Mạnh tay với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ảo

(ĐTCK) Vài năm trở lại đây, dù kinh tế vĩ mô không thuận lợi nhưng ngành bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu ổn định ở mức khá cao.
Hợp đồng ảo gây thiệt hại cho khách hàng và chính các công ty bảo hiểm Hợp đồng ảo gây thiệt hại cho khách hàng và chính các công ty bảo hiểm

Tuy nhiên, những vấn nạn đang tồn tại trong ngành như hợp đồng ảo đang là một thách thức lớn, đe dọa đến tăng trưởng lợi nhuận của các DN trong ngành.

Số liệu thống kê do Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, hoạt động khai thác mới của các DN bảo hiểm nhân thọ năm 2011 đạt kết quả khả quan so với năm 2010. Trong đó, số lượng hợp đồng khai thác mới tăng 12,6%; doanh thu phí khai thác mới tăng 28%. Phí bảo hiểm bình quân của hợp đồng mới tăng 7,9% so với năm 2010. Các DN bảo hiểm nhân thọ đều đạt được tốc độ tăng trưởng tốt.

Doanh thu của các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới vẫn liên tục tăng trưởng dù kinh tế vĩ mô khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề khiến các DN bảo hiểm đang phải đau đầu là làm sao để duy trì hiệu lực và kiểm soát tốt những hợp đồng mới, tránh tình trạng hợp đồng ảo. Đây là vấn nạn ở không ít DN bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt trong năm 2010, số lượng hợp đồng ảo tăng khá nhanh, gây thất thu cho các DN. Bởi theo tính toán của các DN bảo hiểm, một hợp đồng bảo hiểm tồn tại dưới 2 năm không chỉ thiệt hại cho khách hàng mà cũng gây tổn thất tài chính cho chính các công ty bảo hiểm.

Đại diện một DN bảo hiểm nhân thọ lớn thừa nhận, để tăng số lượng hợp đồng thực hiện, tăng doanh thu, từ đó tăng hoa hồng nhận được, một số đại lý bảo hiểm đã có mánh khóe tạo ra những hợp đồng ảo (khai man tên tuổi, địa chỉ khách hàng) hoặc cao tay hơn là bán hợp đồng cho nhau để cùng trục lợi (đại lý này đứng tên hợp đồng cho đại lý khác)… Những hợp đồng này thường được đại lý cố gắng đóng phí để duy trì hết năm thứ nhất để đại lý lĩnh trọn số hoa hồng năm đầu và các khoản thưởng tăng doanh số khác. Thậm chí, có đại lý còn đóng phí để duy trì những hợp đồng dạng này đến hết năm thứ 2 mới thông báo hủy hợp đồng để lấy giá trị hoàn lại. Những hợp đồng ảo thường rơi vào những sản phẩm bảo hiểm thuộc dòng liên kết chung vì có tỷ lệ hoa hồng khá cao, khoảng 40%. Đây cũng là sản phẩm đang được ưu chuộng trên thị trường.

Sau một thời gian bị các đại lý qua mặt, giờ đây, các DN bảo hiểm đã cảnh giác cao độ và khi nhận thấy có dấu hiệu gian lận của đại lý/tư vấn như số hợp đồng, phí bảo hiểm thay đổi bất thường…, DN sẽ tiến hành điều tra. Tùy theo mức độ vi phạm, DN sẽ có những hình thức xử phạt như: cảnh cáo, thu hồi hoa hồng và các khoản thưởng, đình chỉ công tác, chấm dứt hợp đồng và đưa vào “danh sách đen”… Đến nay, tình hình hợp đồng ảo đã được cải thiện nhất định. Tuy nhiên, việc tạo ra những hợp đồng ảo có xu hướng tinh vi hơn để tránh bị phát hiện. Thực tế, sau khi phát hiện ra sự gian lận của đại lý dù có đưa ra những hình thức kỷ luật thích đáng trong nội bộ DN nhưng thực tế  vì nhiều nguyên nhân, chưa có DN bảo hiểm nào công khai việc xử lý các đại lý hay tư vấn bảo hiểm vi phạm. Do đó, các đại lý/tư vấn bảo hiểm này sau khi bị cho nghỉ việc ở công ty A vẫn có thể vào làm ở công ty B và tiếp tục hành động gian lận.

Để an toàn hơn cho những hợp đồng mới, hiện một vài DN bảo hiểm đã triển khai chương trình kiểm tra khách hàng. Theo đó, trong thời hạn xem xét hợp đồng, sẽ có một bộ phận dịch vụ khách hàng liên hệ với chủ hợp đồng nhằm xác nhận lại một số thông tin khách hàng đã khai trong giấy yêu cầu bảo hiểm, lắng nghe nhu cầu và mong muốn thực tế của khách hàng khi tham gia bảo hiểm… “Cùng với những biện pháp trên, các DN bảo hiểm cũng yêu cầu bộ phận quản lý đại lý phải đưa ngay vào “tầm ngắm” và có quy chế giám sát chặt chẽ hơn với những hợp đồng có vấn đề”, đại diện một DN bảo hiểm chia sẻ.

Gia Linh
Gia Linh

Tin cùng chuyên mục