Đừng để mất tính nhân văn của bảo hiểm

(ĐTCK) Việc mua bảo hiểm cho khoản vay là cần thiết để phòng trường hợp tài sản trở nên vô giá trị khi tổn thất xảy ra. Nhưng nếu buộc khách hàng phải mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm của chính ngân hàng cho vay là không hợp lý, làm mất đi tính nhân văn của bảo hiểm và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Đừng để mất tính nhân văn của bảo hiểm

Mới đây, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được phản ánh của 2 khách hàng về việc ngân hàng ép mua bảo hiểm nhân thọ không phù hợp.

Cụ thể, chị Hồ Thị Ngọc Như kể, chị muốn mua căn hộ tại dự án Prosper Plaza ở TP.HCM của chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đầu tư Phúc Yên, với khoản vay giá trị căn hộ 60% tại Ngân hàng Quân đội (MB) - Chi nhánh Gò Vấp, ngân hàng cấp tín dụng mua nhà cho dự án này. Tuy nhiên, việc giải ngân gặp vướng mắc bởi ngân hàng yêu cầu chị phải mua gói bảo hiểm nhân thọ mức phí tối thiểu 12 triệu đồng/năm.

“Tuy đã đưa ra 4 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, trong đó có sản phẩm của Prudential, với giá trị bảo vệ lên tới 5 tỷ đồng, nhưng ngân hàng vẫn yêu cầu tôi phải mua thêm nếu muốn được giải ngân. Do đã mua nhiều loại bảo hiểm nên tôi không đồng ý", chị Như nói.

Theo quy định hiện hành, phạt tiền từ 40-100 triệu đồng đối với hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe dưới mọi hình thức.

(Trích Nghị định 48/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số).

Bị từ chối giải ngân, chị Như tìm đến một chi nhánh của Vietinbank trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP.HCM - là 1 trong 2 ngân hàng đối tác của chủ đầu tư dự án Prosper Plaza, để giải quyết nhu cầu tín dụng mua nhà. Song tại đây, ngân hàng cũng yêu cầu chị mua bảo hiểm để thuận tiện trong việc giải ngân (chọn 1 trong 3 loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đóng phí 12 triệu/năm, hoặc sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ cho người đi vay, hoặc bảo hiểm cháy nổ - PV).

Chị Lê Đinh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi đi mua nhà tại một dự án do ngân hàng hỗ trợ tài chính.

“Tôi đã ký hợp đồng tín dụng, thế chấp, đóng tiền công chứng, định giá đất... Xong xuôi, nhân viên ngân hàng mới đề nghị mua thêm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Vietinbank để đủ điều kiện giải ngân, mà không thông báo trước cho khách hàng. 'Đâm lao phải theo lao', tôi đành mua gói bảo hiểm nhân thọ mức phí thấp nhất 8 triệu đồng/1 năm, trong khi đã mua bảo hiểm nhân thọ trước đó”, chị Đinh nói.

Gần đây, tại một số diễn đàn về bảo hiểm, câu chuyện về yêu cầu mua bảo hiểm được mang ra thảo luận khá sôi nổi. Nhiều ý kiến cho rằng, về nguyên tắc, khách hàng là người mua bảo hiểm vật chất đối với tài sản đang thế chấp cho ngân hàng và ngân hàng là bên thụ hưởng, nhưng việc yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ của công ty bảo hiểm của chính ngân hàng cho vay là không hợp lý.

Liên lạc với MB - Chi nhánh Gò Vấp, phóng viên được biết, việc mua sản phẩm bảo hiểm nào phụ thuộc vào từng dự án mà ngân hàng phối hợp triển khai. Với sản phẩm bảo hiểm cháy nổ, khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm bảo hiểm của Bảo hiểm Quân đội (MIC) - một thành viên của MB, hoặc một hãng bảo hiểm phi nhân thọ bất kỳ. Với sản phẩm bảo hiểm người vay, sẽ do MB chỉ định nhằm đảm bảo tính an toàn của hệ thống.

Ghi nhận từ một chi nhánh Vietinbank ở Hà Nội thì được biết, khi mua nhà dự án, khách hàng có thể chọn mua bảo hiểm cháy nổ hoặc bảo hiểm cho người đi vay với mức phí tối thiểu, độ chênh lệch giữa 2 sản phẩm này cũng không lớn, khoảng 1 triệu đồng với giá trị căn nhà khoảng 2 tỷ đồng.

Thực tế, việc ngân hàng có thêm điều kiện mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay là không hiếm, nhất là với những ngân hàng sở hữu công ty bảo hiểm. Theo giới chuyên gia, việc mua bảo hiểm cho các khoản vay là cần thiết để phòng trường hợp tài sản trở nên vô giá trị khi tổn thất xảy ra, nhưng nếu buộc phải mua bảo hiểm của một hãng bảo hiểm cụ thể là không hợp lý. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

"Yêu cầu khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm là 'mặt trái' của việc hợp tác độc quyền giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm, dễ dẫn đến tính trạng mua bảo hiểm theo kiểu đối phó, đóng phí bảo hiểm theo quý cho đạt điều kiện giải ngân, sau đó bỏ dở giữa chừng... Điều này vừa gây thiệt hại cho công ty bảo hiểm, ngân hàng, vừa ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng và quan trọng hơn, đó là làm mất ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm", chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Tiến Hùng nói.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục