Tái bảo hiểm, làm sao để an toàn?

(ĐTCK-online) Các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải nghĩ đến việc mở các chi nhánh ở nước ngoài để dàn mỏng rủi ro, tăng thu nhập và cân đối ngoại tệ.
Tái bảo hiểm, làm sao để an toàn?

Trên thực tế, có nhiều trách nhiệm bảo hiểm nhận lĩnh vượt khả năng tài chính của một DN bảo hiểm, như bảo hiểm công trình lớn, dịch vụ hàng không, tàu biển… Các đơn vị này phải chia sẻ cho các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm khác cùng đứng ra gánh vác. Vấn đề đặt ra ở đây là, DN bảo hiểm gốc nên giữ lại bao nhiêu và tỷ lệ tái bảo hiểm là bao nhiêu là tối ưu?

 

Giữ lại bao nhiêu?

Có thể nói, lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tiềm năng có được do năng lực khai thác bảo hiểm, nhưng lợi nhuận thật sự phụ thuộc vào mức độ và hình thức giữ lại. Hiện nay, phí giữ lại của thị trường bảo hiểm Việt Nam khá thấp so với tổng phí thu được: 64,83% (2007) và 68,14% (2008). Nếu không kể các nghiệp vụ hầu như không phải tái bảo hiểm có tỷ trọng doanh thu lớn như: bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người, thì phí giữ lại thấp hơn 50%.

Theo quy định của Thông tư 155/2007/TT-BTC thì mức giữ lại có thể là 10% vốn chủ sở hữu  (tối thiểu 300 tỷ đồng theo quy định), tương đương 1,8 triệu USD. Thực tế, phần lớn DN bảo hiểm chỉ giữ lại ở mức 100.000 đến 500.000 USD do nhiều yếu tố không đáp ứng được như: chưa có chiến lược kinh doanh hoặc chiến lược kinh doanh chưa rõ ràng, một số ít DN chưa góp đủ vốn pháp định, khả năng thanh toán có vấn đề do tình hình nợ đọng và đầu tư dài hạn nhiều hơn quy định, doanh thu ít và cơ cấu thu không hợp lý, tỷ lệ tổn thất cao, biên khả năng thanh toán không vững chắc... Hơn nữa, quy định mức giữ lại 10% vốn chủ sở hữu là quá cao trong tình hình Việt Nam hiện nay. Theo tài liệu của Singapore College of Insurance thì mức giữ lại thông thường chỉ khoảng 0,5% đến 2,5% vốn chủ sở hữu hoặc không hơn 20% vốn lưu động.

Ở Việt Nam, Công ty Tái bảo hiểm Vinare có nhiệm vụ tái lại cho các công ty bảo hiểm để tăng phần giữ lại trong nước. Theo số liệu từ Vinare, tổng phí giữ lại cho thị trường trong nước đạt gần 400 tỷ đồng/năm, chiếm 80% tổng phí tái bảo hiểm qua tái bảo hiểm bắt buộc.

Hiện nay, có một số công ty bảo hiểm nhận bảo hiểm trên mức được giữ lại và thực hiện tái lại phần giữ lại vượt mức (Retrosession) cho các công ty bảo hiểm khác. Việc làm này không đúng luật, vì hoạt động tái lại tạo ra một rủi ro mới (nếu công ty bảo hiểm nhận tái lại không có khả năng trả bồi thường thì công ty tái lại phải chịu trách nhiệm) nhưng không có vốn đảm bảo. Hay nói cách khác, công ty bảo hiểm này kinh doanh tái bảo hiểm mà không cần vốn và giấy phép. Mặt khác, việc vừa thực hiện tái bảo hiểm lần đầu (sơ cấp) mà công ty tái bảo hiểm chuyên nghiệp không thực hiện, vừa thực hiện tái lại (thứ cấp) là nhiệm vụ chính của công ty tái bảo hiểm, sẽ dẫn đến nhiều rủi ro về quản lý rủi ro do hiện tượng nhận trùng như đã nêu ở trên, nếu bộ phận tái bảo hiểm của công ty không thật chuyên nghiệp như một công ty tái bảo hiểm chuyên nghiệp. Việc này chỉ thực hiện được khi được Bộ Tài chính kiểm tra và cấp giấy phép hoạt động tái bảo hiểm chuyên nghiệp. Hoạt động tái lại của các công ty bảo hiểm chưa nhiều và còn nhỏ. Tuy nhiên, trong tình hình kinh doanh bảo hiểm gặp khó khăn như hiện nay, xu hướng này có thể sẽ được bành trướng và chính là một nguy cơ tiềm ẩn.

 

Tái bảo hiểm, xử lý vấn đề ngoại tệ ra sao?

Chúng ta đều biết, ngoại tệ là vấn đề khó khăn chung của cả nước với tình trạng nhập siêu khá cao như hiện nay.

Bảo hiểm là một hoạt động có sử dụng ngoại tệ để tái bảo hiểm ra nước ngoài cũng như đảm bảo bồi thường bằng ngoại tệ cho các DN có nhu cầu nhận tiền bồi thường bằng ngoại tệ như các DN có vốn nước ngoài, các DN mà hoạt động của họ gắn liền với bên ngoài như xuất nhập khẩu, tàu biển, hàng không, dầu khí, các DN mà tài sản của họ, Việt Nam không sản xuất được…

Khó khăn chính của hoạt động bảo hiểm là ngoại tệ tái ra nước ngoài luôn nhiều hơn tiền bồi thường thu về, vì phải đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho các công ty tái bảo hiểm. Các công ty trong nước thì hầu như trả bằng VND. Đối với những dự án, dịch vụ lớn có thể bảo hiểm bằng ngoại tệ, vì rủi ro lớn và tính chất phức tạp nên phần lớn ngoại tệ được chuyển cho các nhà tái bảo hiểm để họ đảm nhận rủi ro đó. Để có ngoại tệ tái bảo hiểm, các công ty bảo hiểm thường phải mua ngoại tệ từ ngân hàng, mà việc này không hề dễ dàng. Một số công ty phải mua qua thị trường tự do. Chênh lệch tỷ giá là một tổn thất không nhỏ của hoạt động tái bảo hiểm.

Đối với những dịch vụ bảo hiểm có thể thu được ngoại tệ thì phải bán cho ngân hàng, nhưng khi cần mua lại để tái bảo hiểm thì hết sức khó khăn. Do đó, có DN đã bàn với công ty mẹ ở nước ngoài mua bảo hiểm, ủy quyền cho họ thanh toán các khoản tái bảo hiểm và chỉ nhận về mình phần còn lại gồm phí giữ lại, hoa hồng tái (nếu có).

Trong tình trạng hiện nay, các công ty bảo hiểm khó có thể tự cân đối ngoại tệ. Một số công ty bảo hiểm lớn đã có ý thức tăng thu ngoại tệ bằng cách trao đổi tái bảo hiểm với các công ty bảo hiểm nước ngoài. Đây là cách làm hợp lý vì khi chuyển tái cho đối tác, chúng ta cũng có quyền yêu cầu đối tác tái lại, hơn nữa chúng ta hiểu đối tác nên việc đánh giá rủi ro chính xác hơn.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải nâng cao trình độ của bộ phận tái bảo hiểm và mở rộng hiểu biết thị trường nước ngoài, trước hết là thị trường châu Á, để có thể tự tin nhận tái bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm nước ngoài. Cũng phải nghĩ đến việc mở các chi nhánh ở nước ngoài để dàn mỏng rủi ro, tăng thu nhập và cân đối ngoại tệ. Để làm được việc này, cần phải sắp xếp, sáp nhập các DN bảo hiểm để tăng chất lượng cán bộ bảo hiểm, tăng vốn và có chiến lược kinh doanh rõ ràng. Có thể thành lập thêm một vài công ty tái bảo hiểm để nhận dịch vụ tái từ các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm nước ngoài, vì các công ty tái bảo hiểm nước ngoài chỉ tái cho các công ty tái bảo hiểm, họ không tái cho các công ty bảo hiểm do không kiểm soát được dịch vụ của các đơn vị này.

Nguyễn Nam Cường
Nguyễn Nam Cường

Tin cùng chuyên mục