Hậu cơn bão số 12: Trách nhiệm bồi thường bảo hiểm lên tới 1.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Ước tính sơ bộ cho thấy, tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm gốc trong cơn bão số 12 lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, mức bồi thường thuộc trách nhiệm của nhà bảo hiểm trong nước không lớn, do nhiều hợp đồng có giá trị lớn đã được tái bảo hiểm ra nước ngoài.
Các nhà bảo hiểm đã khẩn trương phối hợp cùng khách hàng khắc phục thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất - kinh doanh Các nhà bảo hiểm đã khẩn trương phối hợp cùng khách hàng khắc phục thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất - kinh doanh

Thiệt hại gần 300 tỷ, trách nhiệm thuộc Bảo Minh chỉ 20 tỷ 

Cơn bão số 12 (tên quốc tế là bão Damrey) đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ từ Phú Yên tới Khánh Hòa hồi đầu tháng 11 đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho các địa phương này. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương, có 91 người chết và thiệt hại về tài sản lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng do cơn bão gây ra.

Được biết, ngay sau khi bão tan, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường sau cơn bão số 12. Đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đã có báo cáo sơ bộ lên cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm mức độ tổn thất cũng như các thông tin liên quan đến tái bảo hiểm.

Theo ước tính của các doanh nghiệp bảo hiểm, thiệt hại thuộc trách nhiệm của nhà bảo hiểm trong cơn bão này lên tới 1.000 tỷ đồng.

Xét theo từng doanh nghiệp, tại PJICO, theo ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty, đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng mức tổn thất thuộc trách nhiệm của các hợp đồng bảo hiểm gốc do hãng này cung cấp vào khoảng 60 - 70 tỷ đồng.

Bảo hiểm PVI cũng chịu thiệt hại không nhỏ từ cơn bão này. Tính đến ngày 15/11, đã có gần 80 hạng mục tài sản lớn, chủ yếu là tàu thuyền, nhà xưởng, hàng hóa… được bảo hiểm bởi PVI chịu thiệt hại của bão Damrey, với trách nhiệm bồi thường ước tính lên tới trên 170 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tổng công ty Bảo Minh ước thiệt hại bồi thường bảo hiểm gốc khoảng 292,5 tỷ đồng (tính đến ngày 10/11/2017). Trong đó, tổn thất cả về tài sản, xây dựng lắp đặt, xe, tàu cá, hàng hóa, tàu biển, nhưng thiệt hại chủ yếu vẫn là về tài sản (ước 272 tỷ đồng). Địa bàn chịu tổn thất lớn nhất là Khánh Hòa, vùng tâm bão đi qua.

Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư Chứng khoán, ước bồi thường thuộc phạm vi của Bảo hiểm Bảo Việt lên tới gần 500 tỷ đồng. Đây được xem là mức thiệt hại lớn nhất thị trường trong cơn bão số 12 vừa qua.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Việt phủ nhận con số trên, vì có nhiều trường hợp là đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm mà trách nhiệm bồi thường của các bên hiện còn chưa được phân định rõ.

Còn tại một số doanh nghiệp phi nhân thọ khác, nguồn tin từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (VBI) cho biết, ước thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.

Trên quy mô toàn thị trường, mức độ thiệt hại thuộc phạm vi bồi thường của hợp đồng bảo hiểm gốc là không nhỏ, nhưng được biết, phần lớn các hợp đồng này đều được tái bảo hiểm ra nước ngoài nên mức bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại của nhà bảo hiểm không đáng kể.

Chẳng hạn, Bảo Minh cho biết, ước bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại của Tổng công ty khoảng trên 20 tỷ đồng (trên tổng thiệt hại của các hợp đồng bảo hiểm gốc là gần 300 tỷ đồng).

Doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương giải quyết bồi thường

Xác định thiệt hại từ bão số 12 không nhỏ, lại diễn ra vào gần cuối năm, có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm, nên ngay sau bão, đích thân lãnh đạo các doanh nghiệp bảo hiểm lớn như PJICO, Bảo Minh đã khẩn trương chỉ đạo triển khai các hoạt động giám định, xác định trách nhiệm bảo hiểm.

Các doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng đã phối hợp với khách hàng tham gia bảo hiểm để đánh giá mức độ tổn thất cũng như thực hiện các biện pháp xử lý ngay các tổn thất nhỏ để khắc phục nhằm đề phòng, hạn chế tổn thất phát sinh.

Các nhà bảo hiểm cũng khuyến cáo với người được bảo hiểm nhanh chóng khắc phục tổn thất, tránh những tổn thất phát sinh thêm từ những thiệt hại sẵn có, đặc biệt đối với các chủ tàu có tàu gặp nạn, chủ hàng có hàng trên tàu gặp nạn nhanh chóng giải quyết sự cố không làm ảnh hưởng tới môi trường của địa phương nơi xảy ra tổn thất.

Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ với nhau trong khắc phục hậu quả sau bão. Hiện Bảo Việt và PVI đã phối hợp khắc phục nhanh sự cố ngập nước buồng máy tàu An Phú 168 (thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu do PVI bảo hiểm, còn hàng hóa do Bảo Việt bảo hiểm).     

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục