Thời gian cách ly, khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có được giảm, hoãn phí?

(ĐTCK) Một điều mà không phải người dân có bảo hiểm nào cũng biết đó là họ có thể được hoàn phí bảo hiểm. Ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc CTCP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán liên quan đến vấn đề này. 
Ảnh Shutter Ảnh Shutter

Theo ông, thời gian giãn cách xã hội có ảnh hưởng gì với người tham gia bảo hiểm phi nhân thọ?

Hiện người dân đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục thực hiện giãn cách đối với các nhóm địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao: Nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục tập thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22 hoặc 30/4/2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.

Theo đó, các hoạt động phát sinh không thiết yếu như giao thông, vận tải, thậm chí một số công xưởng cũng vẫn sẽ phải đóng cửa. Người dân hạn chế ra đường đã đồng thời làm giảm rủi ro tai nạn giao thông cho chính họ, vì vậy cũng đồng thời giảm các rủi ro đối với bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tai nạn lái, phụ xe.

Thời gian cách ly, khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có được giảm, hoãn phí? ảnh 1

Ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc CTCP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam

Tương tự như vậy, một số loại hình bảo hiểm như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm xây dựng mức độ rủi ro cũng sẽ giảm đi khi người lao động chủ yếu làm việc online tại nhà.

Nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, hàng hải, hàng không cũng giảm rủi ro khi Nhà nước cấm các chuyến bay quốc tế, hạn chế các chuyến bay nội địa, các đơn hàng đưa đi các quốc gia không thể xuất khẩu do ảnh hưởng lớn từ nhu cầu tiêu dùng của các quốc gia đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ Covid-19.

Theo tình hình hiện tại, tôi nhận định, việc cách ly toàn xã hội đang tiếp diễn sẽ làm giảm rủi ro được bảo hiểm đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm phi nhân thọ như trên đã đề cập.

Còn với những người dân có bảo hiểm nhân thọ thì sao, thưa ông?

Do đối tượng được bảo hiểm nhân thọ đều liên quan đến con người, nên khó có thể đánh giá chắc chắn rằng người ở trong nhà thì sẽ giảm được rủi ro.

Bởi thực tế, ngay cả khi không ra đường, ở trong nhà, tình trạng sức khỏe, bệnh tật bên trong của con người vẫn có thể bị thay đổi, có trường hợp nằm im trong nhà vẫn có thể tử vong do tai nạn hay do lý do nào khác.

Thế nên, người dân có bảo hiểm nhân thọ thì không ảnh hưởng trong trường hợp này.

Trong trường hợp tránh được rủi ro nhờ cách ly xã hội như ông đề cập trên, người dân có bảo hiểm có quyền yêu cầu công ty bảo hiểm giảm phí không thưa ông? Việc giảm phí bảo hiểm có bị loại trừ không, bởi nguyên nhân ở đây là do Covid-19?

Căn cứ tại Điều 20 thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm (Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2010):

“1. Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận giảm phí bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm”.

Đối chiếu theo quy định nêu trên thì “Bên mua bảo hiểm" có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của Hợp đồng bảo hiểm, vì mức độ rủi đã giảm. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ xảy ra một số bất cập như sau:

Không phải khách hàng nào cũng biết đến việc này để thực hiện quyền lợi của mình ngay từ đầu, nghĩa là thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Chỉ thị 16/TTg-CP thì không phải khách hàng nào cũng đủ thông thái hay suy nghĩ đến chuyện yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí, mà theo quy định của Pháp luật, thì chỉ giảm phí cho thời gian còn lại của hợp đồng. 

Loại hình bảo hiểm bắt buộc phí bảo hiểm, quy tắc bảo hiểm do Chính phủ, bộ, ngành ban hành (thông tư bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, nghị định cháy nổ bắt buộc), thì dù giao kết hợp đồng bảo hiểm giữa “Bên mua bảo hiểm" và “Doanh nghiệp bảo hiểm", nhưng để quyết định về phí bảo hiểm lại phải phụ thuộc vào cơ quan quản lý đánh giá, xem xét. 

Việc giảm phí bảo hiểm ở đây là quyền của “Bên mua bảo hiểm" cũng như nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm phải tính toán lại một mức phí phù hợp khi rủi ro bảo hiểm thay đổi.

Bệnh truyền nhiễm Covid-19 là yếu tố để đánh giá, xem xét mức độ rủi ro bảo hiểm ảnh hưởng đến đối tượng bảo hiểm, chứ không phải là yếu tố loại trừ không thực hiện quyền giảm phí.

Nếu toàn bộ người dân có bảo hiểm thuộc diện được giảm phí đều được giảm phí hoặc hoàn phí, thì ông dự đoán tổng mức độ giảm phí hoặc hoàn phí trên toàn thị trường sẽ là bao nhiêu?

Theo số liệu tôi nghiên cứu và thu thập được từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và trên một số trang mạng, thì tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2019 ước đạt 52.387 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm xe cơ giới chiếm chiếm tỷ trọng 30,87% với mức doanh thu tương ứng 16.172 tỷ đồng; bảo hiểm tài sản và thiệt hại là 13,85% tương ứng 7.256 tỷ đồng; bảo hiểm cháy nổ là 8,86% tương ứng 4.641 tỷ đồng; bảo hiểm hàng không là 1,47% tương ứng 770 tỷ đồng.

Như vậy, không tính bảo hiểm sức khoẻ và một số nghiệp vụ mức độ rủi ro không thay đổi, thì ước tính phí bảo hiểm 1 ngày có thể là: 79,011 tỷ đồng; 14 ngày là: 1.106 tỷ đồng (cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc).

Còn trường hợp cách ly xã hội 21 ngày, nếu trên phạm vi toàn quốc thì tương ứng là 1.659 tỷ đồng; 1 tháng là 2.370 tỷ đồng.

Tuy nhiên trên thực tế, cách ly xã hội 21 ngày chỉ được thực hiện trên một số địa bàn, do đó sẽ chỉ tính khoảng 80% của 2 con số trên (do Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng cách ly xã hội 21 ngày, chiếm tới 80% doanh số trên). Nghĩa là 21 cách ly, thì người dân có bảo hiểm thuộc các đối tượng được bảo hiểm kể trên có thể được hoàn phí bảo hiểm ước 1.327 tỷ đồng.

Kim Lan thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục