Nhân sự bảo hiểm cấp cao vẫn “vòng quanh”

(ĐTCK) Sự xuất hiện của nhà bảo hiểm mới mang tên HD khiến câu chuyện nhân sự cao cấp của ngành lại nóng.
Đang có xu hướng “nội địa hóa” nhân sự cao cấp ngành bảo hiểm. Đang có xu hướng “nội địa hóa” nhân sự cao cấp ngành bảo hiểm.

Theo thông tin được công bố, CEO của bảo hiểm HD (phi nhân thọ) vẫn là gương mặt quen thuộc của ngành, ông Nguyễn Khắc Dũng, người cũ của PVI.

Ông Dũng được coi là nhà lãnh đạo có bản lý lịch trích ngang khá đẹp trong ngành. Cụ thể, ông Dũng từng giữ nhiều vị trí điều hành, quản trị quan trọng trong hệ thống PVI (bao gồm Công ty cổ phần PVI, PVI Re - công ty hoạt động trong lĩnh vực tái bảo hiểm, PVI Sunlife - hoạt động trong mảng bảo hiểm nhân thọ, sau khi bán hết cho Sunlife đổi tên thành SunLife Việt Nam).

Bảo hiểm HD được cấp phép thành lập hôm 19/5 bởi Bộ Tài chính. Ðây cũng là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đầu tiên được thành lập kể từ sau khi thị trường bảo hiểm có thêm Bảo hiểm OPES (một công ty liên kết của VPBank) vào năm 2018.

Ví trí Chủ tịch Hội đồng thành viên là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Ðông Nam Á, bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Bảo hiểm HD là thành viên mới nhất trong gia đình mang tên HD của bà Thảo gồm HDBank, HD Saison, HDBS, bên cạnh các thành viên khác như Vietjet, Phú Long, Sovico…

Vì thuộc “gia đình” HD nên không ngạc nhiên khi thành lập, bảo hiểm HD đã có vốn điều lệ đăng ký tới 1.800 tỷ đồng, vượt qua cả mức vốn của một số hãng bảo hiểm lâu năm như BIC (1.173 tỷ đồng), PJICO (887 tỷ đồng), PTI (804 tỷ đồng)…

Và trong mắt giới tài chính tại Việt Nam, “không nên coi bảo hiểm HD là doanh nghiệp mới”, và “đây chỉ là mảnh ghép thêm cho hệ sinh thái lĩnh vực tài chính của HD”, vì tiềm lực và kinh nghiệm ngành tài chính của bà Thảo đã được chứng minh trên thực tế.

Quay lại với câu chuyện nhân sự, ngoài ông Dũng thì một người cũ khác của PVI là ông Nguyễn Quang Vinh (từng là Phó tổng giám đốc PVI) cũng về đầu quân cho bảo hiểm HD.

Hai lãnh đao cao cấp đã xuất hiện và sẽ không ngạc nhiên nếu có các lãnh đạo cao cấp và trung cấp khác với CV chục năm kinh nghiệm từ các hãng bảo hiểm khác cũng về đầu quân.

Liên quan tới nhân sự ngành bảo hiểm, tại OPES - công ty bảo hiểm phi nhân thọ có vốn góp của VPBank, ông Nguyễn Văn Hảo cũng rời khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này để chuyển sang làm cho một nhà băng.

Ở mảng nhân thọ, đang chú ý nhất tất nhiên vân vẫn là ông Phương Tiến Minh, người mang quốc tịch Việt đầu tiên đảm nhiệm vị trí CEO của Prudential - công ty bảo hiểm nhân thọ số 1 nhiều năm trên thị trường bảo hiểm Việt. Ông Minh thay thế cho ông Clive Baker, CEO Prudential Việt Nam sau gần 2 năm tại vị.

Trước ông Minh, có một người Việt khác (Việt kiều Canada) là ông Huỳnh Thanh Phong - CEO đầu tiên của Prudential Việt Nam, người có công rất lớn đưa Prudential trở thành một “thế lực” trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.

Ông Huỳnh Thanh Phong hiện là CEO của Bảo hiểm FWD, công ty mà năm ngoái gây xôn xao thị trường khi ký thương vụ độc quyền phân phối bảo hiểm qua Vietcombank với giá trị 400 triệu USD.

Với ông Minh, xét về kinh nghiệm làm việc, ông Minh cũng là “gương mặt thân quen” của ngành bảo hiểm Việt Nam và mở rộng hơn là ngành tài chính Việt Nam.

Sau thời gian là Phó tổng giám đốc Prudential Việt Nam, ông Minh chuyển sang HSBC Việt Nam trên cương vị Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ và quản lý tài sản.

Một gương mặt lãnh đạo khá quen khác của thị trường là ông Nguyễn Khắc Thành Ðạt, sau khi rời ghế Phó tổng giám đốc Chubb Life thì cũng đã có ngay một “bến đỗ” mới, giữ vị trí tương tự tại một công ty bảo hiểm khác.

Theo CEO của một công ty bảo hiểm, việc “xuất khẩu rồi lại nhập khẩu”, chạy lòng vòng thì ngành nào cũng vậy, nhưng ngành bảo hiểm thì có vẻ nổi bật hơn do vẫn chưa hết khan hiếm nhân sự cấp cao. Tuy nhiên, rất đáng chú ý là xu hướng “nội địa hóa” vị trí cao cấp của ngành bảo hiểm (quốc tịch Việt Nam hoặc Việt kiều).

Nếu theo dõi thị trường bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt là khối nhân thọ với sự áp đảo tuyệt đối của khối ngoại (chỉ có Bảo Việt Nhân thọ là doanh nghiệp Việt), thì những cuộc phỏng vấn báo chí không cần phiên dịch đã chiếm đa số.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục