Quản trị rủi ro: Khối bảo hiểm phi nhân thọ mới... khởi động

(ĐTCK) Đánh giá về việc thực hiện quản trị rủi ro tại các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ Việt Nam hiện nay, các chuyên gia của Công ty Kiểm toán Ernst & Young (EY) Việt Nam cho rằng, đa số các DNBH phi nhân thọ Việt Nam mới đang ở giai đoạn khởi đầu trong lộ trình quản trị rủi ro.
Nhiều DNBH phi nhân thọ đang đối phó với rủi ro nhiều hơn là kiểm soát nó Nhiều DNBH phi nhân thọ đang đối phó với rủi ro nhiều hơn là kiểm soát nó

Trong khi đó, với khối bảo hiểm nhân thọ, khối được cho là có hệ thống quản trị tốt trên thị trường, vẫn có những hiểu lầm rằng, nếu có chuyên gia định phí bảo hiểm và tài chính (actuary) thì sẽ quản trị cả hệ thống rủi ro. Tuy nhiên, EY Việt Nam cho biết, công việc của các chuyên gia này không hoàn toàn là quản trị rủi ro, nó chỉ là một phần nhỏ trong khung quản trị rủi ro mà thôi.

Tại Hội thảo thường niên ngành bảo hiểm năm 2015 do Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm (IRT) và EY Việt Nam đồng tổ chức mới đây, các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Hội nhập sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển, giúp ngành bảo hiểm có thêm cơ hội mở rộng thị trường. Tuy nhiên, các DNBH tại Việt Nam chắc chắn sẽ chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ phía các DNBH nước ngoài và có nhiều kinh nghiệm, có hệ thống quản trị mạnh và có công nghệ tiên tiến.

Theo ông Saman Bandara, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, ngành bảo hiểm Việt Nam đã và đang phát triển tương đối tốt so với một số ngành khác, nhưng đã đến lúc cần nhìn lại những rủi ro nào có thể gây bất lợi cho mình.

“Dù chưa thể đánh giá hết tác động tích cực và tiêu cực khi Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại, nhưng khi tham gia vào những sân chơi này, các DNBH Việt Nam cần thể hiện mình là những doanh nghiệp có năng lực trên thị trường và phải sẵn sàng nguồn lực để đối phó với những thách thức cạnh tranh của khu vực”, ông Saman Bandara nói.

Bà Nguyễn Thanh Nga, Giám đốc IRT cho biết, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm vừa có một cuộc khảo sát tại 29 DNBH  phi nhân thọ về mô hình hoạt động quản trị rủi ro, trong đó có khảo sát hệ thống cơ chế chính sách quản trị doanh nghiệp.

Theo bà Nga, dù các doanh nghiệp đều ban hành đầy đủ các quy trình nghiệp vụ quản lý đại lý đầu tư tài chính, các DNBH lớn có vốn đầu tư nước ngoài có quy trình kiểm soát, bám sát quy trình nghiệp vụ, bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện rà soát định kỳ quy trình kiểm soát… Tuy nhiên, tại nhiều DNBH, quy trình nghiệp vụ vẫn còn mang tính hình thức đối phó, thiếu hướng dẫn quy định cụ thể, việc tuân thủ vẫn còn lơ là vì mục tiêu buông lỏng doanh thu.

Trong khi đó, hệ thống quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ còn chưa thực sự hiệu quả, nhân sự thực hiện chức năng này còn chưa được chú trọng và hoạt động chưa thực sự độc lập…. Thực tế, bộ phận có chức năng quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ mới chỉ được một số DNBH quan tâm thiết lập (15/28 doanh nghiệp có bộ phận quản lý rủi ro, 16/28 doanh nghiệp có bộ phận kiểm soát tuân thủ…). Ngoài ra, hệ thống công nghệ thông tin của nhiều DNBH phi nhân thọ chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị doanh nghiệp và phục vụ phát triển kinh doanh….

Trao đổi với ĐTCK về vấn đề các DNBH phi nhân thọ đang đứng ở đâu trong lộ trình đề xuất của EY Việt Nam về quản trị rủi ro (gồm 5 bước: hiện trạng, khởi đầu, định hình, quản lý và ổn định), ông Saman Bandara thẳng thắn, các doanh nghiệp này mới đang ở vị trí khởi đầu.

“Có nhiều góc nhìn khác nhau về kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro. Có doanh nghiệp cho rằng, mình đã đủ những yêu cầu đó, nhưng bên độc lập nhìn vào sẽ thấy vấn đề khác. Có doanh nghiệp dù đã có bộ quy chuẩn về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, nhưng đôi khi nó không được áp dụng đúng trong cơ chế. Thậm chí, có những lãnh đạo cấp cao trong một số doanh nghiệp còn chưa nhận thức đầy đủ giá trị của quản trị rủi ro”, ông Saman Bandara nói và cho biết: “Thực tế, nhiều DNBH phi nhân thọ đang đối phó với rủi ro nhiều hơn là kiểm soát nó”.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục