Tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ qua thời “phi mã”

(ĐTCK) Số liệu từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho thấy, 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 74.477 tỷ đồng, tăng trưởng 24,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là năm thứ 5 liên tiếp thị trường bảo hiểm nhân thọ duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này được dự báo sẽ chậm lại trong những năm tới.
Tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ qua thời “phi mã”

Căn cứ cho dự báo này là doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới năm nay có dấu hiệu giảm tốc. Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, phí bảo hiểm khai thác mới của thị trường 9 tháng năm 2019 tăng trưởng 17%. Cùng kỳ năm 2017, 2018, tăng trưởng doanh thu khai thác luôn đạt trên 30%.

“Sự suy giảm tăng trưởng của phí bảo hiểm khai thác mới từ đầu năm đến nay chưa ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng của tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn khối vì mấy năm trước, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới tăng rất cao.

Tốc độ tăng trưởng khai thác phí bảo hiểm vẫn đang ở mức phù hợp với thực tế thị trường”, đại diện một công ty bảo hiểm nhìn nhận.

Tuy nhiên, vẫn theo vị này, nếu tốc độ tăng trưởng của doanh thu khai thác mới vẫn giảm mạnh trong thời gian tới thì tổng doanh thu phí bảo hiểm sẽ tăng chậm lại và còn có thể giảm mạnh vì có nhiều hợp đồng đến kỳ đáo hạn.

Như Báo Đầu tư Chứng khoán đã thông tin, do yếu tố khách quan (thay đổi chính sách thi tuyển đại lý, tuyển dụng giảm dẫn đến doanh thu phí mới cũng giảm) và cả chủ quan (doanh thu phí mới của một số doanh nghiệp có thị phần lớn giảm mạnh) nên phí bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh đại lý của thị trường bảo hiểm nhân thọ 9 tháng đầu năm nay chỉ tăng trưởng 5%.

Khai thác phí mới toàn khối tăng trưởng ở mức 17%, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của kênh bancassurance, với mức tăng trưởng khoảng 66%.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ được nhìn nhận đang điều chỉnh lại, đặc biệt ở kênh đại lý sau một giai đoạn tăng trưởng “nóng” với doanh thu phí mới trên 30%, thậm chí một số doanh nghiệp có thị phần chi phối còn đẩy doanh thu phí mới tăng trưởng gần 60% - mức tăng trưởng được nhìn nhận khá nguy hiểm đối với doanh nghiệp có thị phần lớn.

Chính vì thế, dù phí bảo hiểm khai thác mới từ đầu năm giảm về ngưỡng dưới 20%, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm không quá lo ngại và cho rằng đây là mức tăng trưởng phù hợp.

“Việt Nam vẫn đang là thị trường mới nổi của bảo hiểm nhân thọ nên khả năng tăng trưởng còn rất lớn. Các doanh nghiệp sẽ tìm cách khơi thông lại thị trường, khai thác tiềm năng của dòng phí bảo hiểm mới. Nhưng tất nhiên, phần lớn các doanh nghiệp sẽ chú trọng hơn vào chất lượng tăng trưởng”, CEO một công ty bảo hiểm nhìn nhận.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phí tái tục là nguồn sống của hôm nay, phí khai thác mới là nguồn sống của tương lai (vì phải có khai thác mới thì mới có tái tục).

Nhưng tăng trưởng “nóng” phí bảo hiểm khai thác mới dễ dẫn đến hệ lụy là chất lượng phí không cao, tiềm ẩn rủi ro hợp đồng bị hủy sau năm đầu tiên lớn… Thị trường bảo hiểm nhân thọ đã trải qua một thời gian tăng trưởng “nóng”, chính vì thế, lãnh đạo các doanh nghiệp phải dám nhìn vào sự thật để chấp nhận 1 - 2 năm “thương đau” thực hiện chỉnh sửa cho mục tiêu phát triển dài hạn.

Thực tế, việc thay đổi phương thức thi tuyển đại lý khiến việc tuyển dụng mới khó khăn và số đại lý mới giảm (6 tháng tuyển dụng đại lý mới giảm 17%), do khó thi tuyển cũng buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải nhìn nhận lại phương thức đào tạo đại lý trước đây: dạy để thi đậu, chứ chưa thực sự chú trọng để thành người tư vấn giỏi. Chưa kể, việc huấn luyện sau khi ký hợp đồng đại lý vẫn còn tiếp tục là một thách thức lớn.

Theo một chuyên gia trong ngành, thị trường bảo hiểm muốn phát triển chất lượng bền vững thì cần từng bước nâng cao trình độ đại lý và tăng cường khả năng tư vấn trực tiếp.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, các doanh nghiệp phải chấp nhận tăng trưởng chậm lại, chứ không thể liên tục đẩy doanh thu khai thác phí lên mức 30% đến 50%, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có thị phần lớn.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục