Thấy gì từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ?

(ĐTCK) Theo báo cáo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, 6 tháng đầu năm nay, khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đầu tư trở lại nền kinh tế 23.181 tỷ đồng.
Thấy gì từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ?

Top 7 nắm trên 60% giá trị đầu tư

So với cùng kỳ năm ngoái, tổng giá trị đầu tư của khối DN bảo hiểm phi nhân thọ trong 6 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng nhẹ 0,05% (xem bảng). Mức tăng này chậm hơn rất nhiều so với mức tăng của khối bảo hiểm nhân thọ, khi khối này đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 93.137 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng 7 DN bảo hiểm phi nhân thọ đứng đầu thị trường về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc chiếm trên 60% giá trị đầu tư của khối này, ước đạt hơn 12.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, “thứ bậc” về giá trị đầu tư không trùng với “thứ bậc” về thị phần doanh thu phí bảo hiểm. Cụ thể, Bảo hiểm Bảo Việt dù đứng thứ 2 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc, nhưng đứng đầu trong khối về giá trị đầu tư, ước hơn 3.843 tỷ đồng (tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước). Bảo hiểm PVI đứng thứ 2 trong khối về đầu tư, ước hơn 3.798 tỷ đồng (tăng 4,68%), trong khi đây là DN đứng đầu về doanh thu phí bảo hiểm gốc.

Bảo Minh đứng vị trí thứ 3, với giá trị đầu tư ước đạt hơn 2.122 tỷ đồng, tăng 9,65%. Bảo hiểm BIC đứng thứ 4, với giá trị đầu tư ước đạt 1.336 tỷ đồng, tăng 11,11%, trong khi đứng vị trí thứ 7 về doanh thu phí bảo hiểm gốc. PJICO đứng vị trí thứ 6 về đầu tư, với 853,5 tỷ đồng, tăng 3%, trong khi đứng thứ 4 về doanh thu phí bảo hiểm gốc.

Thậm chí, có DN đạt giá trị doanh thu phí bảo hiểm gốc khiêm tốn trong khối, nhưng số tiền đầu tư lại khá lớn như Bảo hiểm Phú Hưng chỉ có doanh thu 11 tỷ đồng, nhưng số tiền đầu tư lên tới 253 tỷ đồng. Ngược lại, Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) đạt tới 115 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc, nhưng chỉ đầu tư khoảng 5 tỷ đồng.

“Thứ bậc” không trùng, vì sao?

Dù nguồn vốn đầu tư của DN bảo hiểm chủ yếu được lấy từ nguồn doanh thu phí bảo hiểm, vẫn có những trường hợp DN bảo hiểm có doanh thu phí bảo hiểm gốc cao, nhưng vốn dành cho đầu tư thấp và ngược lại. Theo chuyên gia trong nghề, vốn đầu tư ngoài nguồn chính là phí bảo hiểm thì còn nguồn cơ bản khác đó là vốn chủ sở hữu, nhưng nguồn này ít hơn vì huy động không dễ.

Theo lý giải của ông Lê Hải Phong, Giám đốc tài chính Tập đoàn Bảo Việt (công ty mẹ của Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Việt Nhân thọ), dòng tiền vào của DN bảo hiểm chủ yếu từ phí bảo hiểm gốc, nhưng dòng tiền ra lại phụ thuộc vào hoạt động tái bảo hiểm. Đối với khối bảo hiểm phi nhân thọ, có khá nhiều hoạt động bảo hiểm phải tái bảo hiểm bắt buộc.

Chẳng hạn, bảo hiểm tàu chở dầu, bảo hiểm giàn khoan, bảo hiểm công trình kỹ thuật... do khi xảy ra sự cố bảo hiểm liên quan đến nhiều khu vực, nhiều nước về mặt địa lý và phi địa lý.

Đó cũng chính là lý do khiến Bảo hiểm PVI dẫu có phí bảo hiểm gốc đứng đầu trong khối, nhưng giá trị đầu tư lại không phải lớn nhất trong khối do PVI phải chuyển phí tái bảo hiểm ra nước ngoài. Thậm chí, có những hợp đồng bảo hiểm, DN bảo hiểm phải chuyển phí tái bảo hiểm ngay cùng thời điểm đối tượng được bảo hiểm chuyển phí bảo hiểm gốc (như tái bảo hiểm theo chỉ định), nên dù phí bảo hiểm gốc cao, nhưng tỷ lệ phí bảo hiểm giữ lại thấp.               

Diệu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục