Quản trị rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm: hướng đi bền vững

(ĐTCK) Ông Tạ Chiến, Phó tổng giám đốc PVI Re chia sẻ với ĐTCK về những kinh nghiệm trong quản trị rủi ro đối với DN bảo hiểm phi nhân thọ.
Quản trị rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm: hướng đi bền vững

Đằng sau mỗi chỉ số tài chính của DN bảo hiểm có thể ẩn chứa rủi ro, chẳng hạn như số liệu về tỷ lệ tổn thất bồi thường… Làm thế nào để soi thấy hết thông tin từ những con số để kiểm soát rủi ro tiềm ẩn nếu có, theo ông?

Do đặc thù của ngành bảo hiểm, các đơn bảo hiểm có hiệu lực và kết thúc tại các thời điểm khác nhau, nên nếu chỉ nhìn vào các con số tài chính của một DN bảo hiểm, người ta không thể thấy hết được đầy đủ bức tranh hoạt động kinh doanh, hiệu quả nghiệp vụ, cũng như xu thế phát triển của DN đó.

Ví dụ, một tỷ lệ tổn thất của ô tô là 50%, nếu được hiểu theo nghĩa thông thường, đó là, trong năm tài chính này, giả sử tổng doanh thu phí thu về là 300 tỷ đồng thì DN phải trả tiền bồi thường cho khách hàng là 150 tỷ đồng thì vẫn chưa đầy đủ. Thực chất, các con số đó còn phản ánh thêm nhiều điều khác nữa. Chẳng hạn, trong con số 150 tỷ đồng bồi thường, có nhiều vụ đã phát sinh và thuộc các hợp đồng bảo hiểm đã cấp và hoạch toán từ năm trước, đồng thời, ngoài 150 tỷ đồng đã chi trả, có thể còn nhiều hồ sơ bảo hiểm đã phát sinh nhưng chưa được giải quyết và phải được dự phòng và tính toán đầy đủ.

Bên cạnh đó, con số doanh thu phát sinh trong năm cũng cần được tính toán phí thực hưởng để có thể phản ánh phần doanh thu phù hợp với thời gian hiệu lực của hợp đồng. Ví dụ, hợp đồng bảo hiểm cấp vào tháng 12 của năm thì thực chất, phần lớn xác xuất rủi ro phát sinh theo đơn này sẽ rơi vào năm sau, do vậy, nếu tính doanh thu theo năm nghiệp vụ thì công ty bảo hiểm chỉ được hưởng doanh thu theo tỷ lệ số thời gian còn lại của năm đó.

Như vậy, số liệu doanh thu phí cũng như tỷ lệ bồi thường cần phải được thống kê theo năm nghiệp vụ để phản ánh trung thực hơn bức tranh về hiệu quả khai thác, từ đó phản ánh trung thực hơn hiệu quả khai thác của DN qua từng giai đoạn, cũng như trách nhiệm bồi thường của các DN.

 

Còn nếu nhìn vào các sản phẩm bảo hiểm, có thể thấy, trên thị trường hiện nay, DN bảo hiểm phi nhân thọ đang cung cấp các sản phẩm na ná nhau. Vậy sự khác biệt là gì?

Cùng một loại sản phẩm bảo hiểm, chẳng hạn như bảo hiểm tài sản hoặc bảo hiểm kỹ thuật, mỗi đối tượng bảo hiểm có một đặc tính, mức độ rủi ro khác nhau, đòi hỏi sản phẩm phải được thiết kế riêng biệt với các điều kiện, điều khoản phù hợp. Điều này phụ thuộc vào trình độ đánh giá rủi ro của cán bộ khai thác bảo hiểm cũng như trình độ quản lý, kinh nghiệm và năng lực tài chính của từng DN bảo hiểm.

Bên cạnh đó, không chỉ các sản phẩm bảo hiểm gốc mà các chương trình tái bảo hiểm bảo vệ cũng cần được thiết kế phù hợp, để vừa đảm bảo quản lý tốt về mặt rủi ro cho công tác khai thác sản phẩm gốc, đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh của DN bảo hiểm.

Quản trị rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm: hướng đi bền vững ảnh 1Bán bảo hiểm là bán lời hứa và muốn giữ lời hứa, DN bảo hiểm phải có năng lực tài chính mạnh và cơ chế quản lý rủi ro tốt

 

Ông có thể làm rõ hơn về vấn đề năng lực tài chính của các DN liên quan đến việc quản lý rủi ro?

Bán bảo hiểm là bán lời hứa. Trách nhiệm bồi thường mà tôi muốn nhắc đến ở đây không nhắm đến việc “mua dễ, khó đòi” mà chủ yếu liên quan đến cơ chế quản lý rủi ro của DN bảo hiểm trên cơ sở vốn điều lệ, tổng tài sản, kết hợp với các chương trình tái bảo hiểm bảo vệ… để có thể hiện thực hóa lời hứa với khách hàng.

Chẳng hạn, có DN bảo hiểm A chỉ sở hữu mức vốn 300 tỷ đồng, nhưng lại cấp đơn bảo hiểm cho các rủi ro với mức trách nhiệm tích tụ lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Như vậy, nếu không may xảy ra sự cố bồi thường mang tính thảm họa lớn thì việc thực hiện trách nhiệm bồi thường sẽ ra sao? Ai sẽ đứng ra kiểm soát điều này?

Do vậy, các cơ quan quản lý cần có những nghiên cứu, phân loại các DN bảo hiểm, áp dụng các quy định về phạm vi khai thác sao cho phù hợp với năng lực của các DN này, để có thể bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong trường hợp xấu nhất, đồng thời giúp cho thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn, ổn định hơn.

 

Về năng lực quản lý rủi ro của DN bảo hiểm, dường như thị trường vẫn đang thiếu hẳn một đội ngũ chuyên gia quản lý và đánh giá rủi ro chuyên nghiệp? Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Vấn đề thiếu hụt nhân sự được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này vẫn luôn là một khó khăn đối với các DN. Khi thiếu các cơ sở đánh giá rủi ro, thiếu các tính toán thống kê đầy đủ trên cơ sở rủi ro phù hợp với từng DN thì việc định phí vẫn chủ yếu dựa trên cơ sở kinh nghiệm và áp lực cạnh tranh trên thị trường. Đó cũng lý do vì sao, một số nghiệp vụ như bảo hiểm ô tô xe máy, tài sản, thân tàu, P&I…, DN biết lỗ nhưng vẫn làm và cạnh tranh khốc liệt bằng cách giảm phí, tăng chi phí bán hàng…

Do vậy, thách thức đối với các DN là làm sao có được một hệ thống công nghệ thông tin tốt, có các chuyên gia tính toán, khả năng đánh giá và quản lý rủi ro chuyên nghiệp. Đó là những rào cản mà các DN không dễ gì giải quyết trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, đó chính là những mục tiêu và định hướng đối với các DN có chiến lược phát triển lâu dài.

Quản trị rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm: hướng đi bền vững ảnh 2

Quản trị rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm: hướng đi bền vững ảnh 3

Quản trị rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm: hướng đi bền vững ảnh 4

 

Ngay từ năm hoạt động đầu tiên (2012), PVI Re đã nhanh chóng đạt mức doanh thu phí tái bảo hiểm trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2013, Công ty đặt mục tiêu đạt trên 1400 tỷ đồng doanh thu phí. Hiện PVI Re đã xây dựng được bộ máy nhân sự chuyên nghiệp, năng động, thiết lập và củng cố quan hệ hợp tác vững chắc với các khách hàng trong nước và quốc tế. Năm 2013, PVI Re tiếp tục duy trì chỉ số tín nhiệm an toàn B+ (Tốt) của A.M. Best, và được điều chỉnh mức kỳ vọng là “Tích cực”, tạo điều kiện cho việc nâng hạng trong những năm tiếp theo. Điều này càng khẳng định uy tín và thương hiệu của một công ty tái bảo hiểm chuyên nghiệp tại Việt Nam và trong khu vực. Thành công của PVI Re không chỉ là việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mà còn hướng tới mục tiêu trở thành nhà tái bảo hiểm hàng đầu, cung cấp năng lực nhận tái, cùng các giá trị gia tăng cho khách hàng, góp phần định hướng sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả.

Trang Đức thực hiện.
Trang Đức thực hiện.

Tin cùng chuyên mục