Tranh chấp bảo hiểm: Vì đâu nên nỗi?

(ĐTCK) Sản phầm bảo hiểm của các công ty bảo hiểm rất đa dạng. Để hạn chế tranh chấp, người mua bảo hiểm cần tìm hiểu kỹ nội dung của gói sản phẩm. 
Nhiều công ty bảo hiểm còn chưa chú trọng việc tư vấn cho khách hàng. Nhiều công ty bảo hiểm còn chưa chú trọng việc tư vấn cho khách hàng.

Trong hợp đồng và quy tắc bảo hiểm thường có những thuật ngữ khó hiểu, gây nhầm lẫn, người mua bảo hiểm cần yêu cầu nhân viên công ty bảo hiểm giải thích rõ ràng, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Không thể phủ nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu, các loại hình sản phẩm bảo hiểm lẫn chất lượng dịch vụ trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong những năm gần đây. Song, cùng với sự tăng trưởng đó là sự gia tăng các vụ tranh chấp giữa khách hàng và nhà bảo hiểm liên quan đến thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Ðáng nói hơn, khi tranh chấp xảy ra, hai bên trong hợp đồng khó ngồi lại với nhau để giải quyết, mà thường rất căng thẳng và đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán để giải quyết.

Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ việc tranh chấp đều xuất phát từ phía khách hàng khởi kiện công ty bảo hiểm vì cảm thấy bức xúc khi không được bồi thường thỏa đáng, hoặc cách giải quyết bồi thường chưa hợp tình hợp lý. Nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?

Khách hàng: Còn mơ hồ về quyền lợi của mình...

Trước khi giao kết một hợp đồng bảo hiểm, có thể khẳng định, điều quan trọng nhất đối với khách hàng là tìm hiểu các quyền lợi bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm dự định mua.

Cụ thể, khi mua sản phẩm bảo hiểm này, người được bảo hiểm sẽ được công ty bảo hiểm chi trả, bồi thường trong những trường hợp nào, cùng với đó là những trường hợp nào thì không được bồi thường, bởi không phải cứ mua bảo hiểm là chắc chắn sẽ được bồi thường.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng chủ quan không đọc kỹ các nội dung này. Thậm chí, có trường hợp khách hàng suy nghĩ là cứ mua bảo hiểm, khi có tổn thất hoặc tai nạn thì sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường, đến khi bị từ chối do không thuộc phạm vi bảo hiểm mới đưa vụ việc ra khiếu nại, khiếu kiện tại tòa án.

Sản phẩm bảo hiểm của các công ty bảo hiểm rất đa dạng. Ðể hạn chế tranh chấp, người mua bảo hiểm cần tìm hiểu kỹ nội dung của gói sản phẩm. Trong hợp đồng và quy tắc bảo hiểm thường có những thuật ngữ khó hiểu, gây nhầm lẫn, người mua bảo hiểm cần yêu cầu nhân viên công ty bảo hiểm giải thích rõ ràng, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Ngoài ra, khách hàng cũng cần phải đọc kỹ phần quy định “những điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm”. Ðiều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là những điều khoản quy định trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Với những hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản, các quy định loại trừ bảo hiểm lại càng đáng được lưu tâm, vì hầu hết các khách hàng cho rằng, với loại hình hợp đồng mọi rủi ro thì khi đã mua bảo hiểm, xảy ra bất kỳ tổn thất nào đều được bảo hiểm.

Tuy nhiên, trong hợp đồng bảo hiểm, nhà bảo hiểm luôn quy định bảo hiểm cho mọi rủi ro không thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm, chẳng hạn thiệt hại gây ra cho tài sản được bảo hiểm bởi khuyết tật ẩn tỳ, hoặc hao mòn tự nhiên, hoặc thiệt hại phát sinh từ hành động cố ý của người được bảo hiểm.

Vì vậy, nếu tổn thất thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm thì đương nhiên khách hàng sẽ không được công ty bảo hiểm bồi thường. Trường hợp khách hàng muốn bảo hiểm cho những tổn thất này thì cần yêu cầu công ty bảo hiểm cấp thêm điều khoản sửa đổi, bổ sung và đóng thêm phí bảo hiểm. Nếu hiểu được điều này từ đầu thì sẽ tránh được những tranh chấp không đáng có.

... Và chưa lưu tâm đến thời hạn thanh toán phí bảo hiểm

Trên thực tế, rất nhiều vụ tranh chấp bảo hiểm xảy ra liên quan đến nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm của khách hàng. Theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, mặc dù hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm, hoặc có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm, nhưng nếu khách hàng không đóng đủ phí đến hạn thì hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt hiệu lực vào ngày hết hạn thanh toán phí.

Dẫu vậy, nhiều khách hàng không để ý đến thời hạn thanh toán phí, dẫn đến trường hợp hợp đồng đã ký kết chấm dứt hiệu lực khi hết hạn thanh toán phí và công ty bảo hiểm không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm nếu có tổn thất xảy ra sau ngày hợp đồng chấm dứt hiệu lực.

Ðể tránh phát sinh tranh chấp, người mua bảo hiểm cần phải thanh toán đầy đủ và đúng thời hạn phí bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của mình. Ðối với trường hợp đóng phí theo kỳ, khách hàng phải lưu tâm đến việc đóng phí trước hạn. Nếu vô ý bỏ quên nghĩa vụ này, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, bên mua bảo hiểm chính là bên phải chịu thiệt hại, cho dù có thể trước đó đã đóng một khoản phí bảo hiểm cho công ty bảo hiểm.

Công ty bảo hiểm: Chưa chú trọng khâu tư vấn cho khách hàng

Công ty bảo hiểm là bên đưa ra các quy tắc, sản phẩm bảo hiểm để cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng. Tuy nhiên, khi giao dịch với khách hàng, nhiều công ty bảo hiểm đã bỏ qua khâu tư vấn, giải thích để khách hàng có thể nắm được các quyền lợi bảo hiểm, các điểm loại trừ không thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

Thậm chí, nhiều cán bộ kinh doanh, đại lý bảo hiểm không nắm được sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến tư vấn sai phạm vi bảo hiểm khi bán cho khách hàng. Có trường hợp, cán bộ công ty bảo hiểm còn quên cung cấp quy tắc sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.

Chính vì sự yếu kém của nhân viên, cán bộ kinh doanh bảo hiểm mà không ít trường hợp, đối tượng mua bảo hiểm ngay từ đầu đã thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, nhưng vẫn cấp bảo hiểm. Ðến khi xảy ra tổn thất thuộc trường hợp loại trừ, doanh nghiệp bảo hiểm "tiến thoái lưỡng nan", không biết phải xử lý như thế nào, đành chờ cơ quan giải quyết tranh chấp kết luận.

Nhiều dịch vụ cần phải đánh giá rủi ro của đối tượng được bảo hiểm trước khi cấp đơn, nhưng do nhân viên công ty bảo hiểm không xác minh, giám định, kiểm tra nên đã cấp cả hợp đồng bảo hiểm cho những tài sản, công trình đã xảy ra tổn thất. Khi khách hàng khiếu nại, doanh nghiệp bảo hiểm từ chối do tổn thất xảy ra trước ngày bảo hiểm, khiến khách hàng bức xúc.

Kết luận lại, để tránh phát sinh tranh chấp, doanh nghiệp bảo hiểm cần hướng dẫn, cũng như kiểm soát chặt chẽ quy trình khai thác bảo hiểm.

Trong đó, cần yêu cầu nhân viên kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm cung cấp, giải thích rõ quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, đồng thời kiểm tra, đánh giá cặn kẽ tài sản trước khi cấp đơn bảo hiểm. Về phía khách hàng, cần tìm hiểu kỹ lưỡng quy tắc, sản phẩm bảo hiểm, các quyền và nghĩa vụ của mình trước khi đặt bút ký hợp đồng.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục