Hạn chế hạ phí tràn lan bằng mức phí bảo hiểm cơ bản

(ĐTCK-online) Mức phí bảo hiểm cơ bản đang được Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nghiên cứu xây dựng để làm căn cứ cho các DN trong ngành quyết định mức phí. Điều này được xem là sẽ giúp hạn chế tình trạng hạ phí tràn lan để tăng doanh thu đang diễn ra hiện nay.
Mức phí bảo hiểm xe cơ giới - lĩnh vực mang lại doanh thu cao nhất - cũng chưa có quy chuẩn rõ ràng Mức phí bảo hiểm xe cơ giới - lĩnh vực mang lại doanh thu cao nhất - cũng chưa có quy chuẩn rõ ràng

Mức phí bảo hiểm cơ bản đang được Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nghiên cứu xây dựng để làm căn cứ cho các DN trong ngành quyết định mức phí. Điều này được xem là sẽ giúp hạn chế tình trạng hạ phí tràn lan để tăng doanh thu đang diễn ra hiện nay.

Thực tế nhiều năm qua, hiệu quả hoạt động kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm của các DN bảo hiểm không cao, thậm chí lỗ. Năm nào thị trường cũng ghi nhận những quyết tâm cải thiện tình trạng này từ lãnh đạo các công ty bảo hiểm, tuy nhiên, kết quả vẫn chưa khả quan. Nguyên nhân, như một số lãnh đạo công ty bảo hiểm thừa nhận, là do tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp: hạ phí, mở rộng điều kiện, điều khoản bồi thường để có doanh thu nhưng không kiểm soát được bồi thường. Điều này dẫn đến tình trạng tỷ lệ bồi thường ở một số nghiệp vụ rất cao, lên tới 80 - 100% trong khi tỷ lệ bồi thường lý tưởng được cho là dưới 40% doanh thu phí bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã quy định cụ thể về tỷ lệ hoa hồng cho từng nghiệp vụ trả cho đại lý và hoa hồng chỉ được trả cho đại lý. Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tìm cách lách những quy định này, trả hoa hồng cho khách hàng để cạnh tranh tăng doanh thu. Đối với hợp đồng bảo hiểm công trình như đường xá, cầu… có mức phí bảo hiểm lớn khoảng vài tỷ đồng, tỷ lệ hoa hồng có khi lên tới 15 - 20% phí bảo hiểm, trong khi quy định chỉ cho phép chi trả 7%. Thậm chí, khi cung cấp dịch vụ qua đấu thầu, đáng lẽ không phải trả hoa hồng, nhiều doanh nghiệp vẫn chi trả. Những khoản chi này thường được doanh nghiệp hạch toán dưới "mác" chi phí bán hàng, khiến cho chi phí đội lên và kết quả là hoạt động kinh doanh bảo hiểm hầu như không lãi, thậm chí lỗ. Được biết, Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm đã nhiều lần khuyến cáo DN về tình trạng tăng doanh thu bằng mọi giá, song các DN, đặc biệt là các DN mới thành lập, vẫn "làm ngơ".

Đáng chú ý, thị trường bảo hiểm đã có hàng chục năm phát triển nhưng vẫn còn thiếu các thống kê để làm căn cứ tính phí và mức độ rủi ro. Chẳng hạn, lĩnh vực bảo hiểm trách nhiệm chủ xe cơ giới là lĩnh vực mang lại doanh thu cao nhất toàn thị trường, song chưa có thống kê đầy đủ và có giá trị về số vụ tai nạn, số người chết, bị thương để làm căn cứ xác định tỷ lệ thiệt hại về con người, để từ đó định phí bảo hiểm. Tương tự như vậy, những thống kê về thiệt hại tài sản trong các vụ tai nạn cũng chưa có. Như vậy, DN bảo hiểm đang cạnh tranh bằng cách hạ phí trên nền tảng thị trường không có thống kê đầy đủ.

Hiện nay, các DN bảo hiểm đều cung cấp sản phẩm bảo hiểm ô tô, xe máy nhưng lại thiếu nhân viên giám định, trực tiếp có mặt tại các vụ tai nạn để giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Một DN bảo hiểm chỉ có 2 - 3 chi nhánh mà cung cấp dịch vụ bảo hiểm xe cơ giới toàn quốc thì khó đảm bảo có người giám định trực tiếp tại các vụ tai nạn. Việc giám định chỉ dựa vào các garage ô tô và hồ sơ công an để bồi thường thì nguy cơ phải chi bồi thường lớn hơn tổn thất thực tế là rất lớn. Đã có trường hợp, giám định thiệt hại ban đầu cho thấy, mức bồi thường của một DN bảo hiểm cho khách hàng lên tới gần 600 triệu đồng, nhưng khi lãnh đạo DN bảo hiểm trực tiếp giám định lại, mức bồi thường chỉ còn chưa tới 300 triệu đồng. Theo ông Phùng Đắc Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, DN bảo hiểm nên sử dụng dịch vụ của các công ty giám định trong trường hợp không đủ nhân lực. Hiện nay, DN bảo hiểm mới chỉ sử dụng dịch vụ giám định trong trường hợp khó như khi giám định tổn thất các công trình, còn lại, chủ yếu là tự giám định.

Cũng theo ông Lộc, việc kiểm soát bằng cấp, năm kinh nghiệm đối với cán bộ đứng đầu chi nhánh, công ty không phát huy nhiều tác dụng. Bộ Tài chính nên chuyển sang cơ chế kiểm soát sau, tức là nếu DN lỗ 3 năm liên tiếp thì yêu cầu thay đổi người đứng đầu chi nhánh, công ty, vừa để bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp, vừa bảo vệ ngành bảo hiểm.

Khi nhận ra bất cập trong việc cạnh tranh về phí, các DN bảo hiểm đã ngồi lại với nhau và đưa ra mức phí sàn nhằm đảm bảo cạnh tranh được lành mạnh, không DN nào được phá giá. Tuy nhiên, việc các DN bảo hiểm "bắt tay" nhau đưa ra sàn giá phí đã vấp phải quy định của Luật Cạnh tranh. Năm ngoái, có tới 14 DN bảo hiểm bị xử phạt khá thẳng tay vì vi phạm điều khoản của Luật Cạnh tranh, trong đó, có DN chịu mức phạt cao nhất lên tới trên 500 triệu đồng.

Nhằm giúp DN có căn cứ đưa ra mức phí đảm bảo kinh doanh an toàn, Hiệp hội Bảo hiểm đang nghiên cứu để đưa ra mức phí bảo hiểm cơ bản đối với một số nghiệp vụ bảo hiểm. Để xây dựng mức phí này, Hiệp hội sẽ dựa vào số liệu thống kê trong 5 năm vừa qua. Theo dự kiến, mức phí cơ bản này sẽ được ban hành đầu năm 2012.

Bùi Trang
Bùi Trang

Tin cùng chuyên mục