưa nhận tiền thì bị phát hiện, nhưng đã hoàn thành về hành vi như tráo biển số xe lừa mua bảo hiểm trót lọt, tạo dựng hiện trường giả, sửa chữa hồ sơ tai nạn của cơ quan công an…) vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, sửa đổi Khoản 3, Điều 15 Nghị định số 41/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Hiện tại, điều khoản này quy định, “phạt tiền 70 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân đã nhận được tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm do có hành vi gian dối, giả mạo các tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm”. Sắp tới, nên sửa đổi lại là “phạt tiền 70 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi gian dối, giả mạo các tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm”, thì mới có tác dụng răn đe, ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm.

Ngoài ra, kiến nghị Bộ Công an có cơ chế riêng để tăng cường, tích cực phối hợp điều tra giải quyết các vụ khiếu nại bồi thường bảo hiểm có dấu hiệu nghi vấn trục lợi, do các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị (kể cả các doanh nghiệp bảo hiểm không có vốn nhà nước).

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm cho hay, ngày 17/8, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm và Hiệp hội sẽ tổ chức hội thảo về “Thực trạng và các giải pháp phòng chống trục lợi bảo hiểm về con người và xe cơ giới”. Kết luận hội thảo sẽ là nội dung kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những giải pháp, chế tài phòng chống trục lợi bảo hiểm, thậm chí đưa hành vi trục lợi bảo hiểm vào Bộ luật Hình sự.

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục