Doanh nghiệp bảo hiểm không còn muốn chạy theo doanh thu

(ĐTCK) Năm 2017, ngành bảo hiểm đặt mục tiêu tăng trưởng 18,6%, thấp hơn nhiều so với con số tăng trưởng 24,7% của năm 2016. Theo đại diện một số doanh nghiệp, mục tiêu này là hợp lý trong bối cảnh toàn thị trường đang hướng tới mục tiêu phát triển an toàn, hiệu quả, tăng chất lượng dịch vụ.
Doanh nghiệp bảo hiểm không còn muốn chạy theo doanh thu

Tăng trưởng chậm lại

Theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2016, doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành tăng trưởng 24,7% so với năm 2015, ước đạt 87.107 tỷ đồng. Trong đó, khối bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng 31,8%, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 50.455 tỷ đồng, khối bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 16%, ước đạt 36.652 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc. 

Cũng trong năm 2016, thị trường đón nhận thêm những doanh nghiệp mới gia nhập, cùng mạng lưới chi nhánh các doanh nghiệp bảo hiểm được mở rộng, công tác phát triển thị trường/sản phẩm cũng được nâng cao đáng kể.

"Chúng tôi từng có giai đoạn bùng bổ, mở nhiều chi nhánh, nhưng do thị trường không theo kỳ vọng, chúng tôi buộc siết lại, tập trung kinh doanh hiệu quả, bền vững"

- Ông Trần Vĩnh Đức,Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bảo Minh 

Cụ thể, trong năm 2016, có thêm 1 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 1 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 văn phòng đại diện tại Hà Nội được cấp phép thành lập và hoạt động. Ngoài ra, thêm gần 60 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập, mở mới, nâng tổng số chi nhánh/văn phòng đại diện trên toàn quốc  lên con số 785 chi nhánh/văn phòng đại diện.

Năm 2017, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, toàn thị trường đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng 18,6% so với năm ngoái. Trong đó, khối bảo hiểm nhân thọ dự kiến tăng 23,4%, ước đạt 62.294,95 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, khối bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9,4%, ước đạt 40.087 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc.

Đi đôi với đó là đảm bảo thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm tiệm cận dần với các chuẩn mực quốc tế, chuẩn bị tốt cho việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Hướng đến dài hạn

Lý giải về lý do đặt mục tiêu tăng trưởng chậm lại, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đó là điều dễ hiểu. Theo vị này, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã nhiều năm liền đạt mức tăng trưởng trên 30%/năm, trong khi số lượng doanh nghiệp mới gia nhập không nhiều, các nghiệp vụ khai thác cũng còn ít.

Cụ thể, hiện khối này mới chủ yếu khai thác 3/7 nghiệp vụ là bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm liên kết đầu tư (bảo hiểm liên kết chung). Các dòng sản phẩm bảo hiểm khác còn chưa được chú trọng phát triển như bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí... Thêm vào đó, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nói chung còn nhiều điều khoản phức tạp, nhiều thuật ngữ chuyên môn cao, hạn chế khả năng hiểu thấu sản phẩm, khiến khách hàng chưa thực sự mặn mà.

Chưa kể, trước đây, việc chạy theo doanh số khiến nhiều doanh nghiệp tăng hoa hồng, thưởng cao cho đại lý, nên có tình trạng đại lý tạo doanh thu “ảo” trong năm đầu, dẫn đến tỷ lệ hủy hợp đồng ngay từ năm thứ 2 khá cao, gây ảnh hưởng đến an toàn tài chính. Do đó, các công ty bảo hiểm phải siết lại kế hoạch doanh thu, hướng tới tăng trưởng ở mức chấp nhận được, nhưng bền vững hơn.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác cho rằng, đây chỉ là kế hoạch kinh doanh với kịch bản mang tính thận trọng, còn ở kịch bản lạc quan hơn, mức tăng trưởng cũng duy trì ở mức 30%. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, mức tăng trưởng mục tiêu gần 25% dành cho khối bảo hiểm nhân thọ cũng là hợp lý trong bối cảnh toàn thị trường đang hướng tới mục tiêu phát triển an toàn, hiệu quả, tăng chất lượng dịch vụ.

“Các doanh nghiệp bảo hiểm đang nhận ra rằng, số hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực mới là điểm chốt tạo nên sự phát triển dài hạn cho doanh nghiệp, mang lại các giá trị về lợi nhuận, phát triển bền vững, do đặc thù của bảo hiểm nhân thọ là bán bảo hiểm nhiều năm”, vị này nói.

Được biết, năm 2016, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực (sản phẩm chính) ước đạt 6.459.066 hợp đồng.

Tương tự, lý do cần tăng cường hiệu quả hoạt động, có lãi từ hoạt động lõi là kinh doanh bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu và đảm bảo khả năng thanh toán theo quy định cũng được hiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đưa ra để lý giải cho việc đặt mục tiêu tăng trưởng thấp.

Ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bảo Minh cho biết, hiện các cổ đông của Công ty không còn quan tâm lớn đến tốc độ tăng trưởng doanh thu, mà chỉ quan tâm tới lợi nhuận, cổ tức được chia.

“Chúng tôi từng có giai đoạn bùng bổ, mở nhiều chi nhánh, nhưng do thị trường không theo kỳ vọng, chúng tôi buộc siết lại, tập trung kinh doanh hiệu quả, bền vững. Năm qua, không phải doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nào cũng có lãi từ bảo hiểm, nhưng hy vọng sắp tới, mọi doanh nghiệp đều có lãi từ hoạt động lõi này”, ông Đức chia sẻ.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục