“Loạn” khuyến mãi phí bảo hiểm xe máy bắt buộc

(ĐTCK) Theo luật định, DN bảo hiểm không được khuyến mãi sản phẩm bảo hiểm bắt buộc xe máy dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, hàng loạt sản phẩm này của nhiều công ty bảo hiểm… vẫn ngang nhiên được rao bán giảm giá công khai trên các diễn đàn trực tuyến.
“Loạn” khuyến mãi phí bảo hiểm xe máy bắt buộc

Khoan bàn về những lợi ích mà khách hàng, DN và các chủ thể liên quan được hưởng từ chiêu thức này, nhưng có thể thấy, chiêu khuyến mãi theo kiểu combo, voucher kể trên dù có xuất phát từ chủ trương giảm giá của DN bảo hiểm, đại lý hay một chủ thể nào đó đang cho thấy sự hỗn loạn trong áp phí bảo hiểm bắt buộc. Theo Thông tư số 126/2008/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Thông tư 126) cũng như tại Thông tư 151/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 126 và Thông tư số 103/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán quỹ bảo hiểm xe cơ giới vừa được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/11 tới thì DN bảo hiểm không được khuyến mãi sản phẩm bảo hiểm xe máy bắt buộc dưới mọi hình thức, nghĩa là phải bán đúng giá 66.000 đồng/năm như quy định hiện tại.

 “Loạn” khuyến mãi phí bảo hiểm xe máy bắt buộc ảnh 1

Các trang thương mại điện tử cũng quảng cáo dồn dập các sản phẩm bảo hiểm xe máy bắt buộc của PJICO - Ảnh: Internet

Nhà nhà combo, bảo hiểm cũng… combo

Hầu hết những thông tin rao bán nói rõ là khuyến mại đối với dòng sản phẩm bắt buộc. Cá biệt vẫn có những trường hợp lấp lửng. Trên trang www.hotdeal.vn, sản phẩm bảo hiểm xe máy PTI được rao bán với voucher 2 bảo hiểm xe máy giá trị 132.000 đồng (66.000 đồng/năm) nhưng giảm giá tới 43% chỉ còn 75.000 đồng. Mặc dù không nói rõ đây là sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, nhưng nhìn vào giá trị thực của sản phẩm là 66.000 đồng/năm và các quyền lợi của khách hàng đi kèm, thì thấy không khác gì sản phẩm bảo hiểm xe máy bắt buộc.

Các trang thương mại điện tử khác như nhanhmua.vn; cungmuasam.vn, hotdeal.vn, vatgia.com, rongbay.com, chonmua.com... cũng quảng cáo dồn dập các sản phẩm bảo hiểm xe máy bắt buộc (1 người 1 xe) của PJICO với mức giá dao động từ 62.000 đồng - 70.000 đồng cho phiếu bảo hiểm xe máy bắt buộc thời hạn 2 năm.

 

Bỏ qua “ngon, bổ”, chỉ cần rẻ

Anh N. T. Công (Lê Văn Lương, Hà Nội), người vừa mua sản phẩm bảo hiểm MIC cho biết: “Với các hàng hóa khác thì còn phải tính, chứ với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc xe máy, chỉ mua để ‘đối phó’ là chính, tránh để bị phạt 150.000 đồng, cũng chả hy vọng có được bảo hiểm hay không, nên cứ rẻ là mua, cũng chả cần cân nhắc yếu tố ‘ngon, bổ’ để xem đó là của DN nào”.

Qua khảo sát của ĐTCK, từ lâu nay, nhằm hút khách, việc khuyến mại sản phẩm bảo hiểm xe máy vẫn diễn ra nhưng chỉ công khai việc bán sản phẩm xe máy tự nguyện (do luật không cấm khuyến mại đối với sản phẩm này). Còn với sản phẩm bắt buộc, dù rằng cũng “xập xí xập ngầu” giảm giá tại hầu hết các đơn vị bảo hiểm, nhưng kín kẽ hơn.

Trao đổi với ĐTCK về hiện tượng giảm giá phí bảo hiểm xe máy bắt buộc như kể trên, các DN như PJICO, BIC, PTI, MIC cho biết, các công ty đều không có chủ trương này, nếu có chỉ là đối với sản phẩm tự nguyện. Có DN khẳng định đó không phải là đại lý của họ, có DN thì thừa nhận, việc để xảy ra tình trạng trên một phần do áp lực doanh số từ các đơn vị trực thuộc DN.

Giám đốc marketing của một DN kiên quyết “nói không” với kiểu khuyến mại combo thì cho rằng, dù chủ trương khuyến mại đó đến từ đâu (do DN hay đại lý) thì DN bảo hiểm vẫn là người cung cấp sản phẩm, còn đại lý chỉ là một trong những kênh bán hàng và theo luật định, DN phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm. 

 

Ông Ngô Trung Dũng, Trưởng phòng tổng hợp CTCP Bảo hiểm PJICO:

Xin khẳng định ngay, PJICO không có chủ trương khuyến mại này. Sau khi thấy có phản ánh về việc có khuyến mại, chúng tôi cũng đã yêu cầu tất cả các đơn vị kiểm tra và không thấy có đại lý làm như thế. Trước đó, từ tháng 4 - 5, sau khi được phản ánh về việc này, chúng tôi đã gửi công văn đôn đốc các giám đốc chi nhánh. Nếu phát hiện ra đó là đại lý của mình, chúng tôi sẽ yêu cầu gỡ bỏ những quảng cáo không đúng sự thực và sẽ áp dụng biện pháp chấm dứt hợp đồng đại lý nếu họ tái phạm. Vấn đề ở đây là chúng tôi vẫn kiểm soát được ấn chỉ phát ra và thu về.

Đối với chiêu thức khuyến mại bảo hiểm trên mạng, không rõ khuyến mại được thực hiện theo phương thức nào, nhưng rõ ràng là có một bộ phận bán hàng trong hệ thống đã bỏ tiền ra để giảm giá cho khách hàng.

Chẳng hạn, kinh doanh trên mạng bán nhiều mặt hàng từ bảo hiểm, nữ trang, mỹ phẩm… nên mạng đó sẵn sàng đăng tin hot, thậm chí chấp nhận bù lỗ để nhằm lôi kéo khách hàng tiềm năng vào mạng mua thêm các sản phẩm khác, tăng lượng truy cập (để từ đó thu hút thêm quảng cáo). Hoặc sẽ có thể có trường hợp, người khai thác bảo hiểm sẵn sàng chấp nhận giảm phí để được phần thưởng theo chiến dịch bán hàng/chính sách khoán doanh số. Theo chiến dịch bán bao nhiêu được thưởng bấy nhiêu, có thể có cán bộ khai thác bảo hiểm trích lại cho đại lý để tăng thêm doanh thu cũng như tạo mạng lưới đại lý rộng lớn.

 

Bài 2: Khuyến mại bảo hiểm bắt buộc: Cơ quan quản lý nói gì?

Diệu Minh
Diệu Minh

Tin cùng chuyên mục