Rút ngắn thời gian thực hiện nhiều quy định của bảo hiểm

(ĐTCK) Theo nội dung Thông tư 194/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 124/2012/TT-BTC và Thông tư 125/2012/TT-BTC… vừa được Bộ Tài chính ban hành, thời gian các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện thủ tục đổi tên doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài sẽ giảm từ 21 ngày xuống còn 14 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Từ 1/1/2016, bảo hiểm phi nhân thọ phải có chuyên gia định phí Từ 1/1/2016, bảo hiểm phi nhân thọ phải có chuyên gia định phí

Thông tư 194/2014 có hiệu lực từ 1/2/2015 cũng cắt giảm tối đa thời gian Bộ Tài chính phải có quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận cho doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh, cũng như thay đổi nội dung, phạm vi và thời gian hoạt động từ 21 ngày xuống còn 14 ngày.

Doanh nghiệp bảo hiểm muốn chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chiếm từ 10% số vốn điều lệ trở lên, thậm chí thông báo thay đổi chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, thời gian nhận được câu trả lời cũng rút xuống còn 14 ngày thay vì 21 ngày như trước đây.

Ngoài ra, theo quy định mới, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính sẽ có văn bản chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận việc bổ nhiệm thay đổi chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (trước đây là 11 ngày). Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải nêu rõ lý do. Nếu quá thời hạn trên Bộ Tài chính không có văn bản trả lời, việc bổ nhiệm, thay đổi chuyên gia này đương nhiên được chấp thuận.

Cũng theo quy định mới tại Thông tư 194/2014, trong vòng 1 năm kể từ ngày thông tư này có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài phải sử dụng chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán đáp ứng các tiêu chuẩn: là thành viên của Hội Các nhà tính toán bảo hiểm hoặc có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ (đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và chi nhánh nước ngoài), hoặc trong lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe (đối với doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe) và có tối thiểu 2 chứng chỉ tính toán được cấp bởi một trong các hội: Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Vương quốc Anh, Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Scotland, Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Hoa Kỳ, Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Úc, Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Canada… Thời hạn để thực hiện yêu cầu này trước đó là 2 năm.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, quy định rút ngắn thời gian thực hiện các quy định trên giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí và có thể bắt tay thực hiện ngay những kế hoạch mới. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp băn khoăn về quy định trong vòng 1 năm kể từ ngày Thông tư 194/2014 có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài phải sử dụng chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán đáp ứng các tiêu chuẩn khá khắt khe. Bởi theo quy định trên, từ 1/1/2016, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm sức khỏe sẽ phải thực hiện quy định này. Dù 1 năm là khoảng thời gian không ngắn, nhưng điều mà các doanh nghiệp bảo hiểm lo lắng là thị trường còn thiếu rất nhiều chuyên gia tính toán đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe như trên.

Trước đó, lo ngại sẽ xảy ra tình trạng lôi kéo chuyên gia tính toán từ doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hoặc phi nhân thọ khác bằng chế độ đãi ngộ lương bổng, tạo ra sự thiếu hụt và khó tuyển dụng người thay thế đối với doanh nghiệp bị mất người khi quy định này có hiệu lực, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã từng đề xuất, nên quy định tiêu chuẩn chuyên gia tính phí và trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và sức khỏe ngắn hạn cần ở mức thấp hơn bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe dài hạn với điều kiện có bằng cử nhân kinh tế; có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong hạch toán, kế toán, thống kê tại doanh nghiệp bảo hiểm; có chứng chỉ đào tạo tại 1 tổ chức đào tạo định phí bảo hiểm trong và ngoài nước…

Tuy nhiên, theo Thông tư 194/2014, chuyên gia tính toán được chấp thuận sẽ vẫn phải có 5 năm kinh nghiệm làm việc… Thị trường còn thiếu chuyên gia tính toán, nên các doanh nghiệp e ngại tình trạng lôi kéo các chuyên gia này có thể sẽ xảy ra.  

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục