Thị trường tái bảo hiểm bắt đầu sôi động

(ĐTCK-online) Đà tăng trưởng khá khả quan của nền kinh tế trong năm nay cộng với sự linh hoạt của các DN bảo hiểm trong việc đánh giá rủi ro đã thúc đẩy thị trường tái bảo hiểm Việt Nam thời gian gần đây trở nên sôi động.
BIC là công ty bảo hiểm tiên phong đầu tư ra nước ngoài. BIC là công ty bảo hiểm tiên phong đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh việc nhận/nhượng tái trong nước, gần đây một số DN bảo hiểm đã mạnh dạn nhận/nhượng tái từ thị trường bảo hiểm nước ngoài, qua đó tạo nên kênh mới tăng doanh thu phí nhận tái bảo hiểm, cũng như tận dụng được năng lực của thị trường nước ngoài đối với những dịch vụ bảo hiểm đặc thù mà thị trường Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai, hoặc năng lực của thị trường trong nước không đáp ứng được.

BIC là công ty bảo hiểm tiên phong đầu tư ra nước ngoài và hiện đang là đối tác tái bảo hiểm chính của LVI và CVI, hai công ty bảo hiểm có trụ sở tại Lào và Campuchia. Kết thúc nửa đầu năm 2010, doanh thu phí nhận tái bảo hiểm phát sinh của BIC là 26,714 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2009, phí nhượng tái đạt 127,3 tỷ đồng, tăng nhẹ ở mức 8,4% so với cùng kỳ. Đại diện BIC cho biết, Công ty rất chú trọng việc thu xếp tái bảo hiểm với các nhà tái bảo hiểm có uy tín và năng lực tài chính trên toàn cầu như Swiss Re, Tokio Marine, QBE, Malaysian Re… để đảm bảo uy tín trong hoạt động, nhưng BIC cũng đang tăng cường trao đổi dịch vụ với các DN bảo hiểm trong nước nhằm tăng mức giữ lại cho thị trường Việt Nam.

PVI cũng là một trong những DN bảo hiểm phi nhân thọ khá thành công trong việc tham gia cung cấp bảo hiểm/tái bảo hiểm cho các dự án dầu khí triển khai tại nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP). Vừa qua, PVI đã vươn ra thị trường bảo hiểm nước ngoài khi đàm phán thành công việc thu xếp chương trình bảo hiểm cho chiến dịch khoan thăm dò tại lô Tanit (Tunisia) của PVEP với tổng giá trị bảo hiểm khoảng 100 triệu USD.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, mỗi DN bảo hiểm chỉ được phép giữ lại hạn mức trách nhiệm trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ tối đa là 5% vốn chủ sở hữu (được gọi là mức giữ lại). Hạn mức trách nhiệm vượt quá mức giữ lại này phải được chia sẻ với các DN bảo hiểm/tái bảo hiểm trong hoặc ngoài nước thông qua hình thức đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm. Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng mức giữ lại thuần, nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ đang tích cực tăng vốn. Tháng 6/2010, Bảo hiểm Bảo Việt thông báo tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng, BIC mới tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 660 tỷ đồng sau đợt IPO, đồng thời đang có kế hoạch phát hành thêm vốn cho cổ đông chiến lược và cán bộ nhân viên.

Thực tế, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bảo hiểm gốc đang tạo ra sức ép không nhỏ trong việc thu xếp tái bảo hiểm. Mức phí và mức khấu trừ quá cạnh tranh, điều kiện, điều khoản được mở rộng đến mức phi kỹ thuật đã khiến cho một số đơn bảo hiểm không thể thu xếp tái bảo hiểm ra thị trường nước ngoài. Khi đó, các DN bắt buộc phải thu xếp tái bảo hiểm qua lại giữa các DN bảo hiểm trong nước để đảm bảo phân tán rủi ro. Trong trường hợp này, năng lực của thị trường bảo hiểm Việt Nam trên thực tế đã bị tận dụng để bảo hiểm cho các rủi ro không tốt và đối mặt với nguy cơ tích tụ rủi ro rất cao. Bên cạnh đó, việc coi nhận tái bảo hiểm là một kênh để tăng doanh thu cũng đã đặt các DN bảo hiểm trước những rủi ro mới. Có một số DN đã coi tái bảo hiểm như là một kênh khai thác chính để bù đắp sự thiếu hụt doanh thu bảo hiểm gốc. Điều này dẫn đến tình trạng DN không đánh giá kỹ rủi ro nhận tái bảo hiểm, được chào dịch vụ nào cũng nhận, giữ lại nhiều hơn so với mức giữ lại thuần quy định đối với loại rủi ro đó, hoặc giữ lại một số rủi ro bị loại trừ bởi các hợp đồng tái bảo hiểm khác. Sự dễ dãi này có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của DN trong trường hợp có tổn thất lớn, đặc biệt là tổn thất mang tính thảm họa.

Việc nhận tái bảo hiểm từ thị trường nước ngoài cũng được xem là một kênh mang lại lượng phí nhận tái bảo hiểm khá lớn. Tuy nhiên, theo đại diện của BIC, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa thật sự ổn định, khi nhận và nhượng tái bảo hiểm từ thị trường nước ngoài, các công ty bảo hiểm Việt Nam phải tìm hiểu thật kỹ năng lực tài chính của các đối tác, các thông lệ về hoạt động tái bảo hiểm cũng như kinh doanh quốc tế…

"Nếu sử dụng các nhà tái có năng lực tài chính không ổn định hoặc có chính sách không nhất quán đối với từng khu vực thị trường, hoặc DN bảo hiểm Việt Nam thiếu hiểu biết về các thông lệ tập quán kinh doanh quốc tế, các DN có thể gặp khó khăn trong quá trình thu đòi bồi thường tái bảo hiểm, gánh chịu các khoản chi phí phát sinh không đáng có…", đại diện BIC chia sẻ.   

Gia Linh
Gia Linh

Tin cùng chuyên mục