Đóng và chi trả bảo hiểm thất nghiệp

Theo Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), sau khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực (sau thời điểm 1/1/2009), dự báo sẽ có khoảng 5 - 6 triệu người lao động tham gia. Từ 2010 trở đi, bắt đầu chi trả BHTN và các chế độ liên quan theo quy định.
Việc đóng bảo hiểm thất nghiệp có lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Việc đóng bảo hiểm thất nghiệp có lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Lợi về lâu dài

 

Những thắc mắc liên quan đến Nghị định 127/CP về BHTN đã được đại diện Bộ LĐ-TB-XH, Tổng liên đoàn Lao động VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cùng đại diện Liên minh HTX VN giải đáp chi tiết trong cuộc họp báo sáng qua 22/12, tại Hà Nội.

 

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH, khẳng định việc triển khai thực hiện chính sách BHTN trong giai đoạn kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn như hiện nay sẽ không gây tác động lớn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp (DN) và về lâu dài sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả người lao động (NLĐ) lẫn người sử dụng lao động.

 

Ông Đồng chứng minh: Theo quy định hiện hành, khi NLĐ bị thôi việc hoặc mất việc làm thì DN phải trợ cấp cho họ từ nửa tháng đến 1 tháng lương cho một năm làm việc, trong khi nếu đóng BHTN thì DN chỉ phải trả 12% của một tháng lương cho 1 năm làm việc. Đối với NLĐ, nếu đóng BHTN sẽ nhận được 1,8 tháng lương (60% x 3 tháng) cho một năm làm việc, cao hơn nhiều so với mức trợ cấp từ 0,5 - 1 tháng lương như trước đây. Ông Đồng cho biết, sau khi chính sách BHTN có hiệu lực, thì Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của mỗi DN (hiện chiếm khoảng 1 - 3% quỹ lương DN) sẽ được Bộ LĐ-TB-XH tính toán giảm bớt và dự báo sẽ có khoảng 5 - 6 triệu NLĐ tham gia BHTN.

Theo Nghị định 127, các đơn vị có sử dụng từ 10 lao động VN trở lên, có HĐLĐ dài hạn từ 12 tháng sẽ phải đóng BHTN. NLĐ sẽ được hưởng BHTN khi đáp ứng đủ 3 điều kiện: đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ; đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt HĐLĐ và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động. Ngoài BHTN, NLĐ còn được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng BHTN.

Cùng quan điểm với Bộ LĐ-TB-XH, ông Phùng Quang Huy, đại diện Văn phòng giới chủ sử dụng lao động thuộc VCCI, cho biết các DN sẽ hưởng lợi từ BHTN vì chính sách này có tính chia sẻ cao theo hướng "nhiều người đóng cho ít người hưởng". "Trước kia, khi NLĐ bị mất việc làm thì DN phải chi trả toàn bộ trợ cấp, nay gánh nặng đó được chia sẻ thêm 1% từ ngân sách Nhà nước và 1% từ NLĐ", ông Huy nhấn mạnh.

 

Những vấn đề cần lưu ý

 

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thanh Hòa, DN và NLĐ cần lưu ý đến việc bảo lưu thời gian đóng BHTN và chế độ chuyển tiếp từ trợ cấp thất nghiệp và mất việc làm theo quy định cũ sang BHTN.

 

Cụ thể, Nghị định 127 quy định, thời gian đóng BHTN để xét hưởng BHTN là tổng các khoảng thời gian đã đóng BHTN được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng BHTN cho đến khi NLĐ bị thôi việc hoặc mất việc làm. Như vậy, NLĐ được quyền bảo lưu thời gian đóng BHTN của mình.

 

Về chế độ chuyển tiếp, Nghị định quy định, thời gian NLĐ đóng BHTN sẽ không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc hoặc mất việc làm theo quy định trước đây; thời gian NLĐ làm việc mà không phải đóng BHTN thì được tính để xét hưởng trợ cấp thôi việc hoặc mất việc làm; thời gian DN đóng BHTN cho NLĐ sẽ được tính để miễn trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc hoặc mất việc làm theo quy định cũ. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu NLĐ có tham gia đóng BHTN bị thôi việc hoặc mất việc làm sau ngày 1/1/2009 thì họ sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc hoặc mất việc làm theo quy định cũ tính từ khi ký hợp đồng lao động đến 31/12/2008; nếu thời gian đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên thì họ sẽ được nhận thêm khoản BHTN theo quy định mới; nếu chưa đủ 12 tháng thì họ sẽ được bảo lưu thời gian đã đóng BHTN, sau khi tìm được việc làm mới sẽ được cộng dồn để tính cho lần bị thôi việc hoặc mất việc làm tiếp theo. 

 

Để ngăn chặn việc DN trốn tránh đóng BHTN cho NLĐ, ông Hòa cho biết Bộ LĐ-TB-XH đang nghiên cứu bổ sung các biện pháp chế tài DN theo hướng "nghiêm khắc, quyết liệt" vào Nghị định 135/CP về xử lý hành chính đối với việc thực hiện bảo hiểm xã hội (BHXH). Đồng thời, sẽ phối hợp với cơ quan BHXH tăng cường công tác thanh kiểm tra và thông tin tuyên truyền trong nhân dân.

 

Bộ LĐ-TB-XH cho biết, trong tháng 1/2009, Chính phủ sẽ ban hành Quyết định về quy chế tài chính của Quỹ BHTN, Thông tư hướng dẫn Nghị định 127/CP, Quy trình thủ tục thu, chi BHTN. Trong năm 2009, cơ quan BHXH sẽ tổ chức thu BHTN trên phạm vi toàn quốc. Các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các cấp cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chế độ, chính sách BHTN cho người dân. Từ 2010 trở đi, bắt đầu chi trả BHTN và các chế độ liên quan theo quy định.

Năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp là bao nhiêu?

 

Tuy chưa có con số cụ thể về lao động mất việc làm do suy thoái kinh tế trong năm nay, nhưng ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm Bộ LĐ-TB-XH, cho biết theo phân tích của các chuyên gia về lao động việc làm thì nếu GDP giảm 1% tương ứng với tình trạng lao động mất việc làm là 0,33%. Năm 2009, nhiều chuyên gia dự đoán GDP giảm khoảng 2%, tương ứng lao động mất việc làm là 0,65%.

 

Ông Đồng cũng cho biết, mặc dù tình hình việc làm năm 2009 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng tại phiên họp mới đây, Chính phủ khẳng định kiên quyết giữ chỉ tiêu giải quyết cho 1,7 triệu việc làm.


TN

Tin cùng chuyên mục