Thiếu nghiêm túc công bố thông tin sản phẩm bảo hiểm mới

(ĐTCK) Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP đã có hiệu lực gần 1 năm, nhưng quy định về công khai các sản phẩm bảo hiểm mới vẫn chưa được các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thực hiện nghiêm túc.
Website của AAA chưa có mục "Công bố sản phẩm bảo hiểm mới" như quy định Website của AAA chưa có mục "Công bố sản phẩm bảo hiểm mới" như quy định

Nhiều doanh nghiệp chưa có mục sản phẩm mới

Cụ thể, theo Khoản 2, Điều 35 - Thông tư 50/2017, trong thời hạn 15 ngày đầu mỗi tháng, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải công bố công khai các sản phẩm bảo hiểm được phép triển khai trong tháng trước liền kề (nếu có) trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và website của doanh nghiệp. Nội dung công bố bao gồm các quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, mẫu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và các tài liệu có liên quan trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán, trên website của 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động trên thị trường tính đến thời điểm này, rất hiếm doanh nghiệp tuân thủ đúng và đầy đủ theo quy định.

Vấn đề dễ thấy nhất trong việc công bố thông tin về sản phẩm mới của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là chưa thống nhất tên mục như hướng dẫn là "Công bố sản phẩm bảo hiểm mới”. Có doanh nghiệp chỉ ngắn gọn là "Sản phẩm mới", có doanh nghiệp thì lấy tên sản phẩm để làm tên mục (ABIC, Bảo Long).

Tại nhiều doanh nghiệp, trên website còn chưa có mục về sản phẩm mới (AAA, AIG, Liberty, Chubb, Baoviet Tokio Marine, BIC, VBI). Nếu có, mục này không nằm trên trang chính, mà "dúi" sâu vào các trang trong, gây khó khăn khi tìm kiếm (MSIG, Toàn Cầu, PJICO, Bảo Minh, Hùng Vương, Bảo Minh, PVI, Cathay).

Đáng chú ý, tại BSH, trên trang chủ tuy đã có mục về sản phẩm mới, nhưng phải đăng nhập, tức là phải được BSH cấp tài khoản, thì mới có cơ hội tìm hiểu về sản phẩm mới của hãng.

Nội dung công bố chưa đầy đủ

Đứng ở góc độ khách hàng, việc có hay không có mục về sản phẩm bảo hiểm mới không quan trọng bằng việc có nội dung gì bên trong. Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, tại nhiều doanh nghiệp (Xuân Thành, AAA, Samsung Vina, PVI, VASS, MIC, Hàng Không, PJICO...), nội dung về sản phẩm mới gần như trống trơn. Chẳng hạn, bấm vào mục "Sản phẩm mới" của PTI thì không có nội dung gì ngoài số điện thoại của tổng đài hỗ trợ khách hàng. Mục này tại QBE Việt Nam thì "không có sản phẩm mới nào".

Hay với UIC, nhà bảo hiểm được đánh giá là thực hiện khá chuẩn mực việc công bố về sản phẩm mới theo định, bao gồm tên mục, tên sản phẩm, thành phần và số lượng nghiệp vụ/sản phẩm mới đang triển khai..., nhưng lại thiếu file đính kèm nội dung chi tiết thông tin về điều khoản/quy tắc/biểu phí, mà chỉ nêu chung chung tên/số hiệu điều khoản.

Tương tự, tại Bảo hiểm Bảo Việt, các sản phẩm mới cùng điều kiện, điều khoản đính kèm đã được công bố, song cũng chưa được chi tiết, rõ ràng.

Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm chỉ tập trung giới thiệu về sản phẩm cũ, thông tin về sản phẩm mới khá hạn chế. Trong khi đó, theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, mỗi năm, cả 2 khối phi nhân thọ và nhân thọ đều đưa ra hàng chục sản phẩm bảo hiểm mới ra thị trường.

Liên quan đến hoạt động giám sát việc thực hiện công bố thông tin về sản phẩm mới, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, các doanh nghiệp báo cáo đã thực hiện nghĩa vụ này và sẽ tiếp tục thông tin khi triển khai sản phẩm mới.

Tuy nhiên, ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán về nguyên nhân các doanh nghiệp bảo hiểm chưa tuân thủ tốt quy định về công bố thông tin sản phẩm mới, phụ trách pháp chế của một doanh nghiệp bảo hiểm thừa nhận rằng, doanh nghiệp ưu tiên nguồn lực cho hoạt động khai thác bán hàng, hơn là cho công tác công bố thông tin sản phẩm.

Về việc đưa sản phẩm mới ra thị trường trong năm, theo vị phụ trách pháp chế trên, khả năng doanh nghiệp không có sản phẩm mới là rất thấp.

Bởi kể từ khi Thông tư 50/2017 còn ở dạng dự thảo, việc công khai chi tiết thông tin sản phẩm theo quy định sẽ giúp làm giảm đáng kể khối lượng công việc liên quan đến tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn, giải thích về sản phẩm bảo hiểm, giúp khách hàng có thể tự nghiên cứu sản phẩm bảo hiểm để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Một khi công tác này không được đảm bảo, cả cơ quan quản lý và khách hàng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc quản lý, cũng như tìm hiểu về các sản phẩm bảo hiểm mới.

Theo công văn của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm phải gửi địa chỉ đường dẫn mục về sản phẩm bảo hiểm mới cho Bộ Tài chính, đồng thời phối hợp với cơ quan này để thiết lập kết nối trực tiếp từ cổng thông tin điện tử của Bộ đến cổng thông tin điện tử của các doanh nghiệp bảo hiểm trước ngày 1/4/2018.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục