Liên doanh bảo hiểm, chia tay và hợp tác

(ĐTCK) Sun Life hay Aviva đều đã bỏ phần tên ghép của đối tác nội là PVI và Vietinbank để trở thành doanh nghiệp 100% vốn ngoại. Đây là câu chuyện minh họa cho nhận định mô hình liên doanh không phù hợp hoạt động lâu dài trong ngành bảo hiểm.
BIDV Metlife là một sự khác biệt trong mô hình liên doanh truyền thống BIDV Metlife là một sự khác biệt trong mô hình liên doanh truyền thống

Dù đến thời điểm này các liên doanh bảo hiểm còn lại trên thị trường đều chưa có động thái gì về việc tăng tỷ lệ sở hữu hay muốn sở hữu toàn phần, nhưng ở một thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng cạnh tranh như hiện nay, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Rất có thể trong thời gian tới, một số liên doanh bảo hiểm nhân thọ khác cũng sẽ nối tiếp “con đường” mà Sun Life hay Aviva đã đi.

Trên thực tế, việc chuyển đổi từ mô hình liên doanh sang mô hình 100% vốn nội hoặc 100% vốn ngoại là chuyện không mới. Rộng hơn ngành bảo hiểm, mô hình liên doanh trong lĩnh vực FDI chỉ “bùng nổ” trong những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước mới mở cửa và các đối tác ngoại vào làm ăn vẫn còn “lạ lẫm” với thị trường. Mô hình liên doanh khi đó được chọn với ý nghĩa các nhà đầu tư ngoại có thêm một đối tác nội hiểu biết thị trường, môi trường pháp luật, văn hóa làm ăn… giúp nhà đầu tư ngoại “vượt rào” nhanh chóng nhất.

Tuy nhiên, sau đó mô hình này bộc lộ hạn chế trong lĩnh vực quản trị, phát triển doanh nghiệp về dài hạn khiến cho việc liên doanh không còn phổ biến giai đoạn từ những năm 2000 trở lại đây.

Trong ngành bảo hiểm, nếu phải kể đến việc “xé liên doanh” thì phải là thương vụ có tính dấu ấn trong lĩnh vực phi nhân thọ là Liên doanh bảo hiểm Việt Úc – giữa Ngân hàng BIDV và QBE (Australia) tách ra năm 2006. BIDV mua trọn phần góp vốn đối tác nội để trở thành bảo hiểm BIC. Còn QBE sau khi rút khỏi liên doanh đã mua lại toàn bộ Công ty Allianz Vietnam. 2 đối tác chia tay và thành lập 2 pháp nhân mới.

Còn trong lĩnh vực nhân thọ, thương vụ đầu tiên là Daiichi mua lại Bảo Minh - CMG là liên doanh 50/50 giữa Công ty Bảo hiểm nhân thọ Colonial Mutual Life Assurance Society Limited của Úc và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh năm 2007.

Nếu đánh giá một cách khách quan thì khối các công ty bảo hiểm “đi chậm” hơn các khối FDI khác, mà nguyên nhân là do điều kiện tiếp cận thị trường khó hơn trong việc chuyển đổi mô hình. Tức là cách tiếp cận vẫn là liên doanh sau đó chuyển thành 100% vốn, chứ không như khối FDI khác, hầu hết đầu tư 100% vốn ngay từ ban đầu.

Trong giai đoạn gần đây vẫn có những liên doanh bảo hiểm được thành lập, chẳng hạn như BIDV – Metlife nhận giấy phép năm 2014, liên doanh hoạt động trong lĩnh vực nhân thọ.

Cuộc chơi dài, thăm dò chỉ là ngắn hạn

Ngoài lý do tiếp cận thị trường khó, thì mô hình liên doanh trong ngành bảo hiểm vẫn có những ưu việt, đặc biệt trong việc xây dựng thương hiệu và cơ sở khách hàng ban đầu. Vì bảo hiểm là cuộc chơi dài, thế nên việc xây dựng liên doanh trong giai đoạn đầu của đối tác ngoại không thành vấn đề, kể cả chi phí tốn kém khi chuyển đổi mô hình.

Còn nhớ, khi Sunlife sau khi chuyển thành công ty 100% vốn ngoại bằng cách mua lại toàn bộ phần vốn góp của đối tác nội, lãnh đạo của PVI đã cho biết, họ “lãi gấp đôi” với thương vụ này. Như nói phía trên, Sunlife trả giá cao nhưng không thiệt khi trong thời gian liên doanh họ có một lượng khách rất lớn từ Tập đoàn Dầu khí và các công ty thành viên, cũng vì như vậy, Sunlife ngay lập tức trở thành công ty lớn nhất thị trường trong lĩnh vực bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

BIDV, ngân hàng có nhiều kinh nghiệm liên doanh, đi sớm trong việc xây dựng mô hình bán kết hợp bảo hiểm với dịch vụ ngân hàng 

“Bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng nhưng không phải là thị trường dễ khai thác, kể cả với những thương hiệu lớn có tên tuổi, không chỉ là các liên doanh. Có vẻ như một số nhà đầu tư đã có những đánh giá chưa đầy đủ về những khó khăn trong việc khai thác thị trường này. Tận dụng lợi thế hệ thống bán hàng và danh sách khách hàng của đối tác là một lợi thế quan trọng, nhưng để phát triển thành một thương hiệu mạnh các liên doanh vẫn cần nhiều hơn nữa… ”, một chuyên gia trong ngành chia sẻ.

Nhìn nhận lại hoạt động của các liên doanh bảo hiểm nhân thọ trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù thời gian qua, các liên doanh này đã có những bước đi đột phá và đầu tư mạnh để có thể mở thêm các kênh phân phối, đại lý để tìm kiếm khách hàng mới, thay vì chỉ bán qua ngân hàng với nguồn dữ liệu khách hàng của ngân hàng đối tác, song về tổng thể, sự thay đổi này vẫn chưa giúp các liên doanh bảo hiểm có những cải thiện mang tính “bước ngoặt”.

Bởi thực tế, hình thức liên doanh đều có những khó khăn nhất định, đặc biệt là trong việc đạt được những thỏa thuận chung về mục tiêu, cũng như chiến lược phát triển của liên doanh.

Liên doanh trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ lại càng khó thành công hơn, vì đây là lĩnh vực đòi hỏi người lãnh đạo công ty phải có kinh nghiệm, chuyên môn cao, trong khi số vốn đầu tư lớn, mà phải là đầu tư lâu dài…

“Bảo hiểm nhân thọ là một chặng đường dài và đầu tư vào bảo hiểm nhân thọ cũng là một chiến lược dài hơi bài bản chỉ cần 1 trong 2 phía đối tác có những thay đổi về nhân sự cấp cao hay mục tiêu thì đều có khả năng ảnh hưởng ít nhiều đến mối quan hệ của liên doanh”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Nếu so với những doanh nghiệp bảo hiểm khác thì hoạt động của các liên doanh đến thời điểm hiện tại khá mờ nhạt, thị phần vẫn chỉ loanh quanh ở khoảng 1% và dưới 1% và kênh bancassurance vẫn là kênh chủ lực của các hãng bảo hiểm này. Thời gian qua, thị trường cũng ghi nhận sự “trỗi dậy” của liên doanh BIDV Metlife.

Câu chuyện của liên doanh này có khác một chút so với các liên doanh khác, bởi lãnh đạo BIDV từ sớm đã có kinh nghiệm với công ty con trong lĩnh vực phi nhân thọ là BIC trong phân phối sản phẩm. Mỗi chi nhánh phòng giao dịch của BIDV không chỉ làm việc ngân hàng mà còn có hẳn đội bán bảo hiểm, có chỉ tiêu riêng.

“Những diễn biến mới của thị trường sẽ giúp cho những công ty như BIDV MetLife phát triển kinh doanh hơn nữa. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào kênh bancanssurance đồng thời có đầu tư dài hạn vào các kênh bán mới bán và mô hình phân phối mới”, đại diện hãng bảo hiểm này cho biết.

Thời gian qua hãng bảo hiểm này cũng đã đầu tư mạnh vào kỹ thuật số, tất nhiên  không chỉ là việc bán bảo hiểm online. Kỹ thuật số theo cách của Metlife còn là sử dụng các phương tiện kỹ thuật số để nâng cao nhận thức về bảo hiểm nhân thọ, đồng thời hỗ trợ các đơn vị cung cấp mang đến những trải nghiệm kỹ thuật số cho khách hàng… Dù đã có những chuyển động mạnh mẽ, nhưng để trở thành một thương hiệu có “số má” trên thị trường các hãng bảo hiểm với hình thức liên doanh như BIDV Metlife vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa…

Trong khi đó, quay lại câu chuyện của Aviva và Sun Life sau khi trở thành công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài  với Aviva, hãng bảo hiểm này sẽ vẫn tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có là bán bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng Vietinbank và phát triển thêm kênh đại lý. Và cũng có thể có những chiến lược mới để “tăng tốc” so với thị trường.

Còn với Sun Life, thời gian sau khi trở thành hãng bảo hiểm 100% vốn Canada, đã có những quyết định đầu tư mạnh mẽ và mạng lưới kinh doanh cũng được mở rộng không ngừng. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kênh tư vấn tài chính cá nhân, hãng bảo hiểm này cũng đang tìm kiếm cơ hội phát triển các kênh thương mại điện tử (e-commerce) và hợp tác kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng trong thời gian tới…

Thực tế, để tăng trưởng và phát triển sau khi chuyển đổi thành công ty 100% vốn nước ngoài các hãng bảo hiểm này cần một thời gian khá dài từ ổn định nhân sự lẫn thay đổi chiến lược kinh doanh.

“Sự chuyển giao giữa đường hướng kinh doanh cũ và mới không thể làm trong ngày một ngày hai. Cũng có những vấn đề bên trong mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.

Ngọc Khánh
Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2017

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục