Khi người mua bảo hiểm bị từ chối oan

(ĐTCK) Bên cạnh những ca bồi thường bảo hiểm thành công nhờ sự công tâm, khách quan, trách nhiệm của nhà bảo hiểm thì vẫn còn không ít trường hợp tưởng chừng như vô phương bởi sự thờ ơ của nhà bảo hiểm cùng các bên liên quan. 
Không phải khách hàng nào mua bảo hiểm cũng hiểu hết những quyền lợi của mình. Không phải khách hàng nào mua bảo hiểm cũng hiểu hết những quyền lợi của mình.

Những ứng xử không phù hợp của các bên liên quan

Trên thực tế, nhà bảo hiểm thường không có chủ trương cố tình tìm cách để không chi trả tiền bảo hiểm cho khách hàng. Nhưng trong quá trình hỗ trợ pháp lý cho người tham gia bảo hiểm đi đòi bồi thường, vẫn có không ít trường hợp bất thường, tưởng chừng như vô phương đòi.

Ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm TILA . 

Lý do luôn là nhà bảo hiểm thì từ chối bồi thường “không hợp lẽ” khiến người được bảo hiểm không phục, có cảm giác mình bị từ chối oan và tiếp tục công cuộc đòi tiền. Trong những trường hợp này, cái khó không phải là chứng minh sự thật mà người đòi bảo hiểm cũng như đơn vị được ủy quyền thường gặp là sự ứng xử không phù hợp của các bên liên quan.

Câu chuyện thứ nhất, tuần trước, có một khách hàng (ở huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) tên T đề nghị tôi (tác giả bài viết này) giúp đòi bồi thường cho một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, liên quan đến tai nạn lao động trong khi làm vườn tại nhà của anh.

Trước đó, nhà bảo hiểm đã có quyết định từ chối bồi thường một phần hậu quả của tai nạn đó. Cụ thể, công ty bảo hiểm chỉ căn cứ giấy ra viện để áp tỷ lệ chi trả bảo hiểm và theo anh T thì đây là việc bồi thường sai (do sai sót bởi lỗi nhận định chủ quan của thẩm định viên bảo hiểm). Giải pháp được tôi đưa ra là cần phải có một hội đồng giám định y khoa xem xét thì mới đảm bảo tính khách quan của vụ việc.

Công việc tiếp theo của tôi là cùng anh T tới Trung tâm Giám định y khoa để làm giám định thương tật một cách khách quan độc lập, từ đó lập hồ sơ yêu cầu nhà bảo hiểm bồi thường. Tuy nhiên, chuyện tưởng đơn giản như vậy, nhưng lại không dễ làm.

Tại đây, người trực ban sau một hồi hỏi, đã yêu cầu tôi phải xuất trình giấy giới thiệu của công ty bảo hiểm (nơi anh T mua bảo hiểm) thì mới giám định. Lý do được đưa ra là “Trung tâm chỉ giám định cho bảo hiểm xã hội và các công ty bảo hiểm khi có giấy giới thiệu của các cơ quan này. Nếu là tai nạn lao động phải có xác nhận tai nạn của cơ quan, xí nghiệp…”. Và rằng “đây là quy định bắt buộc”.

Tôi đã mất nhiều thời gian để lập luận do đây là trường hợp yêu cầu giám định của cá nhân, và đây là một yêu cầu giám định độc lập không liên quan gì đến công ty bảo hiểm cả. Chưa kể, anh T làm nghề nông và bị tai nạn trong lúc làm việc thì đó là tai nạn lao động.

Theo các quy định pháp luật, Trung tâm Giám định y khoa là cơ quan chức năng chuyên môn của nhà nước về y khoa, có nhiệm vụ xác định thương tật, bệnh tật cho đối tượng cần giám định y khoa theo yêu cầu của cá nhân hoặc tổ chức. Trường hợp này là cá nhân yêu cầu giám định. Do đó, sẽ không cần giấy giới thiệu của bất cứ cơ quan, tổ chức nào, chỉ cần làm đơn và nộp phí giám định mà thôi. Đây là quyền của công dân.

Sau một hồi lập luận, cuối cùng, vị trực ban đã nói tôi chờ chút để  báo cáo lãnh đạo.

Câu chuyện thứ hai, mà tôi cũng là người tham gia hỗ trợ pháp lý, đó là trường hợp một chị tham gia bảo hiểm tên C, nhưng nhiều tháng liên tiếp hai vợ chồng phải đi về TP.HCM nhiều lần đòi bảo hiểm không được mà còn bị công ty bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng, không trả một đồng nào! Lý do được công ty này đưa ra bởi người chồng ký hợp đồng đóng tiền mua bảo hiểm nhân thọ cho vợ nhưng vợ thì không hề được biết về hợp đồng đó và có gian dối.

Hợp đồng đã đóng phí 5 năm và chỉ đến khi chị C lên bệnh viện điều trị hở van tim, đặt stent hết hơn 100 triệu đồng thì mới biết chồng có mua bảo hiểm bệnh hiểm nghèo cho mình.

Người chồng sau khi vợ chữa trị bệnh có nộp hồ sơ cho công ty bảo hiểm để yêu cầu bồi thường, nhưng cái nhận về là một văn bản trả lời không chi trả! Lý do chi tiết là hồ sơ mua bảo hiểm trước đây khai báo gian dối, không trung thực. Hồ sơ sức khỏe của chị C có thông tin từng điều trị 2 tháng bệnh tiểu đường ở bệnh viện huyện. Công ty bảo hiểm cho người xuống tìm hiểu rồi thông báo hủy bỏ hợp đồng và cũng không trả đồng nào.

Cần thêm sự chia sẻ chủ động

Trở lại với trường hợp đầu tiên, sau chừng 20 phút chờ đợi, vị trực ban báo cáo lãnh đạo, cuối cùng chúng tôi được tiếp chuyện với giám đốc trung tâm. Sau khi nghe tôi trình bày sự việc thì cuối cùng vị giám đốc đã đồng ý nhận đơn giám định.

Dù kết quả thế nào, có đòi được bồi thường hay không còn ở phía trước nhưng qua phần đối thoại trên có thể thấy, nếu người được bảo hiểm không phải là những người am hiểu pháp luật, lại không có sự trợ giúp pháp lý của các nhà tư vấn với các bên liên quan khi họ ứng xử không phù hợp thì kết quả sẽ sao đây!

Trong trường hợp này, có thể thấy người trực ban có thể theo thói quen đã “vô tình” từ chối và rất có thể tước đi việc đòi quyền lợi chính đáng của người được bảo hiểm.

Thói quen này cũng giống như nhiều thói quen khác, chẳng hạn bệnh nhân muốn bệnh viện cấp giấy chứng thương thì phải có giấy giới thiệu của công an, xảy ra ở không ít nơi.

Trong khi trường hợp đòi giám định độc lập như đề nghị của chúng tôi chưa từng có tiền lệ trước đó nên khiến họ quyết định từ chối luôn, nếu nản lòng, không lập luận đủ thuyết phục sẽ khiến con đường đi đòi bồi thường bỗng dưng… đứt gánh.

Quay lại với câu chuyện thứ hai, hợp đồng bảo hiểm mà chồng chị C đã đóng phí hơn 1 năm, mỗi năm gần 40 triệu đồng. Nếu đúng như những gì khách hàng cung cấp thì công ty bảo hiểm không thể hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm mà không trả đồng nào cho gia đình như vậy được!

Bởi theo như thông tin của khách hàng thì người được bảo hiểm là bà vợ không biết gì về hợp đồng bảo hiểm của mình cả. Người mua bảo hiểm là ông chồng, còn  người lập hồ sơ yêu cầu bảo hiểm là nhân viên nam tư vấn bảo hiểm. Cả hai ông này đã tự ý ký vào hợp đồng bảo hiểm, chỗ người được bảo hiểm phải ký.

Căn cứ Điểm d, Khoản 1, Điều 22 - Luật Kinh doanh bảo hiểm thì hợp đồng này đã bị vô hiệu. Khi hợp đồng vô hiệu, thì phải trả lại những gì mà hai bên đã nhận của nhau. Ngoài ra, nhà bảo hiểm chưa chứng minh được người mua bảo hiểm gian dối trong trường hợp này vì có thể người gian dối là đại lý bảo hiểm.

Mà đại lý bảo hiểm là người được ủy quyền của công ty bảo hiểm thực hiện giao kết này, công ty bảo hiểm chưa làm rõ ai là người sẽ được hưởng lợi trong giao kết bảo hiểm, cho đến hiện tại chỉ có đại lý là người được hưởng lợi từ việc giao kết hợp đồng không trung thực đã diễn ra.

Tranh chấp trên hiện đang khá phổ biến trên thị trường nhưng không phải người tham gia bảo hiểm nào cũng biết viện vào Điều 22 kể trên để đòi quyền lợi.

Còn với giới luật sư hay đơn vị tư vấn am tường bảo hiểm thì không cần đọc hồ sơ cũng có thể khẳng định trong trường hợp này công ty bảo hiểm phải hoàn lại cho gia đình chị khách hàng tối thiểu 100% số phí bảo hiểm đã đóng, trong tình huống trên không thể có chuyện hủy ngang mà không hoàn phí như vậy.

Họ có thể hy vọng nhận lại phí bảo hiểm để có tiền lo thuốc cho vợ.

Đừng vô tình dập tắt hy vọng của người được bảo hiểm!

Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm TILA

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục