Khó như… tuyển đại lý bảo hiểm!

(ĐTCK-online) Cho đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính thức nào từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam về "vòng đời" của một đại lý bảo hiểm/tư vấn bảo hiểm. Tuy nhiên, sau gần 11 năm mở cửa thị trường bảo hiểm nhân thọ, với hàng trăm ngàn đại lý bảo hiểm đã nghỉ việc, các công ty bảo hiểm đều nhận thấy rằng, việc tuyển dụng đại lý bảo hiểm đang trở nên ngày một khó khăn.
Các công ty bảo hiểm dù cũ hay mới vẫn luôn phải đối mặt với câu chuyện: tuyển dụng, đào tạo rồi lại tiếp tục… tuyển dụng và đào tạo đội ngũ đại lý. Các công ty bảo hiểm dù cũ hay mới vẫn luôn phải đối mặt với câu chuyện: tuyển dụng, đào tạo rồi lại tiếp tục… tuyển dụng và đào tạo đội ngũ đại lý.

Sau khi Báo ĐTCK đăng bài: "Nhân sự bảo hiểm: Mùa thu thay lá" đã có một số ý kiến của độc giả trao đổi rằng, đại lý bảo hiểm/tư vấn bảo hiểm là những người tạo ra doanh thu cho công ty bảo hiểm, nhưng không có lương cố định, không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội từ công ty…, ngoài tiền hoa hồng khi bán được bảo hiểm. Vì không có cơ chế chính sách ổn định nên sự ra đi hoặc thay đổi chỗ làm là hiển nhiên, bởi hai bên đều không có cơ chế hay chính sách ràng buộc gì.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ mối quan hệ giữa đại lý bảo hiểm/tư vấn bảo hiểm và công ty bảo hiểm là quan hệ giữa một bên nhận làm đại lý và một bên đi tìm đại lý, không phải là quan hệ giữa các bên hợp danh, hoặc giữa người sử dụng lao động và người lao động (trong hợp đồng đại lý bảo hiểm thường có một điều khoản này). Chính vì mối quan hệ "đặc biệt" này nên tất cả các công ty bảo hiểm thường hay nỗ lực xây dựng hình ảnh người đại lý bảo hiểm như những đại diện cho doanh nghiệp - bởi điều này phản ánh đúng nhất tính chất của nghề nghiệp này. 

Nghề đại lý bảo hiểm/tư vấn bảo hiểm nếu phân tích kỹ sẽ thấy ưu và nhược điểm luôn song song nhau. Làm nghề này có thể được tự chủ về thời gian làm việc, nhưng giờ giấc làm việc không cố định, thường xuyên làm ngoài giờ và vào cuối tuần; không cần phải đến văn phòng hàng ngày và có thể làm việc bán thời gian, nhưng cần phải tham dự các cuộc họp nhóm, phòng và của công ty theo quy định. Một số DN có thể chấm dứt hợp đồng với đại lý nếu họ thường xuyên vắng mặt trong các cuộc họp hoặc chương trình huấn luyện; thu nhập cao không giới hạn - tự quyết định thu nhập của mình, nhưng không có lương cố định, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…; có rất nhiều cơ hội nhận được các giải thưởng có giá trị và những chuyến du lịch miễn phí, nhưng các giải thưởng chỉ dành cho những người xuất sắc nhất - tối đa là 10% số lượng đại lý bảo hiểm; có thể tự hào vì đang giúp người khác hoạch định các kế hoạch tài chính/bảo vệ an toàn tài chính cho họ, nhưng việc tư vấn rất tốn thời gian và mệt mỏi vì thường xuyên bị từ chối…

Thực tế, nghề đại lý bảo hiểm, cũng giống như làm đại lý của bất kỳ sản phẩm nào khác, đều cần phải duy trì một mức doanh số bán hàng nhất định để được tiếp tục công nhận là đại lý. Thông thường, nếu trong vòng 3 - 6 tháng liên tục mà đại lý không bán được hợp đồng bảo hiểm mới nào thì công ty bảo hiểm sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng đại lý. Và hầu như có rất ít đại lý như vậy phản đối việc chấm dứt hợp đồng, vì bản thân họ cũng không thực sự có hay còn hứng thú với nghề nghiệp này nữa. Một số đại lý sau khi nghỉ việc vẫn có thể xin đi làm lại cho cùng công ty bảo hiểm hay một công ty khác. Tuy nhiên, trên thực tế thì những người này cũng khó có thể thành công.

Người chọn nghề đại lý bảo hiểm ngày nay không bị ảo tưởng về nghề nhiều như trước đây và tâm lý "thử một lần xem sao" trong việc chọn nghề đại lý bảo hiểm đã không còn phổ biến, vì hầu như ai cũng có người thân, người quen, hay bạn bè đã từng "đến rồi đi" trong nghề này.

Lãnh đạo một số công ty bảo hiểm nhân thọ cũng từng chia sẻ với phóng viên ĐTCK rằng, các công ty bảo hiểm đều nhận thấy mấu chốt của vấn đề "chảy máu" đại lý bảo hiểm, nhưng tìm một đáp án để giải quyết ổn thỏa vấn đề này không hề dễ dàng. Bởi các công ty bảo hiểm rất khó tạo ra được một nguồn thu nhập ổn định hàng tháng theo "lương cứng" cho đội ngũ đại lý bảo hiểm do sự "ra vào" liên tục của những người này… Chính vì thế, các công ty bảo hiểm dù cũ hay mới vẫn luôn phải đối mặt với câu chuyện: tuyển dụng, đào tạo rồi lại tiếp tục… tuyển dụng và đào tạo đội ngũ đại lý.

Một chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho biết, ở những nước phát triển, đại lý bảo hiểm thường phải làm việc toàn thời gian chứ không như ở Việt Nam - số lượng đại lý bán thời gian chiếm trên 90%. Vì thế, họ có thể được ký hợp đồng lao động và được hưởng lương cơ bản theo mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, về bản chất, thu nhập chủ yếu của họ vẫn đến từ hoa hồng bán bảo hiểm. Đồng thời, họ cũng chỉ được hưởng lương nếu đáp ứng các quy định về doanh thu. "Vòng đời" trung bình của mỗi đại lý thường cũng chỉ kéo dài từ 1 - 3 năm.

Trao đổi với ĐTCK về nghề này, Tổng giám đốc Korea Life Vietnam, ông Jung Seop Hyun từng nói: "Nếu có ai đó nói rằng 'nghề đại lý bảo hiểm là một nghề khá đơn giản và dễ dàng' thì người ấy chưa thực sự hiểu về công việc này. Có rất nhiều người làm đại lý bảo hiểm nhưng không phải ai cũng thành công".

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục