“Thiếu vốn, DN bảo hiểm như... một chú gà Tây ốm yếu”

(ĐTCK) Theo ông Phùng Ngọc Khánh, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Đề án “Tái cơ cấu và giám sát thị trường bảo hiểm” đã được Bộ Tài chính hoàn thiện và đang trình Thủ tướng Chính phủ.
“Thiếu vốn, DN bảo hiểm như... một chú gà Tây ốm yếu”

“Thiếu vốn, DN bảo hiểm như... một chú gà Tây ốm yếu” ảnh 1

Đề án “Tái cơ cấu thị trường bảo hiểm” sẽ phân loại DN bảo hiểm thành 4 nhóm

 

Trao đổi với ĐTCK tại Hội thảo “Cơ chế, chỉ tiêu đánh giá, phân loại DN bảo hiểm” do Bộ Tài chính phối hợp với Công ty Aon Benfield (chuyên cung cấp dịch vụ trung gian tái bảo hiểm và tư vấn sử dụng vốn) tổ chức ngày 19/9, ông Khánh cho biết, Bộ Tài chính đang chủ động rà soát, phân loại các DN bảo hiểm dựa trên kết quả hoạt động và mức độ đảm bảo khả năng thanh toán theo quy định để có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục xây dựng các hệ thống, chỉ tiêu, nhằm đánh giá một cách tổng thể năng lực tài chính, kinh doanh, quản trị rủi ro của DN.

Được biết, Đề án “Tái cơ cấu và giám sát thị trường bảo hiểm” sẽ phân loại DN bảo hiểm thành 4 nhóm dựa trên tiêu chí biên khả năng thanh toán, để từ đó áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát. Theo đó, nhóm 1 là những DN đảm bảo khả năng thanh toán, hoạt động kinh doanh có lãi; nhóm 2 bao gồm các DN vẫn đảm bảo khả năng thanh toán, nhưng kinh doanh còn khó khăn, chi phí hoạt động lớn, tỷ lệ bồi thường cao hoặc hoạt động kinh doanh không có lãi trong 2 năm liên tục; nhóm 3 là các DN có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán; nhóm 4 là các DN mất khả năng thanh toán.

 

DN phải “tự phòng vệ”

Nói về khả năng đối phó với những biến động bất ngờ của DN, ông David Manerval, Giám đốc tính phí, Aon Benfield châu Á ví von, một con gà Tây càng ốm yếu thì càng có nguy cơ bị loại ra khỏi đàn hoặc chết vì dịch bệnh, thiên tai, chứ không cần chờ đến dịp lễ Giáng sinh hay Phục sinh. Cũng như một DN bảo hiểm nếu không đáp ứng đủ nhu cầu về vốn, khi không may gặp khủng hoảng (tài chính, thiên tai…) thì sẽ là những đơn vị gục ngã đầu tiên. Những rủi ro bất ngờ là không thể tiên liệu, vì vậy cách tốt nhất là DN cần đảm bảo một lượng vốn tối thiểu nhất định để phòng tránh.

Tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, với khối phi nhân thọ, theo quy định hiện hành liên quan đến vốn pháp định của DN, biên khả năng thanh toán tối thiểu của DN cần phải lớn hơn 25% tổng số tiền phí bảo hiểm giữ lại tại thời điểm tính biên khả năng thanh toán, cần lớn hơn 12,5% tổng phí bảo hiểm gốc và phí nhận tái bảo hiểm tại thời điểm tính biên khả năng thanh toán; vốn pháp định tối thiểu phải đạt 300 tỷ đồng; tăng thêm 100 tỷ đồng nếu cấp đơn bảo hiểm trong loại hình bảo hiểm hàng không, dầu khí và vệ tinh; nếu mở 20 chi nhánh và văn phòng đại diện, số vốn pháp định cần tăng thêm 10 tỷ đồng cho mỗi văn phòng hoặc chi nhánh được DN mở thêm. Còn với DN bảo hiểm nhân thọ, số vốn pháp định tối thiểu là 600 tỷ đồng.

Cảnh báo những nguy cơ đến từ việc thiếu hụt nguồn vốn của DN bảo hiểm, ông David Teo, Giám đốc phân tích Aon Benfield châu Á cho rằng: “Khi DN bảo hiểm không có đủ nguồn vốn cần thiết thì bên cạnh việc ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng, DN sẽ có nguy cơ bị đặt ra bên lề thị trường do quy trình đánh giá rủi ro sẽ ngày càng chặt chẽ hơn. Để tăng khả năng ‘phòng vệ’ về vốn, DN có nhiều cách như gọi vốn từ các nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng, tái cơ cấu, sáp nhập, tăng tỷ lệ phần nhượng tái bảo hiểm (giải thoát vốn)”.

 

Cần 4 năm chuyển đổi quản trị rủi ro

Theo ông David Teo, Việt Nam đang áp dụng quy định yêu cầu về vốn theo biên khả năng thanh toán, dù dễ dàng hơn cho tính toán, nhưng không thể hiện đầy đủ các rủi ro có thể xảy ra, không tạo điều kiện tốt nhất cho quản lý rủi ro, mới chỉ quan tâm đến rủi ro bảo hiểm.

“Việt Nam cần chuyển đổi từ việc quản lý vốn của DN theo biên khả năng thanh toán sang mô hình quản lý nguồn vốn dựa trên rủi ro (Risk Based Capital) - RBC. Sẽ cần khoảng 3 - 4 năm để chuẩn bị cho việc này. Nếu áp dụng mô hình RBC thì ngoài rủi ro bảo hiểm, lượng vốn cần có của một DN bảo hiểm còn bao gồm vốn cho rủi ro hoạt động, vốn cho rủi ro tích tụ, vốn cho rủi ro tín dụng, vốn cho rủi ro đầu tư”, ông David Teo nói.

Về phía cơ quan quản lý, ông Khánh cho rằng, các chia sẻ tại Hội thảo sẽ được Bộ Tài chính xem xét, bổ sung trong quá trình xây dựng chương trình cơ cấu lại thị trường tài chính và tái cấu trúc DN, trên cơ sở một lộ trình chuyển đổi hợp lý và khả thi trong bối cảnh hiện nay.

 

Trong ngành bảo hiểm, các cơ chế quản lý vốn hiện hành bao gồm 3 loại: biên độ thanh toán (ra đời vào năm 1970), RBC (ra đời vào năm 1990 và 2000) và các cơ chế dựa trên quy tắc chung (Solvency III, ra đời vào những năm 2010).

Diệu Minh
Diệu Minh

Tin cùng chuyên mục