Giảm độc quyền trong bảo hiểm hàng không, dầu khí

(ĐTCK) “Cần xem xét bổ sung quy định nhằm giảm phân chia độc quyền thị trường trong một số lĩnh vực như hàng không, dầu khí”.
Giảm độc quyền trong bảo hiểm hàng không, dầu khí

Đó là kiến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) trên cơ sở ý kiến của các DN hội viên về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 124/2012/TT-BTC.

Có sự can thiệp mua bảo hiểm

Trong công văn gửi Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), AVI cho biết, đang có tình trạng công văn chỉ đạo của  cấp trên can thiệp về việc mua bảo hiểm, do đó đề nghị Bộ Tài chính quy định chặt chẽ hơn, có giải pháp khắc phục hiện tượng “lợi ích nhóm”, “lợi ích ngành” phân chia cát cứ thị trường...

Trên thực tế, theo ghi nhận của ĐTCK, không chỉ trong mảng bảo hiểm dầu khí hay hàng không, hiện tượng can thiệp mua bảo hiểm cũng diễn ra đối với một số mảng bảo hiểm khác như bảo hiểm học sinh, bảo hiểm công trình xây dựng…

Bộ Tài chính đã phải ra công văn gửi các DN bảo hiểm phi nhân thọ với nội dung: nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp hành chính như văn bản hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, công văn liên tịch giữa các sở giáo dục và đào tạo và các DN bảo hiểm... có tính chất áp đặt người tham gia bảo hiểm phải mua bảo hiểm tại một hoặc một số DN bảo hiểm được chỉ định.

Cuối năm ngoái, công văn do lãnh đạo một bộ ký với nội dung định hướng 3 DN bảo hiểm là PVI, Bảo Minh và Bảo hiểm Bảo Việt thực hiện công tác bảo hiểm công trình đã khiến các DN bảo hiểm khác bị “hẫng”. Công văn chỉ đích danh công trình bảo hiểm thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn  Tây Nguyên.

Với bảo hiểm hàng không, số liệu tổng hợp từ AVI cho thấy, 6 tháng đầu năm, bảo hiểm hàng không ước đạt doanh thu 225 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Năm 2013, bảo hiểm hàng không đạt 583 tỷ đồng doanh thu, giảm 25% so với năm 2012.

Dù không phải là nghiệp vụ chủ đạo, có mặt trong Top đầu các nghiệp vụ mang lại doanh thu chính cho thị trường, nhưng bảo hiểm hàng không hay bảo hiểm dầu khí là những nghiệp vụ mang lại lợi nhuận cho các DN bảo hiểm do tỷ lệ bồi thường thấp. 6 tháng đầu năm, bảo hiểm hàng không ước bồi thường 18 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng nghiệp vụ này vẫn gắn liền với những cái tên quen thuộc là VNI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI. 

Với mảng bảo hiểm dầu khí, lâu nay Bảo hiểm PVI là DN gần như độc quyền trong các hợp đồng bảo hiểm dầu khí dựa trên mối quan hệ đặc biệt với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). PVN nắm hơn 35% vốn tại CTCP PVI - đơn vị nắm 100% vốn tại Bảo hiểm PVI.

Liên quan đến tính độc quyền trong bảo hiểm hàng không, dầu khí, lãnh đạo Bộ Tài chính đã từng “soi” các DN bảo hiểm được xem là độc quyền trong hai mảng này. Sau đó, lãnh đạo các DN bảo hiểm giải thích với lập luận: đây là hai lĩnh vực khá đặc thù, các DN bảo hiểm trong nước hầu như không tự quyết được điều kiện, điều khoản như bảo hiểm ô tô, xe máy, nên đều phải thực hiện tái bảo hiểm. “Chúng tôi chỉ đứng ra đấu thầu tái bảo hiểm hộ khách hàng. Nói là độc quyền, nhưng bản chất khách hàng là người lựa chọn”, lãnh đạo một DN bảo hiểm nói.

Chế tài có, thực hiện đến đâu?

Dưới góc độ pháp lý, việc can thiệp mua bảo hiểm được xem như một hành vi bị cấm. Cụ thể, Điều 38 Thông tư 124 quy định: nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn DN kinh doanh bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm.

Thông tư 124 còn quy định, không được dùng ảnh hưởng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để yêu cầu, ngăn cản hoặc ép buộc đơn vị cấp dưới hoặc những người có liên quan phải tham gia bảo hiểm tại một DN kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài dưới mọi hình thức. Cùng với đó, chế tài xử phạt liên quan đến vi phạm cạnh tranh bảo hiểm cũng đã có. Nghị định số 98/2013/NĐ-CP về xử phạt kinh doanh bảo hiểm ấn định rõ mức phạt 40 - 50 triệu đồng đối với một trong những hành vi can thiệp trái pháp luật vào việc lựa chọn DN bảo hiểm, lợi dụng chức vụ quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Với hành vi cấu kết giữa DN bảo hiểm với bên mua bảo hiểm nhằm phân chia thị trường, khép kín dịch vụ bảo hiểm, mức phạt là 60 - 70 triệu đồng.

Pháp lý có, chế tài có, vấn đề là các bên liên quan thực hiện đến đâu? Không ít thành viên đồng quan điểm với AVI rằng, hành lang pháp lý cần quy định chặt chẽ hơn, chi tiết hơn và sớm đưa ra giải pháp khắc phục hiện tượng “lợi ích nhóm”, “lợi ích ngành” nêu trên.       

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục