MIC thắng kiện trong vụ chìm tàu Thanh Phong

(ĐTCK) Tòa án nhân dân tối cao Hà Nội ngày 20/8 đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện đòi bồi thường bảo hiểm giữa Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty Thanh Phong, liên quan đến vụ chìm tàu Thanh Phong 36 xảy ra tháng 12/2009.
MIC thắng kiện trong vụ chìm tàu Thanh Phong

Thiếu sót của Thanh Phong

Tại Tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân chỉ ra thiếu sót của Công ty Thanh Phong là thiếu bản kháng nghị hàng hải (đơn trình bày sự kiện bảo hiểm - PV) gửi Cảng vụ Hải Phòng, một yếu tố quan trọng để tiến hành xem xét giải quyết bồi thường. Bởi theo quy định liên quan đến giải quyết bồi thường bảo hiểm, trong vòng 24 giờ xảy ra tổn thất bảo hiểm, thuyền trưởng phải có trách nhiệm gửi văn bản này tới Cảng vụ Hải Phòng như một căn cứ chứng minh là đã xảy ra tai nạn, cũng như chứng minh được danh tính của thuyền trưởng.

MIC thắng kiện trong vụ chìm tàu Thanh Phong ảnh 1

Tại phiên phúc thẩm, Tòa đã bác yêu cầu đòi bồi thường của Công ty Thanh Phong

“Không có bản kháng nghị này cũng đồng nghĩa với việc không có sự kiện tai nạn xảy ra, cũng có nghĩa là không có sự kiện được bảo hiểm. Mà nếu không có thuyền trưởng (vì đến nay còn chưa chốt ai là thuyền trưởng - PV) thì lấy đâu ra văn bản này”, thẩm phán Nguyễn Thị Bạch Linh nói.

Đại diện Công ty Thanh Phong, bà Trần Thị Hải Yến cho biết, văn bản này hiện vẫn chưa có, còn phải chờ!

 

Thanh Phong mong nhận được sự chia sẻ

Việc thiếu định biên về thuyền viên được xem là điểm “nóng” nhất trong phần xét hỏi cũng như tranh luận tại phiên tòa. Theo MIC, sau khi tàu chìm, Giám đốc Công ty Thanh Phong, ông Trần Văn Chấp đã thay đổi và hợp thức hóa các chức danh định biên an toàn của tàu Thanh Phong tại thời điểm xảy ra tai nạn để làm giả danh sách thuyền viên. Cụ thể, do trên tàu không có thuyền trưởng, sĩ quan máy, sĩ quan booong, nên ông Chấp đã hợp thức hóa bằng việc đưa vào danh sách mới những người có trình độ chuyên môn và chức danh phù hợp theo quy định bắt buộc, nhằm hợp thức hóa yêu cầu.

Trước chứng cứ, lập luận của MIC và luật sư, cùng những xét hỏi chi tiết của Hội đồng xét xử, đại diện Công ty Thanh Phong đã thừa nhận sai sót về quy trình bố trí thuyền viên, nhưng cho rằng, chỉ nên xem đây là sai sót về mặt hành chính, chịu án phạt khoảng 30 triệu đồng, chứ MIC không có quyền từ chối bồi thường.

Đại diện Công ty Thanh Phong nói thêm: “Khi tham gia ký hợp đồng bảo hiểm, Công ty không được MIC giải thích cũng như tư vấn rõ ràng, nên không tường tận các điểm thuộc phạm vi loại trừ. MIC không phải là không có lỗi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thiện chí khi nhận lỗi của mình. Ngay sau khi mua bảo hiểm đã có tổn thất xảy ra, Công ty mong nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của MIC để khắc phục khó khăn hiện tại”.

Phản bác quan điểm trên, phía đơn vị tư vấn pháp lý cho MIC, bà Nguyễn Thị Hằng Nga (Công ty Luật Hằng Nga) nhận xét, ý kiến của đại diện Thanh Phong còn chủ quan, duy ý chí, không phù hợp với thực tế.

“Phía nguyên đơn cho rằng, MIC không giải thích rõ là không thể chấp nhận được. Bản thân khách hàng khi đặt bút ký mua bảo hiểm với DN là phải có trách nhiệm tìm hiểu rõ các nội dung có trong hợp đồng. Tôi khẳng định, ở đây, MIC không hề có lỗi”, bà Nga nhấn mạnh.

Đáp lời nguyên đơn về việc bồi thường cũng như trả lời thêm câu hỏi của thẩm phán Nguyễn Thị Bạch Linh về việc liệu MIC có bồi thường một phần, ông Vũ Dương Quý, Giám đốc Ban hàng hải MIC khẳng định, những sai sót nghiêm trọng thuộc phạm vi ngoại trừ bảo hiểm trong Quy tắc của MIC càng khẳng định rõ thêm hành động cẩu thả của Thanh Phong (bên mua bảo hiểm), nên không thể khiến MIC bồi thường được.

Liên quan đến đề nghị mong mỏi nhận được sự chia sẻ của Thanh Phong, bà Linh cho rằng, để mọi chuyện được đem ra tòa như thế này mới đề cập đến “chia sẻ” là không hợp lý. Sự chia sẻ chỉ thực sự có ý nghĩa khi hai bên thỏa thuận từ đầu.

 

Toà phúc thẩm tuyên MIC thắng kiện

Sau khi nghị án, ông Nguyễn Đức Nhận, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố, trên cơ sở ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cùng diễn biến lời khai của các đương sự, Tòa đã đi đến quyết định chấp nhận sửa bản án sơ thẩm do Tòa án nhân dân Hải Phòng tuyên ngày 16/12/2011 theo đơn kháng cáo của MIC, đồng thời bác yêu cầu của Công ty Thanh Phong về việc yêu cầu MIC bồi thường hơn 6,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm liên quan đến vụ chìm tàu Thanh Phong 36 xảy ra từ tháng 12/2009.

Kim Lan
Kim Lan

Tin cùng chuyên mục