Doanh nghiệp bảo hiểm, “to” chưa chắc đã “khỏe”

(ĐTCK) Tại khối phi nhân thọ, việc mở rộng mạng lưới của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thuộc top đầu đang gây sự chú ý với những động thái khác nhau.
3 năm qua, Bảo Việt “nói không” với việc lập mới công ty con 3 năm qua, Bảo Việt “nói không” với việc lập mới công ty con

Trước câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về việc có lập thêm thành viên mới, khi mà các DNBH phi nhân thọ lớn khác đang đẩy mạnh hoạt động này, lãnh đạo Bảo Việt thận trọng trả lời: “Chúng tôi đang xem xét!”.

Tương tự, trong kế hoạch kinh doanh 2016 báo cáo tại ĐHCĐ mới đây, Bảo Minh cũng không đề cập đến việc mở rộng mạng lưới, thay vào đó là tiếp tục rà soát lại hoạt động của các đơn vị thành viên để loại bỏ những đơn vị yếu kém, kiên định mục tiêu hiệu quả và phát triển bền vững, tập trung vào các địa bàn trọng điểm và các nghiệp vụ kinh doanh trọng tâm...

Năm 2015, Bảo Minh đã thực hiện thay mới lãnh đạo tại một số đơn vị thành viên yếu kém tại tỉnh Hậu Giang, Lào Cai, Cà Mau, Nam Định, Bình Thuận, Yên Bái…

Tại PJICO, sau 3 năm đặt chiến lược không tăng trưởng doanh thu bằng mọi giá, năm 2016, PJICO khẳng định không đặt mục tiêu tăng trưởng số lượng đại lý, mà vẫn là rà soát và thanh lý các hợp đồng đại lý hoạt động không hiệu quả để nâng hiệu quả hoạt động cho Công ty và an toàn cho hệ thống.

3 DNBH trên thận trọng trong việc mở rộng mạng lưới là có lý do, bởi đây đều là các DNBH có số lượng thành viên lớn nhất trên thị trường. Việc mở thêm chi nhánh chưa hẳn là bài toán hay nếu so sánh với việc nâng hiệu quả chi nhánh hiện hữu.

Với 67 công ty thành viên, Bảo Việt là DNBH phi nhân thọ có mạng lưới lớn nhất cả nước, nên điều quan tâm nhất của DN này vẫn là hiệu quả hoạt động (về lợi nhuận). 3 năm qua, Bảo Việt “nói không” với việc lập mới công ty con, 2 chi nhánh mới nhất được lập (tại TP. HCM) đã cách đây 4-5 năm.

Bảo Minh hiện có 58 đơn vị thành viên. Năm 2015, dẫu vượt kế hoạch doanh thu, song DN này lại không hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận. Bởi vậy, năm 2016, Bảo Minh tiếp tục thận trọng trong việc lập thêm thành viên, lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc chỉ ở mức một con số (7%).

Hay với PJICO, sự tăng trưởng “nóng” từ việc ồ ạt thành lập mới công ty thành viên trước đây để lại không ít tồn đọng. Bởi vậy mà 3 năm qua, PJICO phải hạn chế tối đa hoạt động này.

Với chiến lược nâng cao hiệu quả thay vì mở rộng thành viên, cả 3 DNBH trên đã bắt đầu thu được kết quả khả quan.

Năm 2015, Bảo hiểm Bảo Việt đứng đầu trong số DN phi nhân thọ trong nước về lãi sau thuế, đạt 290 tỷ đồng (+15,9%), hoàn thành 112,6% kế hoạch năm. Quý I/2016, Bảo Việt đạt 99 tỷ đồng lãi sau thuế, hoàn thành gần 33% kế hoạch lợi nhuận 2016.

Hay với Bảo Minh, mặc dù thị phần năm 2015 đã giảm chỉ còn 8,88% xuống vị trí thứ 3 (cách xa so với vị thứ 2 là 20,89% của Bảo Việt), nhưng đây lại là năm có số lượng đơn vị thành viên hoàn thành kế hoạch doanh thu cao nhất từ trước đến nay là 51/58 đơn vị (tỷ lệ 88%) và số đơn vị tăng trưởng về chỉ tiêu này tăng mạnh tăng đáng kể so với năm 2014, đạt 47/58 đơn vị (tỷ lệ 81%). 

Sức ép doanh thu

Việc khai trương hàng loạt chi nhánh trong thời gian qua của PTI có phần gây bất ngờ cho thị trường. Chỉ trong tháng 5/2016, PTI có kế hoạch mở thêm 5 đơn vị thành viên, nâng tổng số thành viên lên con số 40 (có 6 công ty tại Hà Nội). Trong đó, 4 đơn vị đã được lập là PTI Hải Đăng, PTI Âu Lạc, PTI Nam Định và PTI Tây Bắc, đơn vị còn lại là PTI Tràng An dự kiến ra mắt vào cuối tháng 5 này.

Được biết, trong năm 2016, PTI đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng tới 28% so với năm trước. Bởi vậy, kế hoạch tăng thêm thành viên của PTI là có cơ sở.

Còn với PVI, dù chưa công bố kế hoạch chi tiết, nhưng việc mở rộng diện “phủ sóng” đến những địa bàn tiềm năng tiếp tục được nêu ra trong kế hoạch hoạt động năm 2016 của DN này, theo hướng đồng nhất chất lượng dịch vụ tại hơn 30 đơn vị thành viên hiện tại.

Sự sụt giảm doanh thu bảo hiểm trong lĩnh vực dầu khí trong 3 năm liên tiếp (từ năm 2014) do giá dầu giảm đang khiến PVI buộc phải tìm kiếm các nguồn thu ngoài ngành để bù đắp thiếu hụt, trong đó có khối bảo hiểm bán lẻ (dành cho khách hàng cá nhân), khi mà yêu cầu đặt ra của lãnh đạo PVI là phải duy trì vị trị số 1 về thị phần.

Theo ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI Holdings (nắm 100% vốn tại PVI), năm 2015, doanh thu bảo hiểm dầu khí đã giảm khoảng 50% so với trước đó và năm 2016 dự kiến con số sụt giảm còn cao hơn. Do đó, việc lập thêm thành viên là một trong những nhu cầu tất yếu.

Có thể thấy, trong chiến lược kinh doanh của mình, mỗi DNBH đều có kế hoạch mở rộng mạng lưới hoạt động khác nhau, song mục tiêu cốt lõi vẫn là tăng trưởng doanh thu, qua đó hiện thực hóa lợi nhuận, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ.         

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục