Doanh nghiệp bảo hiểm vào cuộc đua tăng vốn

(ĐTCK) TTCK khởi sắc trở lại, nhiều DN bảo hiểm đã và đang khẩn trương lên kế hoạch tăng vốn điều lệ, với các mục đích khác nhau.
Tăng vốn như một điều kiện cần cho “rating” Tăng vốn như một điều kiện cần cho “rating”

Các kế hoạch tăng vốn

Tại ĐHCĐ sắp tới, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) sẽ đưa ra hai phương án tăng vốn để Đại hội quyết định: một là, tăng vốn từ 693 tỷ đồng lên 1.089 tỷ đồng thông qua việc trả cổ tức năm 2013 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10% và phát hành cho cổ đông chiến lược tối đa 30% vốn điều lệ mới; hai là, tăng vốn lên 990 tỷ đồng bằng cách phát hành tối đa 30% vốn cho cổ đông chiến lược, sau khi trả cổ tức năm 2013 bằng tiền mặt.

Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) đặt mục tiêu tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng.

Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đang hoàn tất phương án tăng vốn điều lệ để trình ĐHCĐ.

Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 710 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2019. Ghi nhận từ PJICO, trên cơ sở tình hình thị thị trường, Công ty sẽ lập phương án tăng vốn sao cho mang lại giá trị cao nhất cho cổ đông, hy vọng sớm hoàn tất nhằm nhanh chóng tăng năng lực tài chính.

Tăng vốn và rating

Bên cạnh mục tiêu tăng vốn điều lệ để tăng năng lực tài chính, đảm bảo khả năng thanh toán, đảm bảo vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định…, thì đối với không ít DN, tăng vốn điều lệ như là một điều kiện cần để được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế định hạng (rating).

Theo ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT BIC, cùng với sự ổn định và phục hồi của nền kinh tế, TTCK khởi sắc là thời điểm phù hợp để BIC tăng vốn như một điều kiện cần để đạt được kết quả định hạng tín nhiệm quốc tế tốt, bên cạnh mục tiêu tăng năng lực tài chính, phù hợp quy mô doanh thu bảo hiểm. Bởi lẽ, đơn vị tư vấn định hạng tín nhiệm quốc tế cho biết, BIC sẽ không thể duy trì mức định hạng tín nhiệm dự tính B+ nếu tỷ lệ vốn trên phí giữ lại thuần nhỏ hơn 1 vào năm 2015 và giảm dần tỷ số BCAR xuống lần lượt 116% và 114% vào năm 2014 và 2015.

Tại PVI Holdings, trước khi tái cấu trúc, trước áp lực phải đảm bảo các chỉ số tài chính đạt chuẩn để được xếp hạng B+, DN này đã có nhiều năm liên tiếp tăng vốn, đôi khi khiến cổ đông thiểu số “ngao ngán”. Ngay cả sau tái cấu trúc, trước áp lực duy trì thứ hạng rating B+, hai công ty con của PVI Holdings là Bảo hiểm PVI và PVI Re cũng đã nhanh chóng tăng vốn lần lượt lên 1.700 tỷ đồng và 668 tỷ đồng. Trong đó, PVI Re tăng vốn từ 460 tỷ đồng lên 668 tỷ đồng thông qua việc phát hành gần 30% cho cổ đông nội bộ công ty mẹ là PVI Holdings.

Tương tự, tại Tập đoàn Bảo Việt, để được rating từ Tổ chức xếp hạng quốc tế A.M.Best, hai công ty con là Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Việt Nhân thọ cũng đã tìm cách nâng vốn lên cùng mức là 2.000 tỷ đồng. Samsung Vina cũng nỗ lực hoàn tất tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng vào năm ngoái, nhằm đáp ứng một số tiêu chuẩn tài chính của A.M.Best.

Nói về tính cần kíp của việc tăng vốn như một điều kiện cần cho rating, đại diện BIC chia sẻ, trong hai phương án tăng vốn sẽ trình ĐHCĐ, HĐQT BIC thiên về phương án 1 nhằm tăng nhanh năng lực tài chính của BIC trên cơ sở lợi ích của cổ đông hiện hữu.

“Phương án 1 sẽ tăng ngay năng lực tài chính của BIC trong quý II/2014, phù hợp với kế hoạch xem xét định hạng tín nhiệm quốc tế bên cạnh việc đảm bảo các giới hạn đầu tư, bổ sung vốn để có tiền góp vào liên doanh bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife và CVI. Phương án 2 không tăng được năng lực tài chính cho BIC trong ngắn hạn do việc lựa chọn cổ đông chiến lược cần phải có thời gian, nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2014 mới tăng được vốn”, đại diện BIC nói.

Lãnh đạo một DN bảo hiểm khác cũng có kế hoạch tăng vốn để được rating chia sẻ, tăng vốn đã và đang khiến DN “đau đầu”, bởi TTCK khởi sắc hơn, nhưng nếu giá cổ phiếu vẫn ở dưới mệnh giá mà phát hành cho cổ đông hiện hữu thì không biết đến bao giờ mới tăng vốn thành công.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục