Mùa dịch, ngành bảo hiểm vẫn phải lo khâu đào tạo

(ĐTCK) Đặc thù ngành bảo hiểm là nhân viên bán hàng luân chuyển liên tục, đào tạo (hay huấn luyện) là việc buộc phải làm, kể cả tháng dịch.
Mùa dịch, ngành bảo hiểm vẫn phải lo khâu đào tạo

Các công ty bảo hiểm nhân thọ duy trì họp hành, hỗ trợ lực lượng đại lý theo hình thức trực tuyến, đó là việc bình thường trong thời gian cách ly xã hội, hạn chế tụ tập đông người vừa qua.

Nhưng ngành bảo hiểm năm nay, với sự xuất hiện mạnh mẽ của các đại lý phân phối bảo hiểm, cũng đang tự giới thiệu các chương trình đào tạo online như một cách tiếp thị chính mình mùa dịch.

Theo khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán, đào tạo online ngành bảo hiểm thường khá quy mô, thuê các đơn vị đào tạo chuyên ngành bảo hiểm thực hiện.Bà Nguyễn Thu Hồng Hạnh, Giám đốc tuyển sinh Học viện Đào tạo bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM) cho biết, khi dịch Covid-19 xảy ra, IFRM đã đưa ra các chương trình đào tạo trực tuyến thay thế các chương trình đào tạo thông thường để có thể phục vụ nhu cầu học tập tại nhà cho các đại lý bảo hiểm nhân thọ trên toàn thị trường nhằm nắm kiến thức vững chắc phục vụ cho nghề nghiệp.

“Dẫu khó, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để có thể cung cấp các khóa học miễn phí được đào tạo bởi các chuyên gia hàng đầu, từ các lớp nguyên lý bảo hiểm cho đến các lớp về pháp lý bảo hiểm và cả những lớp về tài chính vĩ mô”, bà Hạnh cho biết.

Theo tổng hợp từ IFRM, trong gần 2 tháng qua, học viện đã đào tạo gần 2.000 lượt học viên đến từ nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ, cũng như công ty đại lý tổ chức tham gia các lớp học.

Ông Phan Quốc Tuấn, Giám đốc Viện Phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm (HDI) thì cho biết: “Viện cũng đã mở thêm kênh đào tạo online trong mùa dịch và mở 1 lớp online với hơn 100 người đăng ký học. Chúng tôi đào tạo nhắm tới đối tượng đã đi làm trong ngành bảo hiểm, cung cấp kiến thức chuyên môn giúp học viên làm nghề một cách chuẩn mực và bền vững, tránh được những rủi ro nghề nghiệp cho bản thân và giúp đỡ khách hàng hiệu quả nhất”.

Ông Tuấn nói và chia sẻ thêm, sắp tới sẽ có lớp đào tạo chương trình đặc biệt dành cho đối tượng là đại lý bảo hiểm và tư vấn bảo hiểm, có nội dung chương trình đào tạo lần đầu tiên được dạy ở Việt Nam.

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, nhưng chất lượng tư vấn của các đại lý bảo hiểm còn hạn chế.

Do đó, việc tập trung học tập nâng cao chất lượng tư vấn của các đại lý bảo hiểm nhân thọ luôn là yêu cầu bắt buộc.

LS. Phạm Hoàng Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM), một những luật sư chuyên tranh tụng trong lĩnh vực về bảo hiểm tại Việt Nam cho biết, kiến thức thiếu vững chắc về lĩnh vực pháp lý khiến cho nhiều đại lý bảo hiểm nhân thọ không hoàn toàn hiểu được rủi ro tư vấn nghiêm trọng như thế nào cho đến khi xảy ra các vụ tranh chấp bảo hiểm tại tòa mà hậu quả không hề nhỏ.

“Do đó, khi dịch, tôi vẫn nhận lời giảng về chuyên đề pháp lý bảo hiểm cho các anh chị em đại lý bảo hiểm nhân thọ và không nhận thù lao vì đây là một việc làm cần thiết có giá trị thiết thực đóng góp cho ngành”, LS. Sang cho biết.

Tuy nhiên, khó khăn của dịch Covid-19 cũng bộc lộ những vấn đề của đào tạo trong ngành bảo hiểm.

Theo ông Phan Quốc Tuấn, việc đào tạo online khiến cơ sở đào tạo phải thêm chi phí cho giáo trình huấn luyện một cách phù hợp, nhưng đáng chú ý là tình trạng giảm thu nhập bảo hiểm khiến một số doanh nghiệp cũng cắt giảm chi phí này.            

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục