Nợ phí bảo hiểm, hai trường hợp trái ngược

(ĐTCK) Vừa qua, TAND Tối cao đã từ chối đơn kháng nghị bản án phúc thẩm của Công ty Hoàng Phát trong một vụ kiện đòi bồi thường bảo hiểm hỏa hoạn với Công ty Bảo hiểm Petrolimex Bình Định (PJICO Bình Định).
Nợ phí bảo hiểm, hai trường hợp trái ngược

Nguồn cơn của tranh chấp là do việc đóng phí bảo hiểm không đúng quy định, một nguyên nhân dẫn đến rất nhiều vụ tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm.

Luật quy định, nợ phí không được bồi thường

Theo quy định hiện hành, nhà bảo hiểm chỉ được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm khi khách hàng đã nộp phí và khi đó trách nhiệm bảo hiểm mới phát sinh. Quy định thì đơn giản như vậy, song thực trạng của việc cho nợ phí, dẫn đến tranh chấp muôn hình vạn trạng và kéo dài nhiều năm, qua nhiều cấp xét xử, khiến các DN bảo hiểm không chỉ tốn thời gian và nhân sự theo đuổi vụ kiện, mà còn ảnh hưởng hình ảnh, uy tín đối với khách hàng.

Trở lại vụ việc của Công ty Hoàng Phát và PJICO Bình Định, năm 2006, hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn được hai bên ký kết. Theo đó, PJICO Bình Định nhận bảo hiểm rủi ro tài sản và hàng hóa cho Công ty Hoàng Phát theo quy tắc bảo hiểm trong thời gian 12 tháng kể từ ngày 1/5/2006 và phí bảo hiểm phải nộp vào ngày 5/5/2006; quá kỳ hạn 10 ngày mà không nộp phí, hợp đồng đương nhiên không còn hiệu lực. PJICO Bình Định đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho Công ty Hoàng Phát, trong đó có ghi rõ: “Giấy chứng nhận bảo hiểm này có hiệu lực với điều kiện người được bảo hiểm cam kết trả phí bảo hiểm cho PJICO Bình Định”.

PJICO Bình Định xuất hóa đơn thu tiền phí và chiều 25/7/2006, Công ty Hoàng Phát đóng phí qua ủy nhiệm chi; thực tế, đến 15h ngày 26/7/2006, số phí này mới nhập về tài khoản của PJICO Bình Định. Trong khi đó, 0h30 phút ngày 26/7/2006, kho gỗ của Công ty Hoàng Phát bùng cháy.

Phía khách hàng đòi bồi thường 6,7 tỷ đồng, bởi vì PJICO Bình Định đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, trách nhiệm bảo hiểm đã phát sinh, song phía PJICO Bình Định từ chối với lý do không nộp phí đúng hạn, hợp đồng không còn hiệu lực. Công ty Hoàng Phát đã khởi kiện, tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc PIJICO Bình Định phải bồi thường. Tuy nhiên, tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện. Không chấp nhận kết quả phiên tòa phúc thẩm, Công ty Hoàng Phát đã có đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm, nhưng bị TAND Tối cao bác đơn.

Theo TAND Tối cao, Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng DN bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng. Trong vụ tranh chấp này, các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng rằng, việc PJICO Bình Định cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho Công ty Hoàng Phát được xem là bằng chứng DN bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm, nhưng cũng thỏa thuận ngày nộp phí và nếu quá thời hạn 10 ngày thì hợp đồng không còn hiệu lực. Do Công ty Hoàng Phát nộp phí quá thời hạn, nên hợp đồng không còn hiệu lực và DN bảo hiểm không phải bồi thường.

 

… trừ trường hợp có thỏa thuận khác

Một trường hợp tương tự, khách hàng chậm nộp phí, giấy chứng nhận bảo hiểm đã được cấp, sau khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, khách hàng mới nộp phí. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nhà bảo hiểm đã phải bồi thường.

Vụ việc bắt đầu từ năm 2008, khi đầu kéo và rơ mooc của CTCP Thương mại dịch vụ và vận tải Thuận An (Thuận An) gặp tai nạn dẫn đến hư hỏng nặng cả về xe và hàng hóa. Hai phương tiện này đều đã được Công ty Thuận An mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) và được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, song chưa nộp phí. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Công ty Thuận An đã báo cho BIC và gần 1 tháng sau mới nộp phí bảo hiểm. BIC từ chối bồi thường với lý do Công ty Thuận An chưa nộp phí bảo hiểm. Phía Công ty Thuận An khởi kiện ra tòa. Tòa án cấp sơ thẩm bác đơn khởi kiện, nhưng Công ty Thuận An không chấp nhận vì cho rằng, BIC đã chấp nhận việc nộp phí chậm, việc thông báo thu phí, họ không biết. Đến cấp phúc thẩm, tòa án chấp nhận đơn kháng cáo, sửa án sơ thẩm, buộc BIC phải bồi thường cho khách hàng.

BIC đã có đơn đề nghị giám đốc thẩm, nhưng TAND Tối cao cho rằng, không có căn cứ để kháng nghị án phúc thẩm. Bởi vì, trong trường hợp này, giấy chứng nhận bảo hiểm được xem là hợp đồng bảo hiểm, BIC cho rằng đã có thông báo từ ngày 26/11/2007 yêu cầu Công ty Thuận An nộp phí trong thời hạn 15 ngày, song BIC không cung cấp được bằng chứng về việc đã phát hành văn bản này. Hơn nữa, Quy tắc bảo hiểm của BIC có quy định, DN chỉ cấp giấy chứng nhận khi chủ xe cơ giới đã đóng đủ phí bảo hiểm, trừ khi có thỏa thuận bằng văn bản khác. Thực tế, BIC đã cấp giấy chứng nhận khi khách hàng chưa nộp phí, nên được coi là trường hợp có thỏa thuận khác: thỏa thuận cho người mua bảo hiểm được chậm nộp phí.

 

Cần kiên quyết với tình trạng nợ phí

Mặc dù nợ phí dẫn đến nhiều hậu quả, mà trong đó có những vụ kiện kéo dài nhiều năm về tranh chấp bồi thường, về đòi nợ phí, nhưng thực tế do cạnh tranh, giành khách, nhiều DN bảo hiểm chưa thực sự “cứng rắn” với nợ phí. Lãnh đạo các DN bảo hiểm đều khẳng định, không cho khách hàng nợ phí bảo hiểm, nhưng khi triển khai ở cấp cơ sở, không ít trường hợp không tuân thủ chủ trương này.

Khi có tranh chấp về bồi thường, mà nguyên nhân xuất phát từ lý do nộp phí chậm, thì Điều 15, Luật Kinh doanh bảo hiểm nêu trên thường được viện dẫn. Tuy nhiên, xét cụ thể tình tiết các vụ tranh chấp, không chỉ đơn giản là không nộp phí thì hợp đồng sẽ hết hiệu lực và không phải bồi thường. Hai vụ việc tranh chấp nêu trên kéo dài nhiều năm và đến gần đây mới kết thúc cho thấy sự phức tạp và vai trò quan trọng của các thỏa thuận khác trong giấy chứng nhận bảo hiểm, trong quy tắc bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm. Đặc biệt, hợp đồng bảo hiểm được coi là hết hiệu lực khi khách hàng không nộp phí đúng thời hạn quy định, nhưng khi DN bảo hiểm đã thu khoản phí bị chậm đó, tức là DN chấp nhận khôi phục hiệu lực hợp đồng.      

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục