Doanh nghiệp bảo hiểm muốn cổ đông tổ chức nắm trên 20% vốn

(ĐTCK) Đóng góp ý kiến sửa đổi cho Thông tư 125/2012/TT-BTC (TT 125) của Bộ Tài chính mới đây, một số công ty cổ phần bảo hiểm đề xuất cho phép tổ chức được nắm giữ trên 20% vốn điều lệ tại các DN này. Điều này xuất phát từ nhu cầu giữ nguyên/tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông cũ hoặc mới.
Doanh nghiệp bảo hiểm muốn cổ đông tổ chức nắm trên 20% vốn

Mong muốn

Vinare đề nghị cho phép tổ chức được nắm giữ trên 20% vốn điều lệ của DNBH, tuy nhiên có thể quy định thêm mức tối đa và cả việc cụ thể hóa điều kiện/tiêu chuẩn tham gia của tổ chức. Tại Vinare, cơ cấu cổ đông tổ chức như sau: SCIC nắm 40,36%; Swiss Re 25%; Bảo hiểm Bảo Việt 9,18%; Bảo Minh 6,43%...

ABIC từng có văn bản gửi lên Bộ Tài chính chấp thuận Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) trở thành cổ đông chiến lược của ABIC và tiếp tục nắm giữ trên 20% vốn điều lệ của Công ty.

Cần nhắc lại là, trước đó, thực hiện theo quy định “Một cổ đông là tổ chức được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ của DNBH” tại TT 125  ban hành ngày 30/7/2012, Agribank đã phải tuân thủ và phải thoái vốn đầu tư tại ABIC từ 40,26% xuống dưới 20%, trong khi theo ABIC, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tại DN này chỉ đạt được hiệu quả cao nhất khi Agribank tham gia với vai trò chi phối.

Đồng thời, chỉ với vai trò là cổ đông chi phối, Agribank mới có cơ sở để phát huy vị thế, khai thác tiềm năng, nguồn lực của hệ thống để phát triển mô hình bancassurance một cách bền vững, giữ vai trò chủ lực, chủ đạo trên thị trường tài chính – tiền tệ ở khu vực nông nghiệp - nông thôn.

Tại một số DNBH hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con (trong đó, công ty con là DNBH, công ty mẹ là Tập đoàn) như Bảo Việt hay PVI thì các công ty con gồm Bảo Việt Nhân Thọ, Bảo hiểm Bảo Việt hay Bảo hiểm PVI, PVI Sun Life không bị khống chế bởi quy định trên (tối đa 20% vốn).

Tuy nhiên, công ty mẹ là Tập đoàn Bảo Việt và PVI Holdings sẽ chịu sự khống chế về vốn theo quy định của Luật Chứng khoán, do 2 DN này đều niêm yết trên sàn nên tỷ lệ cổ phần của tổ chức không giới hạn nhưng có khống chế về tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài (tối đa 49%).

Còn các công ty con là DNBH chỉ bị khống chế khi được cổ phần hóa. Tính đến thời điểm này, trong số các công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm của PVI và Tập đoàn Bảo Việt thì mới có PVI Re được cổ phần hóa, còn các đơn vị còn lại của PVI và Bảo Việt vẫn do công ty mẹ nắm 100% vốn.

Trở lại với trường hợp của Vinare, ABIC, có thể thấy, đề xuất cho phép tổ chức được nắm giữ trên 20% vốn xuất phát từ nhu cầu giữ nguyên hoặc tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông cũ hoặc mới. Thay vì phải điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ theo quy định tại Thông tư 125, trước thời điểm 1/10/2015 (vì theo quy định tại Thông tư này, trong thời hạn 3 năm kể từ ngày thông tư này có hiệu lực (1/10/2012), một số DNBH phải điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ theo quy định), có DN lại tranh thủ xin sửa luật trong dịp sửa đổi Thông tư 125 lần này.

Lập luận của các bên liên quan

Ghi nhận từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), nơi tổng hợp các ý kiến soạn thảo từ DNBH hội viên, quan điểm vẫn là nhất trí với nội dung TT 125. Bởi theo AVI, nếu tăng tỷ lệ nắm giữ được phép có thể tạo ra sự lũng đoạn của một tổ chức, gây rủi ro mất an toàn cho hoạt động của CTCP bảo hiểm.

Trên thực tế, việc nắm tỷ lệ cổ phần vượt quá hạn mức cũng đã từng diễn ra tại một vài DNBH, khiến DN, cổ đông nhỏ lên tiếng do bị ảnh hưởng đáng kể khi toàn bộ thành phần HĐQT, cũng như Ban Kiểm soát đều là những người đang làm việc cho các tổ chức có tỷ lệ sở hữu vốn lớn tại DN.

Chẳng hạn, tại BSH, cổ đông nhỏ đã tố DN này có 3 tổ chức có liên quan đến nhau là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), CTCP Tập đoàn T&T nắm tới 25% vốn điều lệ của BSH, vi phạm quy định “Cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ” tại TT 125.

Dẫu vậy, ghi nhận từ Tổ soạn thảo cũng cho thấy, quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu của một cổ đông, nhưng Thông tư 125 vẫn đang tạo hướng “mở” cho DNBH khi quy định “Một cổ đông là tổ chức được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ, trừ các trường hợp sau đây: sở hữu cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo lộ trình tái cơ cấu; sở hữu cổ phần của cổ đông chiến lược là tổ chức nếu cổ đông đó đáp ứng các điều kiện như có tổng tài sản tối thiểu tương đương 2 tỷ đô la Mỹ vào năm trước năm dự kiến là cổ đông nắm giữ trên 20% vốn điều lệ của DNBH; trong 3 năm liên tục trước năm dự kiến là cổ đông chiến lược hoạt động kinh doanh phải có lãi và không có lỗ lũy kế…

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục