Không lo ế sản phẩm bảo hiểm điện giật

(ĐTCK) Liên tiếp các vụ bồi thường bảo hiểm tai nạn điện giật của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy ý nghĩa thiết thực của sản phẩm này cũng như sự đánh giá cao từ phía khách hàng. Tuy nhiên, việc một số đối tượng mới đây lừa đảo người dân ký “Hợp đồng bảo trì điện” đang khiến các doanh nghiệp bảo hiểm không khỏi lo ngại sản phẩm này sẽ bị liên lụy.
Bảo hiểm điện giật có mức phí 50.000 đồng/hộ/năm Bảo hiểm điện giật có mức phí 50.000 đồng/hộ/năm

Cần nói ngay rằng, “Hợp đồng bảo trì điện” không có điều khoản nào liên quan đến bồi thường bảo hiểm do thương vong hay tử nạn, mà chỉ đơn thuần liên quan đến điện, nhưng vì hợp đồng này mang tính lừa đảo lại cùng được bán thông qua trung gian là UBND các phường, xã, khiến một số doanh nghiệp bảo hiểm lo lắng sẽ bị liên lụy.

Chia sẻ với ĐTCK, Trưởng phòng Kinh doanh một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, thời gian gần đây, khi đi chào bán các sản phẩm tai nạn hộ sử dụng điện, các đơn vị thành viên trực thuộc đều báo về là gặp rất nhiều khó khăn, trong khi trước đây, cứ 10 hộ được mời thì 9, 10 hộ mua.

Chuyện là, gần đây, thông qua UBND các xã phường, tổ dân phố, một nhóm đối tượng đã mạo danh CTCP Thiết bị - giải pháp điện để triển khai hình thức “Hợp đồng bảo trì điện” lừa bán cho người dân. Theo đó, với 50.000 đồng/tháng, hộ gia đình có thể yêu cầu nhân viên của công ty tới nhà bất kể giờ nào để kiểm tra hệ thống dây điện, thiết bị điện, xử lý sự cố và bảo trì hệ thống điện. Tuy nhiên, khi người dân gọi đến số điện thoại đường dây nóng in trên hợp đồng thì số máy đã bị khóa, gọi số điện thoại cố định cũng không ai nghe máy. Trực tiếp đến địa chỉ như đã đăng ký, thì không thấy có đơn vị nào như vậy. Sau chuyện này, những người dân chịu thiệt hại ít nhiều mất niềm tin vào các sản phẩm do UBND giới thiệu.

Trở lại với sản phẩm bảo hiểm điện giật, lâu nay, sản phẩm bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ như PVI, PJICO, PTI, MIC, VASS… triển khai đều chủ yếu thông qua UBND các phường. Từ UBND phường, sản phẩm sẽ được giới thiệu xuống các tổ dân phố và từng hộ gia đình. Dù mất nhiều công sức, nhưng sản phẩm này khá dễ bán.

Dẫu vậy, chia sẻ với ĐTCK, Trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, các doanh nghiệp bảo hiểm không nên quá lo lắng, sợ “ế” sản phẩm bảo hiểm điện giật. Điều cần nhất trong lúc này là các doanh nghiệp nên làm rõ tính hợp pháp của sản phẩm bảo hiểm, cũng như tăng năng lực bán sản phẩm bảo hiểm trực tiếp, thay vì quá phụ thuộc vào các kênh trung gian.

Vị trưởng phòng trên cũng cho biết, dù chưa được nhiều người dân quan tâm và có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai sản phẩm thời gian tới, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang nỗ lực phát triển rộng gói bảo hiểm này đến từng hộ dân, đặc biệt là các hộ gia đình khu vực nông thôn. Quan trọng hơn, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, thực tế bồi thường chi trả bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện cho các gia đình nói riêng, sản phẩm bảo hiểm nói chung là minh chứng rõ nét cho thấy niềm tin của khách hàng đang được đặt đúng chỗ và sản phẩm bảo hiểm sẽ tiếp tục được khách hàng tin dùng.

Một doanh nghiệp bảo hiểm khác đang triển khai sản phẩm bảo hiểm này cũng cho hay, sau khi giải thích các hộ dân đã hiểu và tiếp tục tin tưởng vào sản phẩm.        

Ngày 27/6, Bảo hiểm PVI Thái Nguyên đã chi trả tiền bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện cho gia đình chị Tạ Thị Nhung (TP. Thái Nguyên) do chồng chị là anh Phạm Văn Lục bị điện giật dẫn đến tử vong khi đang tuốt lúa, với số tiền 18 triệu đồng theo quyền lợi hợp đồng bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện, mức phí 50.000 đồng/hộ/năm.

Trước đó, ngày 27/5, Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) Bà Rịa -Vũng Tàu cũng trao 36 triệu đồng cho gia đình ông Nguyễn Hữu Nho (TP. Bà Rịa), người tham gia bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện tại VASS từ tháng 2/2014, do trong lúc làm đồng nuôi tôm ông Nho bị điện giật dẫn đến tử vong.

Đông Biển

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục